.

Cử tri hỏi, cơ quan Nhà nước trả lời

Phường An Hải Tây là Đơn vị Anh hùng nhưng các hộ nông dân của phường gặp rất nhiều khó khăn (150 hộ bị giải tỏa, nông dân mất đất sản xuất). Đề nghị thành phố có chính sách hỗ trợ cho người dân.

Trả lời:

Các hộ nông dân phường An Hải Tây sau khi giải tỏa không có đất sản xuất, vấn đề này đã được giải quyết theo chế độ quy định của thành phố khi tiến hành giải tỏa đền bù. Tuy nhiên, đối với các hộ bị giải tỏa đất nông nghiệp có hoàn cảnh khó khăn, UBND thành phố đã có chủ trương giao cho Hội đồng giải phóng mặt bằng kiểm tra, đề xuất từng trường hợp cụ thể để UBND thành phố xem xét hỗ trợ.

Việc cấp đất tái định cư tại phường An Hải Bắc còn chậm. Đề nghị thành phố chỉ đạo xem xét, xử lý.

Trả lời:

Câu hỏi của cử tri không nêu rõ cụ thể tại dự án nào trên địa bàn phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà nên không trả lời cụ thể được. Năm 2008, phường An Hải Bắc chủ yếu thực hiện đền bù giải tỏa, bố trí tái định cư dự án 9ha đầu cầu Sông Hàn. Với số hộ thực hiện giải tỏa là 223 hộ. Đến nay, cơ bản các hộ đã được bố trí tái định cư ổn định, chỉ còn 17 hộ chưa thống nhất chính sách đền bù. Còn các dự án quy hoạch giải tỏa khác trên địa bàn phường cơ bản đã ổn định, nhân dân đã tái định cư.

Cử tri đề nghị việc quy hoạch chỉnh trang đô thị cần chú ý đến địa điểm để sinh hoạt cộng đồng.

Trả lời:

Về chủ trương chung, UBND thành phố đã có Công văn số 248/VP-QLĐTh ngày 21-1-2008 về việc cho phép mỗi quận, huyện được xây dựng thí điểm một nhà sinh hoạt cộng đồng liên tổ dân phố, với diện tích xây dựng khoảng 480m2 (chưa kể sân vườn) và theo mẫu thiết kế đã được phê duyệt.

Đối với địa bàn quận Sơn Trà, UBND thành phố đã chủ trương chọn địa điểm xây dựng thí điểm một nhà sinh hoạt cộng đồng liên tổ dân phố tại khu đất ao cá phường Mân Thái, quận Sơn Trà. Do vậy, việc chọn địa điểm cũng như xây dựng nhà họp cộng đồng liên tổ dân phố tại các phường trên địa bàn quận sẽ được quyết định sau khi nhà họp thí điểm của quận Sơn Trà hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Thành phố thực hiện chỉnh trang đô thị thì phải chỉnh trang hệ thống đường sá cho đồng bộ. Đường Lê Hữu Trác quá nhếch nhác, chưa được thi công khiến người dân bức xúc. Đề nghị thành phố xem xét, xử lý.

Trả lời:

Đường Lê Hữu Trác theo quy hoạch trước đây có lộ giới là 13,5m (3m + 7,5m + 3m). Năm 2004, thành phố đã có chủ trương mở rộng và nâng cấp đường Lê Hữu Trác với lộ giới như trên theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, khi tiến hành triển khai lấy ý kiến nhân dân nhiều lần, đa số nhân dân không đồng tình việc mở rộng đường theo lộ giới quy hoạch, chỉ làm theo hiện trạng mặt đường hiện có. Do đó, năm 2005, đường Lê Hữu Trác đã được đầu tư xây dựng với mặt đường 5m, vỉa hè còn lại theo hiện trạng, có đầy đủ hệ thống hạ tầng kỹ thuật bảo đảm cho việc phục vụ dân sinh.

Cử tri phản ánh đoạn đường từ bến phà Hà Thân lên Trường Lê Quý Đôn (trên đường Trần Hưng Đạo) hiện vẫn chưa làm vỉa hè, người dân đưa giá hạ ra đổ lên vỉa hè làm mất mỹ quan đô thị. Đề nghị thành phố xem xét, chỉ đạo xử lý.

Trả lời:

Ngày 3-11-2008, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 9066/QĐ-UBND phê duyệt quy mô đầu tư và báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình này. Dự kiến triển khai thi công trong tháng 12-2008 và hoàn thành trước 30-1-2009.

Ý kiến cử tri quận Hải Châu:

Công ty sản xuất nước đá Đông Phương (phường Bình Thuận) thải khí ga gây ô nhiễm môi trường, nhân dân đã phản ánh nhiều năm nay nhưng chưa được giải quyết. Đề nghị có biện pháp xử lý.

Trả lời:

Vấn đề này, UBND thành phố đã giao cho UBND quận Hải Châu kiểm tra và giải quyết, báo cáo về UBND thành phố trong tháng 11-2008.

Kiệt 1 đường Phan Châu Trinh thông qua đường Trưng Nữ Vương thay đổi quy hoạch liên tục; đường quá nhỏ, lưu lượng xe giao thông quá lớn, thường xuyên va chạm gây tai nạn. Đề nghị thành phố chỉ đạo nghiên cứu phân luồng để bảo đảm trật tự giao thông.

Trả lời:

Kiệt 1 đường Phan Châu Trinh thông qua đường Trưng Nữ Vương có điểm đầu nối với ngã ba Phan Châu Trinh-Chu Văn An, điểm cuối tại số nhà 168-170 Trưng Nữ Vương. Kiệt có bề rộng trung bình 2 - 3,5m, mặt đường bê-tông xi-măng. Đây là tuyến đường tắt từ đường Chu Văn An sang đường Trưng Nữ Vương và ngược lại nên lượng xe máy qua lại nhiều.

Hiện nay, do bề rộng kiệt nhỏ nên xe con và xe tải không lưu thông được trên tuyến đường này, do đó việc phân luồng hạn chế xe lớn lưu thông là không cần thiết.

Hồ chứa nước thải tại khu vực Hòa Cường bị ô nhiễm nặng, nhưng không được xử lý, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân. Đề nghị thành phố chỉ đạo xử lý.

Trả lời:

Tháng 5-2008, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành kiểm tra và có báo cáo đề xuất.  Trên cơ sở đó, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Giao thông-Vận tải yêu cầu Công ty Quản lý-sửa chữa công trình giao thông và thoát nước đưa các đầu đốt để đốt khí phát sinh từ hồ kỵ khí và giao UBDN quận Hải Châu, Cẩm Lệ thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình hoạt động và xử lý ô nhiễm của trạm. Đồng thời, giao Thành Đoàn Đà Nẵng khẩn trương thực hiện các thủ tục xây dựng để tiến hành xây dựng Công viên Khuê Trung tạo vành đai chung quanh trạm xử lý nhằm cải thiện môi trường tại khu vực.

Ý kiến cử tri quận Ngũ Hành Sơn:

Đề nghị thành phố xem xét việc áp giá đền bù cho hợp lý: Quyết định thu hồi đất ban hành từ năm 2003, đến năm 2008 mới thực hiện việc thu hồi nhưng lại áp dụng giá đất năm 2003, nhân dân không đồng tình.

Trả lời:

Theo chủ trương chung của UBND thành phố thì giá đất đền bù và giá đất tái định cư được áp dụng đồng bộ cùng thời điểm. Đối với các dự án dở dang đã ban hành Quyết định thu hồi đất từ năm 2003 nhưng do nhiều nguyên nhân đến năm 2008 mới thực hiện đền bù thì giá đất tái định cư vẫn tính trên cơ sở mặt bằng giá đất tái định cư năm 2003.

Riêng về đơn giá đền bù, hỗ trợ nhà và vật kiến trúc, UBND thành phố đã giải quyết hỗ trợ thêm giá trị chênh lệch đơn giá đền bù giữa 2 thời điểm năm 2003 và năm 2008 (hỗ trợ vượt giá). Về giá đất tái định cư vẫn giữ tương ứng theo quyết định giá đất đền bù. Ví dụ hộ giải tỏa đền bù theo Quyết định số 121-122/QĐ-UBND ngày 24-7-2003 của UBND thành phố thì bố trí tái định cư theo mặt bằng giá quy định tại Quyết định số 121-122/QĐ-UBND ngày 24-7-2003 của UBND thành phố.

Đường Lê Văn Hiến áp giá đền bù không thỏa đáng nên nhân dân không đồng tình, làm chậm việc thi công dự án. Đề nghị thành phố xem xét, giải quyết.

Trả lời:

Dự án đường Lê Văn Hiến là dự án dở dang thực hiện theo Quyết định số 121/2003/QĐ-UB và Quyết định số 122/2003/QĐ-UB ngày 24-7-2003 của UBND thành phố, giá đất tái định cư tính theo mặt bằng giá Quyết định số 121-122 nêu trên. Xét tình hình thực tế, UBND thành phố đã có Công văn số 6336/UBND-QLĐBGT ngày 22-10-2008 giải quyết hỗ trợ thêm 40% về đền bù nhà và vật kiến trúc (hỗ trợ trượt giá) giữa Quyết định số 121-122 với Quyết định số 70-71 đối với các hộ giải tỏa của dự án (trừ các hộ đã nhận đủ 100% tiền đền bù, hỗ trợ trước ngày 30-12-2005) để nhân dân có điều kiện xây dựng nhà ở, ổn định đời sống.

Về tiến độ thực hiện, UBND thành phố đã có nhiều văn bản (Quyết định số 5814/QĐ-UBND ngày 22-9-2003, Quyết định số 2981/QĐ-UBND ngày 10-4-2008, Thông báo số 73/TB-UBND ngày 9-10-2008 và Công văn số 6336/UBND-QLĐBGT ngày 22-10-2008 của Chủ tịch UBND thành phố) đôn đốc chỉ đạo giải quyết đẩy nhanh công tác đền bù giải tỏa và bố trí tái định cư đối với các hộ giải tỏa.

Trong những năm qua, thành phố đã quan tâm đầu tư phát triển nhiều cho quận về kinh tế, giúp quận Ngũ Hành Sơn phát triển, nhưng lại ít quan tâm đầu tư các công trình phúc lợi cho nhân dân. Đề nghị thành phố xem xét, giải quyết.

Trả lời:

- Từ năm 2005 đến năm 2008, thành phố đã quan tâm đầu tư nhiều công trình trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn nhằm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và đời sống của nhân dân, trong đó có các công trình mang tính chất phúc lợi xã hội tiêu biểu như:

* Các công trình y tế:

+ Công trình Bệnh viện Đa khoa 600 giường: Đang triển khai đầu tư từ năm 2006, dự kiến đưa vào sử dụng phục vụ trong năm 2009.
+ Công trình Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn: Cải tạo và xây dựng mới một số hạng mục công trình để bảo đảm yêu cầu phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn quận, đã khởi công trong đầu tháng 11 năm 2008, dự kiến hoàn thành trong tháng 3- 2009.

* Các công trình giáo dục:

+ Trường tiểu học Hòa Quý: Đầu tư xây dựng khối nhà học liệu và lớp học.
+ Trường THCS Hòa Quý: Đầu tư xây dựng khối nhà thư viện, thí nghiệm.
+ Trường THCS Lê Lợi: Đầu tư xây dựng khối nhà thư viện, hiệu bộ.
+ Trường THCS Huỳnh Bá Chánh: Đầu tư xây dựng khối nhà lớp học, thí nghiệm.
+ Trường mầm non Hòa Quý: Đầu tư xây dựng khối nhà lớp học.

* Công trình văn hóa:

+ Công trình Trung tâm Văn hóa-Thể thao quận Ngũ Hành Sơn với các hạng mục: Sân vận động, Nhà thi đấu đa năng... đầu tư trong các năm 2005 đến 2008, nay đã đưa vào sử dụng phục vụ phong trào văn hóa, thể thao trên địa bàn quận.

Trong năm 2009 và những năm sắp đến, UBND thành phố sẽ xem xét bố trí vốn để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng-xã hội phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, ổn định đời sống của nhân dân trên địa bàn quận.

Việc giải tỏa mở rộng sân golf nhân dân thống nhất chủ trương nhưng phàn nàn vì thực hiện đền bù, hỗ trợ không công bằng, áp giá đền bù nhiều bất hợp lý. Đề nghị thành phố xem xét, giải quyết.

Trả lời:

Dự án Sân golf Hòa Hải thực hiện theo Quyết định số 107/2006/QĐ-UBND và Quyết định số 108/2006/QĐ-UBND ngày 20-12-2006 của UBND thành phố. Đối với mộ xây dựng đã được hỗ trợ thêm 100.000 đồng/mộ. Giá đất tái định cư tính theo mặt bằng giá Quyết định số 107-108 nêu trên. Ngoài ra, riêng đơn giá đền bù, hỗ trợ nhà và vật kiến trúc, UBND thành phố đã giải quyết hỗ trợ thêm 30% (hỗ trợ  trượt giá) do ảnh hưởng tình hình trượt giá để nhân dân có điều kiện xây dựng nhà ở, ổn định đời sống.

Về quy trình thực hiện, UBND thành phố quy định các đơn vị liên quan từ UBND quận Ngũ Hành Sơn, UBND phường Hòa Hải, Ban Giải tỏa đền bù các dự án đầu tư-xây dựng Đà Nẵng phải thông báo công khai các chủ trương, chính sách liên quan của thành phố cho các hộ giải tỏa được biết.

Nhân dân tổ 18, phường Hòa Hải đã 3 năm không có nước sạch để sử dụng. Nhân dân đã phản ánh nhiều lần nhưng việc giải quyết còn quá chậm. Đề nghị thành phố xem xét, giải quyết.

Trả lời:

Hiện nay, địa bàn tổ 18, phường Hòa Hải bao gồm toàn bộ khu phố chợ Hòa Hải. Hệ thống đường ống cấp cho khu phố chợ này đã được đầu tư lắp đặt, tuy nhiên, vẫn chưa hoàn chỉnh nên chưa đấu nối được vào mạng lưới cấp nước của Công ty Cấp nước, do đó Công ty Cấp nước chưa thể tiến hành lắp đặt đồng hồ cho các hộ dân khu vực này.

;
.
.
.
.
.