.

Chợ cóc... nhảy cóc

.

Mấy rổ cá, ít mẹt cam cũng đủ lập thành chợ cóc. Chợ cóc nhảy lề, chạy vô hẻm, chạy lòng vòng... Các địa phương không biết giải quyết sao cho hợp tình, thuận lý.

Nhảy cóc

Hiện các địa phương nội thành khó tìm ra quỹ đất để lập chợ, do đó chợ cóc vẫn tồn tại. TRONG ẢNH: Chợ cóc trước chợ Cây Me, đường Trần Bình Trọng.

Vừa đứng trong tư thế sẵn sàng... chạy khi nhác thấy bóng cán bộ phường, một người bán bún trên đường Tản Đà (phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) vừa nói: “Không cho bán ngoài đường, tui chạy vô hẻm”. Giải pháp “chạy vô hẻm” của khoảng 30 hộ hàng rong tại khu này đã biến con hẻm tổ 25 thành một chợ cóc mới, sau khi chợ cóc cũ ở đầu đường bị dẹp, lấy chỗ cho một dự án lớn.

Hầu như ở chợ cóc nào, bà con đều áp dụng kiểu chạy ngược chạy xuôi để đối phó với lực lượng chức năng. Như bác Nguyễn Thị Tha, ngồi ở lề đường Trần Bình Trọng, trước chợ Cây Me (phường Phước Ninh, quận Hải Châu) gần 10 năm nay phân bua: “Cán bộ tới thì tui lên lề. Ngồi trên lề là hết phạm luật rồi”.

Chợ cóc trên đường Nguyễn Tất Thành chỉ im ắng được một thời gian, nay bà con không tập trung lại như trước, mà ngồi rải rác chỗ này chỗ kia. Tình trạng trên cũng diễn ra tương tự ở trước chợ Nam Ô (Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu), chợ trên đường Tiểu La (gần Khu tập thể Hòa Cường, quận Hải Châu)...

“Không nhảy cóc, lấy gì nuôi con”

Bám trụ ở chợ cóc cũ hơn chục năm trời, nhiều hộ trong số này vẫn không thể chen được một suất vào chợ Tân Lập mới xây (phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê). Cực chẳng đã, không biết xoay xở thế nào, họ đành quay lại buôn bán gần vùng hồ Thạc Gián. Một số hộ vào chợ Tân Lập ít lâu, nhưng lạ người lạ chỗ, bán buôn ế ẩm, liền đóng xe đẩy chạy ngược về đây. Anh Nguyễn Thanh Hùng, tổ 25 phường Thạc Gián, bán đậu khuôn cho biết:

“Chúng tôi chỉ mong có cái chợ nào đó đàng hoàng ở địa phương, chợ nhỏ cũng được, để mọi người tập trung buôn bán, chứ đâu ai muốn chạy vòng vòng kiểu ni”. Bác Nguyễn Thị Tha cười buồn: “Nghèo như tụi tui làm răng vô được trong chợ. Mà muốn vô cũng không còn chỗ”. Ngặt nỗi, nghề buôn vốn vậy, nếu đã buôn ở đâu là phải bám trụ nơi đó, nên việc chạy đi chợ khác, đăng ký lấy một lô trống là chuyện không thể.

Ông Đàm Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cũng công nhận: “Hầu hết những người bán ở chợ cóc đều nghèo, bán vậy để kiếm được đồng nào hay đồng nấy”. Cán bộ Tổ kiểm tra quy tắc đô thị phường Thạc Gián – ông Nguyễn Văn Anh tỏ ra thông cảm: “Chúng tôi phải dẹp, cấm họ buôn bán. Nhưng nhiều khi không nỡ, vì biết họ cũng chỉ vì miếng cơm manh áo thôi”.

Không có quỹ đất dựng chợ

Chợ cóc lấn chiếm lòng đường, tạo nên cảnh tượng người qua kẻ lại lộn xộn, xe cộ lui tới khó khăn, bát nháo, dễ gây tai nạn giao thông, gây ô nhiễm môi trường là điều ai cũng biết. Và địa phương nào có chợ cóc “đóng đô” đều vã mồ hôi dẹp, đẩy, đuổi. Cán bộ vừa quay lưng, chợ lại tiếp tục sôi động. Do đó, muốn giải quyết cho tận cùng vấn đề này, theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND phường Phước Ninh (quận Hải Châu):
 
“Nhất thiết phải di dời chợ, sắp xếp các hộ vào trật tự”. Ông Tuấn cho biết, quận đã có kế hoạch dời chợ vào năm 2010, song “Quyết tâm cỡ nào mà không có quỹ đất cũng đành chịu. Phải dựng chợ ở nơi gần chỗ cũ, bà con mới tiếp tục buôn bán được. Nhưng giờ nội thành tấc đất tấc vàng, may ra ngoại thành mới có đất dựng chợ”. Cũng cùng ý kiến như trên, ông Nguyễn Văn Anh (Tổ kiểm tra quy tắc đô thị phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) lắc đầu: “Thật tình mà nói, quanh đây cũng không còn đất trống để làm chợ, dù UBND phường rất muốn giải quyết cho dân ổn định cuộc sống”.

Nằm ở vùng ven thành phố, quận Liên Chiểu cũng hy vọng sẽ giải quyết được chợ cóc Nam Ô bằng việc lập một chợ mới sắp đưa vào sử dụng. Mà theo ông Đàm Quang Hưng, khi có chợ mới, sẽ “làm quyết liệt để bảo đảm không còn hộ hàng rong buôn bán nhếch nhác bên ngoài nữa”.

Bài và ảnh: HẰNG VANG

;
.
.
.
.
.