.

Chạy việc theo mùa

.

Trước nhu cầu cần lao động phụ giúp công việc của người dân nội thành đã khiến phụ nữ các vùng quê lên đô thị kiếm việc làm gần như đã thành “phong trào” sau khi việc đồng áng đã xong.

Hết nông lên phố

Một nhóm trẻ gia đình ở nông thôn.
Đi qua những cánh đồng lúa sau vụ gặt ở mấy xã của huyện Hòa Vang chỉ còn trơ lại những cuống rạ lởm chởm ngập nước mưa, chúng tôi ghé vào một ngôi nhà ven đường thuộc xã Hòa Liên hỏi thăm đường. Quan sát chỉ thấy người già, trẻ con trong nhà. Các nhà khác cũng ít thấy phụ nữ. Mùa này không thấy ai ra đồng, chợ búa cũng vắng teo.

Đến cái chợ nhỏ, thấy mấy chị em đang tụm lại nói chuyện, chúng tôi gợi chuyện cần người giúp việc. “Mấy năm trước, cuộc sống nhà nông tuy có vất vả, nhưng đồng tiền kiếm ra để chi tiêu cũng dễ thở, chứ không như bây chừ, cần nhiều thứ quá, mấy cũng không đủ. Những người làm nông như chúng tôi không thể trông chờ vô thu nhập từ bầy heo, bầy gà và mấy sào lúa”… đây là lý do mà chị Phạm Thị Sáu ở thôn Vân Dương 1, xã Hòa Liên đưa ra để giải thích cho việc muốn rời nhà của mình.

Không riêng chị Sáu, nhiều phụ nữ ở các tỉnh như Quảng Ngãi, Bình Định, Thừa Thiên-Huế đang tìm giúp việc trong các gia đình, quán ăn hoặc đi bán kính, lót giày, bánh tráng dạo… Một chị tên Hường, phục vụ quán bánh cuốn điểm tâm trên đường Lê Duẩn trò chuyện với khách lúc quán vắng:
 
“Ở quê giờ chừ thì có chi mà làm. Hồi trước còn có nghề phụ, lúc nông nhàn tụi tôi còn làm lược sừng, chớ bữa ni ai dùng lược nớ”. Như chị Hường nói, quê chị ở thôn Lâm Lộc, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi có nghề truyền thống là làm lược bằng sừng trâu để bán, nhưng hiện nay, lược nhựa chiếm ưu thế nên làng nghề dần bị mai một. Người làm nông mất luôn nghề phụ, phải tìm ra thành phố lớn kiếm việc.

Có nhiều lý do và đủ hoàn cảnh để các chị vùng nông thôn chọn việc ngoài phố theo thời vụ. Chị Trần, quê xã Hòa Sơn vui vẻ giải thích: “Ráng đi bế em hai  tháng từ bữa ni tới Tết là đủ tiền sắm cho hai đứa nhỏ mấy bộ quần áo mới và tiền học thêm. Kiếm chút đỉnh nhưng được nhiều việc lắm đó!”. Một chị người huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa vừa tìm được chân giúp việc, nhẩm tính:

Một vụ mùa 6 tháng, cả nhà 6 người làm hùng hục chỉ thu được 1,4 tấn thóc, bán thóc có khi chỉ 5.000 đồng/kg, cả vụ trừ gạo ăn còn lại 7 triệu đồng, chưa trừ phân bón, thuốc trừ sâu, công cán... Trong khi đó, một tháng xa nhà chị có khoảng 1 triệu đồng, nếu để dành cỡ 2-3 tháng là đủ tiền mua phân bón cho 6 sào ruộng Bắc Bộ và hơn cả nhà làm nông. Kể ra thì đi làm ngoài phố vẫn có ăn, có để.

Lao động thời vụ: nhiều phức tạp

Chị H. (ở quận Hải Châu) than phiền: “Thuê mấy người giúp việc theo thời vụ mệt lắm. Nhà chị sử dụng hai lao động ở quê lên giúp việc nhà, nhiều hôm đi làm về, hai người không hòa thuận, nói xấu nhau trước mặt chủ nhà, công việc thì đùn đẩy, không xong, trẻ nít khóc om sòm”. Trường hợp khác, chủ nhà đang cần người làm, bỗng dưng người giúp việc nằng nặc đòi về vì sắp có đám cưới, đám giỗ ở quê hay “về gieo nốt mấy luống mạ rồi trở lại”.

Các gia đình sử dụng lao động nông thôn thường không có hợp đồng pháp lý nên “người ta thích thì làm chỗ này, không ưa thì đi chỗ khác”. Thậm chí, đang làm ở một nhà, nhưng nhà khác trả tiền cao hơn, họ sẵn sàng bỏ ngang để đi. Chủ nhà vừa đi đăng ký tạm trú được mấy hôm, người làm lại “vọt” sang khu vực khác. Bà Nguyễn Thị Tâm, tổ phó tổ 20, Khu dân cư Bắc Phan Tứ, quận Ngũ Hành Sơn, cho biết: “Chính điều này gây không ít khó khăn cho chủ nhà lẫn việc quản lý nhân khẩu trên địa bàn. Mấy năm gần đây, số nhân khẩu ở các khu dân cư luôn tăng ảo. Lợi dụng những địa bàn phức tạp như thế này, các đối tượng xấu thường trà trộn hoạt động trộm cắp và lừa đảo”.

Nhu cầu của người dân thành phố trong việc tìm kiếm lao động nông thôn đang ngày càng tăng trong khi cung không đủ cầu. Có nhà chấp nhận chọn giải pháp tạm thời sử dụng lao động ngắn ngày, đồng nghĩa với những rủi ro và phức tạp khó lường. Một số gia đình cần người đã vô tình lôi kéo, giành giật người giúp việc, làm mất đoàn kết trong khu dân cư... Những phức tạp trong sử dụng lao động nông thôn hiện nay có thể thấy trước nhưng vì cần người, các gia đình đành phải chấp nhận.
                          
Bài và ảnh: Xuân Duyên

;
.
.
.
.
.