.

Ảo – thật đồng tính

.

“Một nửa thế giới” nào đó đã không còn cần thiết đối với “les” (đồng tính nữ) hoặc “gay” (đồng tính nam). Song, họ vẫn là những con người bình thường, với trọn vẹn nỗi đau, giọt nước mắt, khao khát yêu thương và hy vọng được mọi người đón nhận.

Từ ảo đến thật

Trên một diễn đàn dành cho giới trẻ (TeenTVO.com), nhiều người tỏ ra bứt rứt, dằn vặt khi nhận ra giới tính thật của mình mà vẫn không dám công khai. Như trường hợp của một bạn có nickname Benny, từ Việt Nam sang du học tại Melbourne, Australia: “Vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường, vừa phải lo học, lại thêm nỗi lo che giấu giới tính của mình, chắc không phải là điều dễ dàng gì với những teen ở thế giới thứ 3. Ở bất cứ trường học nào, nếu bạn trai có biểu hiện “nữ tính”, ngay lập tức sẽ trở thành chủ đề cho mọi người chế giễu, chê bôi. Hiện tại tôi đã có người yêu, chúng tôi rất hạnh phúc, yêu nhau thực sự vì tình cảm chứ không phải yêu nhau vì “vật chất, tình dục” như một số tờ báo phê phán giới “gay” nói”.

Từ góc truyền thông này của Câu lạc bộ Ánh sao đêm (Dự án can thiệp sức khỏe tình dục nam giới), những người đồng tính nam có thể tìm hiểu các kiến thức về tình dục an toàn, các biện pháp tránh lây nhiễm...Người đồng tính vẫn là người bình thường, họ rất cần sự sẻ chia, đón nhận của xã hội (Ảnh khai thác từ Internet, mang tính minh họa).

“Một người nam nói với chúng tôi: Tháng sau đám cưới nhưng chẳng có cảm giác gì. Chắc phải tưởng tượng vợ cũng là nam mới có thể sống cùng”- Đó là một trong vô vàn tâm sự của những người đồng tính nam gửi đến Câu lạc bộ Ánh sao đêm (thuộc Dự án Can thiệp sức khỏe tình dục nam giới tại Đà Nẵng). Theo một tư vấn viên (đề nghị không nêu tên) của dự án, qua điện thoại, gặp trên mạng hoặc chuyện trò trực tiếp, anh tiếp cận với rất nhiều tình huống dở cười dở khóc: cưới vợ cho xong trách nhiệm với gia đình; đã có vợ con đàng hoàng nhưng vẫn quan hệ, có tình cảm luyến ái với người nam khác; hoặc bị vợ phát hiện và đưa ra tối hậu thư “không chữa “bệnh” sẽ li dị”, v.v...

“Hãy để bố mẹ chấp nhận các con một cách chầm chậm”

Khi phát hiện con em mình là đồng tính, phản ứng đầu tiên của phụ huynh thường là hoảng sợ, hoang mang, và gần như không muốn chấp nhận sự thật. Tình cờ nhận biết em song sinh với mình là “les”, người có email lananh...@yahoo.com viết trên diễn đàn TeenTVO.com: “Mình đã trách số phận sao lại khiến cho em mình như vậy. Mình vừa giận vừa thương. Thật sự mình rất lo sợ. Nếu mọi người vì chuyện này mà kỳ thị thì em sẽ như thế nào? Bố mẹ mình nếu biết sẽ ra sao? Tại sao suốt bao lâu nay, em không hề san sẻ gì với mình?”.

Từ cảm giác hỗn độn ấy, cha mẹ lập tức bắt con cưới vợ, với hy vọng sẽ làm thay đổi mọi chuyện như nhiều trường hợp mà tư vấn viên trên đã kể. Ngược lại, nhiều bậc phụ huynh đã ghìm nén lòng lo sợ, nhìn con em mình bằng đôi mắt cảm thông và giang rộng vòng tay. lananh...@yahoo.com nói: “Nó là em mình, có lẽ nó cũng rất đau khổ và mình không thể làm nó khổ sở hơn bằng sự xa lánh. Mình phải vượt qua tất cả cảm giác lo sợ để yêu thương và chia sẻ với em. Mình chỉ mong, mọi người chung quanh, một lúc nào đó cũng chấp nhận em mình – như những gì vốn có của nó. Và đừng làm tổn thương nó”.

 
Thạc sĩ - Bác sĩ Võ Doãn Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng:

Khi đến với chúng tôi, bệnh nhân là người đồng tính được cung cấp kiến thức về các bệnh lây truyền qua đường tình dục, các biện pháp phòng tránh và thay đổi hành vi quan hệ bằng cách tạo thói quen dùng bao cao su khi quan hệ.

Vì không được xã hội công nhận, người đồng tính thường giấu mình. Mà như vậy càng làm tăng khả năng lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

 
Đứng ở góc độ của những người làm cha mẹ, một phụ huynh mang tên Nguyễn Xuân Thắng (Hà Nội) tham gia góp ý trong diễn đàn này: “Chuyện này thì chỉ những bậc làm cha làm mẹ chúng tôi mới hiểu được, chứ giới trẻ chưa trải qua thì không sao thấu nổi. Cũng vì là người đẻ ra con, thì mới xót xa, mới thương và cảm thông cho các con nhiều hơn. Không thể vì chuyện giới tính mà đánh mắng, rời bỏ, xa lánh các con được. Nếu trong một lúc nào đấy có trót lỡ mà nặng lời với các con, mong các con hãy thông cảm. Hãy để bố mẹ chấp nhận các con một cách chầm chậm, bởi cần một thời gian để có thể thấu hiểu được dần dần”.

Và phía trước là bầu trời

Bác sĩ Phạm Thị Đào, Giám đốc Dự án Can thiệp sức khỏe tình dục nam giới tại Đà Nẵng nhận xét: “Xã hội hiện nay vẫn xem người đồng tính là nhóm bệnh hoạn, nên hay nhìn họ bằng đôi mắt kỳ thị, khinh ghét. Nhưng thực ra, đó chỉ là do cấu tạo cơ thể, làm họ có quan hệ tình dục khác biệt, còn lại, mọi sinh hoạt của họ đều bình thường”. Một tư vấn viên của dự án khẳng định: “Những người đến đây đủ mọi thành phần, trong đó có cả bác sĩ, kỹ sư, tổng giám đốc rất thành đạt..., nên không thể nói họ là những người bất bình thường được”.
 
Bằng việc mỗi tuần 3 – 4 lần đến các “điểm nóng” của người đồng tính phát bao cao su, chất bôi trơn, trò chuyện và sẻ chia, tổ chức các chương trình văn nghệ - giao lưu, tìm hiểu về HIV/AIDS... những thành viên của dự án mang đến cho những con người không bình thường dưới mắt mọi người một sân chơi bình thường, bình đẳng như bao người khác. Và ở đó, họ có quyền được trao đổi thoải mái, được bộc lộ rõ giới tính, có quyền nghĩ đến ngày mai khi xã hội cùng nhìn nhận họ đúng như những gì họ có...

 

Dù thể hiện dưới dạng tự truyện, nghiên cứu hay tiểu thuyết, những cuốn sách viết về người đồng tính đều có chung một góc nhìn đầy yêu thương và cảm thông với những thân phận “bơi ngược dòng”. Các tác giả đã nhìn thấy ở thế giới của những người đồng tính nỗi khát khao được sống thật với chính lòng mình, những đớn đau vì phải ẩn mình trong ngõ tối của đời sống và niềm khắc khoải yêu thương chân thành khi họ đến bên đời nhau.

Có thể kể tên các đầu sách nói về đề tài này trên thị trường hiện nay: “Bóng” – tự truyện của một người đồng tính (Hoàng Nguyên-Đoan Trang, NXB Văn học); “Xin lỗi em, anh đã yêu anh ấy” (Tiểu thuyết Nguyễn Thơ Sinh, NXB Lao động); “Chuyện tình của Lesbian và Gay” (Nguyễn Thơ Sinh, NXB Văn Nghệ); “Les – Vòng tay không đàn ông” (Bùi Anh Tấn, NXB Trẻ); “Thế giới không có đàn bà” (Tiểu thuyết Bùi Anh Tấn, NXB Trẻ)...

 

HƯỚNG DƯƠNG – TRIÊU NHAN

;
.
.
.
.
.