.

Bài học về thời gian

Năm 2008, Phòng GD-ĐT và Công đoàn Giáo dục quận Thanh Khê đã tổ chức Hội thi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cho cán bộ, viên chức, lao động của ngành. Với câu chuyện giản dị nhưng đầy ý nghĩa về sự yêu quý thời gian và thói quen làm việc đúng giờ, giữ chữ tín của Bác Hồ, cô Trần Thị Thanh Hải, giáo viên dạy văn của Trường THCS Phan Đình Phùng đã đoạt giải nhất kể chuyện của khối THCS.

Trong phần thi, bên cạnh việc truyền đạt những mẩu chuyện nhỏ về tấm gương đạo đức của Bác, cô giáo Hải còn có phần liên hệ thực tế rất ý nghĩa được rút ra trong quá trình công tác giảng dạy của mình.
                                        
 Ngày nay, chúng ta vẫn thường nghe nói về tác phong công nghiệp như một sự so sánh về cách hành xử, trong đó có vấn đề lề lối làm việc và thời gian. “Hiện nay, tôi nhận thấy ở các trường học, một số giáo viên có thói quen đủng đỉnh, lề mề, “giờ cao su”, đó không chỉ là một cách nói mà sâu xa hơn là thói quen lãng phí thời gian.

Biểu hiện rõ nhất là trong các cuộc họp hội đồng, sinh hoạt tổ chuyên môn… Nhiều giáo viên không hề có ý thức đến đúng giờ, cứ nhẩn nha ra vào cuộc họp một cách tùy tiện. Do việc đi họp muộn thường xuyên nên đa số các cuộc họp đều phải thông báo sớm giờ để… trừ hao. Cuộc họp bắt đầu từ 8 giờ sáng thì phải thông báo từ 7 giờ 30 để chờ đủ người. Như vậy việc đó đã làm lãng phí thời gian của những người có ý thức, có trách nhiệm với công việc”(cô giáo Hải). Có thể chính từ thực tế đó mà dẫn đến việc nhiều học sinh ngày nay cũng không coi trọng giờ giấc, thường xuyên đến lớp muộn, bỏ tiết, phung phí thời gian vào những việc vô bổ…

Xuất phát từ suy nghĩ mỗi thầy, cô giáo phải là một tấm gương đạo đức cho học sinh noi theo, cô giáo Hải luôn có ý thức về thời gian, không lên lớp muộn dù chỉ vài phút, vì mỗi một phút mất đi là một lượng kiến thức mất đi. Bên cạnh đó, trong quá trình giảng dạy, cô luôn kết hợp liên hệ, truyền đạt cho học sinh những bài học nhỏ về tấm gương đạo đức của Bác Hồ, trong đó có bài học về thời gian, một cách cụ thể, sinh động, gần gũi nhất để giúp hình thành trong các em lòng yêu mến, ý thức noi theo gương Bác.

Như vậy có thể thấy rằng, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không chỉ là nhiệm vụ của mỗi cá nhân, không chỉ là làm cho bản thân mình tốt hơn lên, mà còn phải giúp đỡ những người chung quanh mình tốt hơn lên. Đặc biệt là các em học sinh, những thế hệ tương lai của đất nước. Đó chính là ý nghĩa lớn lao nhất trong câu chuyện của cô giáo Hải nói riêng, và của cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” nói chung.
                        
NGUYỆT QUẾ

;
.
.
.
.
.