.

Cao ốc văn phòng, tại sao không?

Trong tất cả các sự lãng phí của cải xã hội hiện nay, lãng phí đất đai đang là sự lãng phí lớn nhất và bức xúc nhất. Năm ngoái, báo chí cả nước nói nhiều đến sự lãng phí ghê gớm ở các văn phòng gọi là “Cơ sở 2” của Chính phủ, các Bộ và cơ quan ngang Bộ; các cơ quan đoàn thể Trung ương; các Tổng Công ty Nhà nước, v.v... ở TP. Hồ Chi Minh.

Công sở nào cũng rộng hàng ngàn mét vuông, tọa lạc trên những vị trí “vàng”, nơi mà giá đất lên tới hàng chục cây vàng một mét vuông, nhưng lại sử dụng rất ít, bỏ hoang hoặc cho thuê giá rẻ. Trong lúc đó, các doanh nghiệp trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài không tìm ra đất để phát triển kinh doanh. Tại cuộc họp của HĐND TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội vừa qua, không hẹn mà gặp, rất nhiều đại biểu rất bức xúc chuyện “nhà công, đất công” để lãng phí nghiêm trọng.

Ở các tỉnh, chuyện lãng phí đất công cũng không thua kém gì. Các thành phố, thị xã, tỉnh lỵ du lịch phát triển như Đà Nẵng, Huế, Đà Lạt, Quảng Ninh, Quy Nhơn, Phan Thiết, v.v..., mỗi nơi có hàng trăm trụ sở các sở, ban, ngành của Đảng, đoàn thể, doanh nghiệp Nhà nước cấp tỉnh đều xây dựng và sử dụng các công sở hành chính rộng lớn, “ngự” trong những khuôn viên từ 1.000 đến 2.000 mét vuông. Thậm chí có những sở chỉ 15-20 cán bộ, cũng xây tòa nhà cao 6 tầng, trừ 2 ông bảo vệ ở cổng và văn thư, mỗi tầng 4 phòng chỉ 2 người làm việc. Tình trạng lãng phí nghiêm trọng đó bất cứ tỉnh nào cũng có.
 
Có thể tính được số diện tích đất thành phố loại 1, 2, 3 mà các sở, ban, ngành cấp tỉnh chiếm dụng mà không sinh lợi, hoặc sinh lợi rất ít. Nếu một tỉnh ít nhất có 200 sở, ban, ngành chính quyền, Đảng, đoàn thể, mỗi sở chiếm 1.000 mét vuông, thì số đất làm văn phòng sẽ là 200.000 mét vuông. Mỗi mét vuông giá bình quân 15 triệu đồng thôi, thì số tiền đất không sinh lợi lên đến 3.000 tỷ đồng. Tính ra 64 tỉnh, thành số bất động sản không sinh lợi là không lồ: 200.000 tỷ đồng, gần bằng tổng thu GDP một năm của quốc gia!

Vì sao có sự lãng phí “dễ sợ” như vậy? Lý do thật đơn giản: 30 năm nay đất đai lấy làm trụ sở, cơ quan văn phòng của Đảng, chính quyền, đoàn thể không được định giá, thậm chí là nơi “bất khả xâm phạm”. Sự “oai phong”, “mức độ lớn” của một sở, ban, ngành không được đo bằng trí tuệ và hiệu quả kinh tế- xã hội, mà được đo bằng công sở cao thấp, rộng hẹp, đo bằng xe con hạng sang. Vì thế chẳng ai đau xót trước sự lãng phí vô cùng lớn quỹ đất vốn đã rất hạn hẹp của quốc gia!

Chúng tôi cho rằng, Chính phủ phải có một quyết sách mạnh mẽ về vấn đề đất công đang bị lãng phí. Giao cho Bộ Tài chính điều tra tỉ mỉ trong cả nước và từng địa phương, tính toán thu hồi lại toàn bộ số đất đai đang sử dụng lãng phí, thiếu hiệu quả.
 
Nhưng đó là cái trước mắt. Chúng ta đã gia nhập WTO, nên vấn đề đất đai có tầm quan trọng đặc biệt trong phát triển kinh tế thời kỳ hội nhập. Nên về lâu dài, phải có sự đổi mới trong quan niệm về xây cất văn phòng, trụ sở cơ quan Nhà nước, theo hướng phải xây dựng những cao ốc văn phòng, những Trung tâm công sở hành chính cao tầng, để tập trung tất cả các cơ quan văn phòng Đảng, chính quyền, đoàn thể… về một chỗ.

Như vậy vừa tiết kiệm tối đa đất đai, tiết kiệm xe con, điện, nước, vừa áp dụng dễ dàng chủ trương cải cách hành chính “một cửa, một dấu”. Làm được như thế sẽ giải phóng được nạn chiếm đất công, có thêm quỹ đất cho việc xây dựng các khu công ích xã hội như khu văn hóa, bảo tàng, vườn hoa… hay phát triển kinh daonh.

Thành phố Đà Nẵng đang chuẩn bị khởi công xây dựng Trung tâm Hành chính thành phố cao 34 tầng, là nơi làm việc tập trung của các sở, ban, ngành và các cơ quan hành chính. Đây là sự suy nghĩ sáng tạo và tiết kiệm. Từ hơn 10 năm trước, tỉnh Khánh Hòa đã làm được việc này. Tỉnh đã xây 3 khu Trung tâm công sở để làm văn phòng cho các sở, ban, ngành. Với cách này, Khánh Hòa thừa ra hàng mấy vạn mét vuông đất để phát triển dịch vụ du lịch, kinh tế.

Cách làm của Khánh Hòa, Đà Nẵng tuy rất mới so với các tỉnh hiện nay, nhưng đã lạc hậu so với các nước trong khu vực và thế giới. Ở các nước như Thái Lan, Trung Quốc, Malaixia, Singapor, v.v... tất cả các cơ quan, văn phòng chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp, v.v… đều thuê văn phòng tại cao ốc cao 25 - 30 tầng.
 
Nhà nước không cho phép bất cứ cơ quan chính quyền nào xây văn phòng riêng. Mà cũng không thể có đủ kinh phí để mua đất xây trụ sở văn phòng tại các trung tâm giá đất đắt đỏ như thế. Cho nên, cao ốc cho thuê văn phòng là xu hướng tất yếu của nền kinh tế phát triển, hội nhập. Nếu tập trung đầu tư (hoặc kêu gọi đầu tư) xây cao ốc văn phòng cho thuê, Nhà nước sẽ có thêm một quỹ đất khổng lồ để đầu tư vào các kế hoạch phát triển.

Ngô Minh Khôi

;
.
.
.
.
.