(ĐNĐT) - Thống Hay (1850-1887) là tên gọi mà nhân dân vùng tây bắc huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng dành cho chiến tướng kiệt xuất trong phong trào Cần vương Quảng Nam tên là Hồ Học.
Cho đến nay, ngoài mẩu chuyện có tính hư cấu trong tác phẩm Hương Máu của nhà văn Nguyễn Văn Xuân (xuất bản năm 1969 tại Sài Gòn) chưa thấy một tài liệu nào ghi lại hành trang oai hùng của Lãnh binh Hồ Học - cánh tay đắc lực của Nguyễn Duy Hiệu. Trong lần đi điền dã mới đây tại làng Vân Dương thuộc xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, tôi đã thu thập được hàng loạt sử liệu quan trọng về nhân vật lịch sử này.
Ngay sau khi vua Hàm Nghi cùng Tôn Thất Thuyết hạ chiếu Cần Vương thì phong trào Nghĩa hội Quảng Nam lập tức nổ ra mạnh mẽ,. Hồ Học được chủ tướng Nguyễn Duy Hiệu cắt cử thống lãnh ba quân tại vùng tây bắc Hòa Vang. Một điều lý thú là: Hồ Học được đích thân vua Hàm Nghi ban sắc phong cho chức Lãnh binh cùng với lời huấn thị: “Tả hữu bình Tây, tiền trảm hậu tấu”. Rất tiếc, đến năm 1942, con trai ông là Hồ Cuốc do lo sợ bị Pháp bức hại nên đã đem đốt sạch các giấy tờ liên quan đến ông (có lẽ vì thế mà người đời sau mãi mãi không biết được gì nhiều về Hồ Học). Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Hoạt (84 tuổi) ở làng Hưởng Phước cạnh làng Vân Dương: “Năm 1946, khi tôi đến nhà ông Cuốc, vẫn thấy trên bàn thờ ông Học còn bộ tứ linh và chiếc khiên bện bằng mây của ông sử dụng lúc sinh thời”.
Hồ Học là chiến tướng vô cùng mưu trí và dũng cảm. Ông đã nhiều lần làm thực dân Pháp thất điên bát đảo. Ông Hồ Như Kỹ (74 tuổi), chắt nội của Hồ Học, kể: “Dân các làng Vân Dương, Hưởng Phước thường kể rằng: Để gây thanh thế, ông Học cho lính chặt dứa dại phơi khô, xẻ ruột đổ dầu mù u vào rồi đốt, mỗi người cầm một đuốc, vai thì gánh hai thân cây dứa đang cháy đi trong đêm, nên Pháp thấy quân Nghĩa hội nhiều vô kể. Tại bãi cát Thanh Vinh, ông Học cho quân đào một hầm dài 1km, cao 1,5m, dưới cắm nhiều chông, trên lấy cót tre đậy lại, rồi phủ cát và cỏ lên để ngụy trang. Quân Pháp từ Đà Nẵng kéo lên, quân ông Học lao vào đánh giáp lá cà rồi giả vờ bỏ chạy. Địch đuổi theo, liền bị rơi xuống hố”.
Chính quân của Hồ Học đã tấn công tiêu diệt tên đại úy Besson và nhóm lính do hắn cầm đầu tại trạm Nam Chơn, dưới chân đèo Hải Vân vào ngày 1-3-1886.
Thế rồi, thực dân Pháp mua chuộc được người hầu thân cận của Hồ Học và phục rượu cho ông say để bắt. Đêm đó, Hồ Học say như chết, thanh gươm thì người vợ đem cất, chỉ còn lại chiếc khiên bên cạnh. Khi tên phản bội dẫn Pháp đến, Hồ Học trở tay không kịp nên bị bắt khiêng về Ty Niết ở Hội An. Nghe tin bắt được ông, một tên quan ba Pháp từ Hà Nội lập tức vào Hội An để đích thân tra khảo. Khi hắn gọi ông là “đồ giặc rừng”, liền bị Hồ Học vớ chiếc ghế đang ngồi ném mạnh vào mặt. Ông liền bị 2 tên cận vệ đứng gần đó bắn chết ngay tại chỗ. Bọn Pháp đem cắt đầu ông bỏ vào cái giỏ bằng tre để “bêu đầu thị chúng” tại làng Lai Nghi (gần Hội An).
Mười ngày sau, người chị dâu con chú bác với ông là bà Lê Thị Tân (người làng Thanh Quýt) lén lấy được đem về Vân Dương. Theo tục an táng dành cho người chết chém ngày xưa, bà Tân lấy thân cây dâu làm xương, lấy đất sét nắn thành hình người, rồi gắn cái đầu ông Học vào đem chôn.
Theo ông Hồ Sơn (66 tuổi), hiện ở tại ngôi nhà mà xưa kia Hồ Học bị bắt: “Sau khi cố nội tôi chết, ông tôi bèn đắp 3 ngôi mộ để đánh lạc hướng mật thám Pháp và phong kiến Nam triều. Một ở Cấm Hồ, một ở Hố Chiêu và một ở nổng cát Vân Dương là mộ thật!”.
Tôi được ông Sơn đưa đi thăm ngôi mộ của Hồ Học. Thật bất ngờ, đó là ngôi mộ thương tâm nhất trong số các ngôi mộ của những sĩ phu tham gia Nghĩa hội Quảng Nam mà tôi đã gặp như mộ của cụ Huỳnh Bá Chánh ở Hòa Hải, mộ cụ Quản Diêu ở Hòa Quý... Một tấm bia tạm bợ được đặt trên một nấm cát trắng nông chèn, đó là những gì còn lại hiện nay của chiến tướng Hồ Học. (Biết làm sao được khi con cháu ông Học hiện nay rất nghèo!) Đã thế, hiện ngôi mộ đang nằm trong vùng qui hoạch Khu công nghiệp Vân Dương, việc di dời nó là điều không tránh khỏi.
Tôi tự biết rằng, sự khẳng khái, cương cường của Hồ Học không thể gói gọn trong một bài viết nhỏ này, song qua đây, xin được nói rằng: chúng ta không được lãng quên hơn nữa người anh hùng Nghĩa hội Quảng Nam - “chiến tướng Hồ Học” thuở nào.
Lưu Anh Rô
.
.
Chiến tướng Hồ Học
Thứ Hai, 17/11/2008, 14:17 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.