.

“Chuẩn” mới cho người nghèo

.

Khi nhân viên điều tra hỏi để điền thông tin vô phần chi tiêu gia đình, chị chỉ ghi vô được phần 1 là chi tiêu cho ăn uống. Gạo, củi, mắm muối, rau cà... hết 20 nghìn mỗi ngày. Còn lại tằn tiện cho mấy đứa nhỏ sắm thêm áo quần, sách vở... Sạch trơn! Chị nghe hỏi khoản chi vô cho văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao... mà buồn rượi: Bao giờ biết đến thứ đó mô?.

Thân cò trên phố

Cán bộ XĐGN Phường Tam Thuận tiếp cận căn hộ nghèo.

Một ngày của chị Võ Thị Kim Thanh ở tổ 6, phường Tam Thuận, quận Thanh Khê thường bắt đầu vào lúc 4 giờ rưỡi. Hôm nào trái gió trở trời thì muộn một chút, nhưng không quá 5-10 phút. Dường như số phận đã “lập trình” sẵn cho người phụ nữ vừa bước qua khỏi cái tuổi 40 này như thế, không xê dịch từ gần 10 năm nay. Mở mắt, quýnh quáng dọn sơ qua nhà cửa rồi “làm vệ sinh cho người mẹ chồng đã mù lòa lại phải nằm liệt giường, mùa đông lạnh nữa, chớ không thì tội cho bà lắm”.

Chị Thanh nói vậy. Lui cui một lúc, lại gọi hai đứa nhỏ dậy - cả hai đều bước vào năm cuối cấp tiểu học và THCS. Chuẩn bị quần áo, đồ ăn sáng để tụi nhỏ đến trường. Trường vô lớp không lệch giờ được. Ngơi tay, chị mới lo đến phần mình; rồi sắp xếp lại nhà cửa; chuẩn bị đi chợ mua đồ nấu ăn cho cả nhà. Nghỉ trưa một chút là với tay sắp sửa lại cái xe đẩy bán đồ chơi cho trẻ em, chuẩn bị cuộc hành trình trên phố...

“Khi chồng tui chưa mang bệnh mất thì cũng không đến nỗi lụi hụi như ri! Có ảnh đỡ đần, mọi chuyện cũng vơi vơi một chút. Nhưng khi ảnh nằm xuống một chỗ, là tui lận đận hết chỗ nói!” - Chị quệt nhanh bàn tay qua trán như che nỗi tủi cực đang chợt thoáng qua. Nhà có 3 người lớn, thì hai người nằm, một người vừa lo vừa làm. Thứ gì có giá trị trong nhà cũng đội nón ra đi, cả chiếc xe máy mua từ vốn vay xóa đói giảm nghèo (XĐGN) cho anh chạy loăng quăng kiếm tiền cũng bán. Nhưng rồi của cũng chẳng cứu được người. Anh ra đi vào một ngày cuối thu; tính đến nay đã hơn 14 tháng. Lúc đó, gia đình anh chị chưa kịp hết cái mừng vì mới thoát cái “chuẩn” nghèo thành thị!

Nợ đè lên đôi chân ngày ngày rong ruổi cùng chiếc xe bán đồ chơi trẻ em, lang thang trên phố. Một vai tảo tần, chị phải tìm cách “vắt” cho ra mỗi ngày 30 nghìn đồng. Có ngày phải ăn thâm vô chút vốn còm cõi vắt trên mấy cái khung xe mỏng manh, hiu hắt. “Lộ trình” lập sẵn của chị là từ nhà, xuống chợ Hàn dọc theo đường Lê Duẩn. Dạo đến 10 giờ đêm, chị côi cút đạp xe về. Giở túi đếm từng đồng bạc lẻ.

Tụi nhỏ nhà chị biết cực, nên chẳng đòi hỏi gì. Ăn gì cũng được, miễn ấm bụng. Đứa lớn, mười lăm tuổi đầu, cứ như là làm gương cho thằng nhỏ, không đòi đi chơi bời gì hết. “Có lúc Tết nhất, thấy tội, tui chỉ xe đồ chơi:

Tụi con cầm lấy thứ chi chơi cho đỡ buồn; tụi hắn nói, thôi để mẹ đi bán!” - Đôi mắt người mẹ ưng ửng đỏ, nhưng đã thấp thoáng niềm vui khi nói về mấy đứa con. Có lẽ, chính cái điểm tựa đó đã cho chị một nghị lực để ròng rã, không kể mưa gió, đi theo một lối đã “lập trình”. Tết, từ mồng Một đến mồng Ba, sắp xếp vài mâm cúng đơn sơ cho trọn lễ, là chị lên đường. Bởi theo chị, mấy ngày người ta đi chơi bời, lễ hội... là lúc chị bán chạy nhất. Ngày nào cũng được khoảng 50 nghìn. Chị không giấu được rằng, có lúc cũng muốn đưa con đi chơi Tết, nhưng cái khổ nó hiển hiện lên rõ quá, rồi thôi!

Hôm trước, mấy anh trong tổ dân phố nói bữa mô nghỉ ở nhà, có người đến điều tra thu nhập hộ nghèo. Chị hẹn đến buổi trưa cho dễ gặp. Khấp khởi mừng vì không biết mình có được “nghèo” lại không; nhưng cùng lúc cuốn theo nỗi buồn khi nhân viên điều tra hỏi để điền thông tin vô phần chi tiêu gia đình. Chị chỉ ghi vô được phần 1 là chi tiêu cho ăn uống. Gạo, củi, mắm muối, rau cà... hết 20 nghìn mỗi ngày. Còn lại tằn tiện cho mấy đứa nhỏ sắm thêm áo quần, sách vở... Sạch trơn! Chị nghe họ nói khoản chi vô cho văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao... mà buồn rượi: Bao giờ biết đến thứ đó mô?.

“Chuẩn” mới cho người nghèo

Chị Võ Thị Kiêm Thanh đang chuẩn bị kế hoạch rong ruổi.
Chị Nguyễn Thị Minh Hải, cán bộ chuyên trách công tác XĐGN của phường Tam Thuận, quận Thanh Khê nói: Cách đây một năm, đời sống của những gia đình như chị Kim Thanh cũng không đến nỗi nào; nhưng từ khi giá cả tăng lên mà chưa chịu xuống, nhiều người lâm vào cảnh chật vật, chạy vạy lắm cũng chỉ đủ ăn qua ngày. Thế nên, một “chuẩn” mới cho người nghèo lúc này thật là cần thiết, để có những chính sách cụ thể kèm theo đó, vực nhiều hộ gia đình dậy trong lúc khó khăn này.

Chị dẫn chứng, bắt đầu năm 2005, thực hiện theo chuẩn nghèo mới của thành phố, cả phường Tam Thuận có đến 607 hộ nghèo. Xác định được đối tượng, với sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành, phường đã dốc sức vào thực hiện các chính sách đồng bộ như: hỗ trợ vay vốn XĐGN, bảo hiểm y tế, hỗ trợ sửa chữa nhà cửa, trợ cấp thường xuyên...

Để từ đó, đến nay cả phường chỉ còn 28 hộ thuộc diện nghèo theo chuẩn “300 nghìn” nhưng cũng sẽ được “xóa” hết vào cuối năm này. “Nhưng không xóa hết thì trên thực tế, với mức chi tiêu như hiện nay, không thể có hộ gia đình nào thu nhập khoảng 300 nghìn đồng mỗi tháng mà trụ được. Vì thế, xây dựng một chuẩn mới cho người nghèo là hợp lý!” - Chị Minh Hải nhìn nhận như vậy.

“Nhưng không phải chỉ vì lạm phát, giá cả tăng nhanh chóng thời gian qua mà thành phố phải xây dựng lại chuẩn nghèo mới!” - Bà Trần Thị Hồng Vân, Trưởng phòng XĐGN, Sở LĐ-TB-XH thành phố khẳng định. Căn cứ vào kết quả của công tác XĐGN thành phố giai đoạn 2005-2010, thì đến nay, cả Đà Nẵng đã hoàn thành chỉ tiêu trước thời hạn một năm rưỡi. Theo đó, tổng số hộ nghèo toàn thành phố theo chuẩn “300 nghìn” đã giảm từ hơn 23 nghìn hộ vào năm 2005 xuống còn 4.444 hộ vào tháng 6-2008. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo thành phố chỉ còn ở con số 1,77%; trong khi mức phấn đấu cho cả năm 2008 là 1,96%!

Trong bối cảnh đó, nhằm xây dựng một chuẩn nghèo mới phù hợp với điều kiện thành phố và chiến lược tổng thể về XĐGN giai đoạn 2009-2015, một cuộc tổng điều tra hộ có thu nhập từ 800 nghìn đồng/người/tháng đã được triển khai trên toàn thành phố trong gần 2 tháng qua. Cái mức “800 nghìn” được bà Nguyễn Thị Thanh Hưng, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH thành phố giải thích, là căn cứ trên mức Viện Dinh dưỡng Việt Nam đưa ra.

Theo đó, để phát triển bình thường, mỗi người phải bảo đảm 1.200 calo mỗi ngày. Lượng calo này được chia ra thành các loại lương thực, thực phẩm tối thiểu trong “rổ” hàng hóa với thời giá hiện nay. “Với cách tính toán đó, để bảo đảm dinh dưỡng hằng ngày, với giá cả hiện nay, mỗi người phải tiêu tốn khoảng hơn 350 nghìn đồng cho lương thực, thực phẩm mỗi tháng. Ngoài ra, còn khoảng 125 nghìn là cho các khoản chi phí phi lương thực căn cứ trên mức chi tiêu của người dân thành thị” - Bà Thanh Hưng giải thích.

Theo cách tính toán đó, bà Trần Thị Hồng Vân cho biết, không chỉ có các điểm mới trong công tác điều tra là phân chia giới tính đối với chủ hộ, phân nhóm đối tượng, phân loại nhóm mức thu nhập... thuộc dạng thu nhập từ 800 nghìn đồng trở xuống, mà một phần quan trọng trong phương pháp điều tra là cách tiếp cận chi tiêu. Trong đó, tất cả các khoản chi tiêu tối thiểu, từ vật chất đến văn hóa, tinh thần của mỗi hộ gia đình, mỗi nhân khẩu đều được ghi nhận.
 
Đây là cách tiếp cận hộ nghèo phù hợp với thông lệ quốc tế và hợp với điều kiện, nguồn lực của địa phương. Với cách tiếp cận này, theo báo cáo tổng hợp nhanh từ các địa phương, đã có trên 75 nghìn hộ dân (chiếm khoảng 50% hộ dân toàn thành phố) được điều tra; trong đó theo dự tính, có khoảng 37 nghìn hộ với khoảng 167 nghìn nhân khẩu thuộc diện có thu nhập bình quân đầu người mỗi tháng từ 500 nghìn đồng trở xuống, chiếm khoảng 21% số hộ dân! Từ tính toán đó, tổng hợp các nguồn lực đầu tư trực tiếp và gián tiếp cho XĐGN giai đoạn 2009-2015 vào khoảng 500 tỷ đồng; trong đó giai đoạn 2009-2010 sẽ tập trung vào nhóm dễ thoát nghèo, từ đó xây dựng các kế hoạch cụ thể cho xóa nghèo bền vững đô thị.

Ngày ngày, chị Kim Thanh vẫn miệt mài dậy từ 4 giờ rưỡi sáng. Trong lúc chị rong ruổi cùng chiếc xe hàng rong đồ chơi trẻ em, một “chuẩn” mới của người nghèo Đà Nẵng đang được đặt lên bàn nghị sự...

Chị nghĩ đến ngày mai của những đứa con và chợt mỉm cười.

 
Ông Tôn Thất Cung, Phó Chủ tịch UBND phường Tam Thuận, quận Thanh Khê:

“Tôi nghĩ rằng chuẩn nghèo cho thành thị như Đà Nẵng ở mức 500 nghìn đồng/người/tháng là vừa. Như thế việc tổ chức thực hiện những chính sách đồng bộ dành cho người nghèo như vay vốn giải quyết việc làm, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cửa, vay vốn của học sinh-sinh viên, bảo hiểm y tế, trợ cấp khó khăn... sẽ hợp lý. Với mức này, dự tính toàn phường Tam Thuận sẽ có khoảng 400-500 hộ nghèo theo chuẩn mới”.

 

Phóng sự của Nguyễn Thành
;
.
.
.
.
.