.

Chẻ nan cho hoa Tết

.

Tết Nguyên đán vẫn còn hơn 3 tháng nữa. Vậy nhưng nhiều nơi ở nông thôn, người dân bắt đầu công việc mới sau vụ thu hoạch lúa: chẻ nan cho hoa Tết.

Nhà nhà chẻ nan

Chẻ nan, nghề mùa mưa ở nông thôn.
Tre cưa thành từng đoạn đủ kích cỡ, thả lăn trên sân. Nan tre chẻ đều, cột thành từng bó, chất trong góc hiên. Mỗi nhà đều tranh thủ chẻ nan, tạo nguồn thu nhập cho gia đình. Nan cắm quanh chậu hoa, để cây khỏi gãy cành. Tùy vào từng loại cây, loại chậu, nan có kích cỡ tương ứng. Người dân vùng trồng hoa xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang) gắn bó với nghề chẻ nan từ nhiều năm nay.
 
Ông Trần Văn Hội (thôn Dương Sơn) cho biết: Chỉ có ở đây nhận chẻ nan cho người trồng hoa dưới phố. Mình có tre, lại rảnh rỗi sau mùa gặt lúa, nhiều nhà nhận về làm. Nơi đặt nhiều nhất là khu Hòa Cường, Khuê Trung. Người trồng hoa Tết đặt chẻ nan chủ yếu vào tháng 9. Mỗi lần đặt ít nhất 2 vạn nan, có lúc trên chục vạn.
 
Một người nhận rồi chia ra cho nhiều hộ làm, xong tập trung lại một chỗ, đến ngày người mua cho xe vô chở đi. Phần đông người chẻ nan là người cao tuổi và phụ nữ. Nhiều người tranh thủ chẻ nan vào trưa, tối. Chị Nguyễn Thị Năm (thôn Giáng Đông) cho biết: “Nhà chị đông người, ban ngày đi làm hết. Tối tập trung lại, người vót ruột, người chẻ nan. Một vạn nan, cả gia đình làm trong vài ngày là đủ”.

Giải pháp kinh tế trong mùa mưa

Phơi nan.
Với nhiều người dân nơi đây, chẻ nan hoa trở thành “nghề cứu tinh” trong lúc nông nhàn. Chẻ nan hoa Tết tạo việc làm, đem lại thu nhập cho nhiều gia đình. Giá 1.000 nan 100 ngàn đồng, 1 vạn nan 1 triệu đồng. Ông Trần Công Đào (thôn Dương Sơn) cho biết, một ngày ông chẻ khoảng 1.200 nan. Để được 1 vạn nan, cần hơn 20 tre cây, giá mỗi cây 5 ngàn đồng.
 
Trừ tiền tre, ông lấy công làm lời. Cần cù, mỗi tháng chẻ nan cũng thu gần 3 triệu đồng. Năm nào ông cũng nhận làm. Theo ông, mùa mưa ở quê có việc làm, có thu nhập như vậy là quá tốt. Mỗi lần có nguồn đặt nan, bà con mình rất phấn khởi. Nhiều lúc khách hàng đặt số lượng lớn, ông không dám nhận hết, phân cho mỗi nhà vài nghìn nan cùng chẻ để kịp ngày giao hàng. Mùa mưa, nhiều người làm thợ xây, thợ phụ rảnh rỗi, họ cũng tham gia chẻ nan.

Chị Năm nói rằng: “Chị vừa chẻ nan, vừa làm việc lặt vặt trong nhà. Thu nhập theo số lượng sản phẩm làm ra, không phải lo lắng gì nhiều. Nhờ chẻ nan, gia đình chị có đồng ra đồng vào đi chợ”. Tuy nhiên, nguồn hàng đặt không thường xuyên, tre bây giờ ít hơn trước nên khó mua. Có khi chủ đặt hàng “trở trời”, không nhận nan, người làm không biết kêu đâu cho vơi khổ, vừa tốn công, tốn của. “Nghĩ cũng tội, hết người làm khó mà đi làm khó nông dân, xui xẻo vậy cũng chịu chứ biết răng”, ông Hội thở dài. Mùa chẻ nan diễn ra chưa đầy 3 tháng… 
  
HỒNG PHƯỚC

;
.
.
.
.
.