.

Đãi ngộ trí thức: Trả lương theo năng lực?

.

Khi nói đến chuyện “chiêu hiền đãi sĩ” của Đà Nẵng, nhiều người vẫn chưa quên trường hợp của một thạc sĩ chuyên ngành công nghệ hóa dầu. Là con cháu của Đà Nẵng, sau khi được đào tạo ở nước ngoài, anh mong muốn về công tác tại thành phố.

Đãi ngộ hợp lý để thu hút cả trí thức trong và ngoài nước.TRONG ẢNH: Chuyên gia nước ngoài giới thiệu với lãnh đạo thành phố về dự án cấp nước.

Thế nhưng, bên cạnh việc được ưu đãi như những trường hợp khác trong chính sách thu hút nhân tài, anh yêu cầu có mức lương cao. Dĩ nhiên, sau một thời gian hội ý, các ngành liên quan như: Nội vụ, Tài chính, Khoa học-Công nghệ... cũng không tìm ra được giải pháp tối ưu, mặc dù chỉ để đáp ứng mức lương bậc 4, vì thành phố chưa có một chính sách nào khả quan và hiệu quả hơn chính sách đang thực hiện. Thế là, anh thạc sĩ khăn gói ra đi, làm chuyên gia cho một công ty nước ngoài tại Khu Kinh tế Dung Quất với mức lương không dưới 15 triệu đồng mỗi tháng cùng các chính sách ưu đãi khác.

“Nếu trường hợp này diễn ra trong giai đoạn hiện nay, chúng tôi có đủ khả năng để giữ chân một người được đào tạo bài bản như thế ở lại với thành phố, với điều kiện người đó phải thực tài” - ông Huỳnh Phước, Giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ thành phố khẳng định như vậy.

Cơ sở để ông Phước mạnh dạn tuyên bố như thế là chính từ việc ra đời một chính sách mới của thành phố trong việc khuyến khích các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về công tác tại Đà Nẵng. Đó là chính sách trả lương theo năng lực, chứ không bị ràng buộc trong khuôn khổ lương hành chính. Đi cùng với đó là các chính sách cởi mở nhằm khuyến khích và tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức được hoạt động một cách “thực tài”.

Ông Huỳnh Phước cho rằng, bước tiến mới này được khẳng định không chỉ trong các cuộc làm việc giữa lãnh đạo thành phố với các ngành liên quan, mà đã cụ thể hóa trong Chương trình hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước”.

Theo đó, trước tiên, trong quản lý và sử dụng trí thức, các cấp ủy Đảng và chính quyền nghiên cứu và thực hiện các phương thức phù hợp, không áp dụng máy móc cách quản lý hành chính để phát huy cao nhất năng lực cống hiến của trí thức.

Từ sự chuyển biến này, thành phố sẽ thực hiện các chính sách, chế độ ưu đãi đặc biệt, nhất là với các chuyên gia đầu ngành. Trước mắt, sẽ tiến hành đổi mới cơ chế quản lý của các cơ quan khoa học và công nghệ, giáo dục-đào tạo, văn hóa-văn nghệ để bảo đảm trọng dụng, đãi ngộ trí thức theo đúng đức-tài, theo cống hiến thực tế, chống bình quân; tạo điều kiện cho trí thức được lựa chọn nơi làm việc đúng với ngành nghề đào tạo; tăng cường dân chủ, có cơ chế tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích và bảo đảm quyền lợi, trách nhiệm của trí thức khi tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định các chủ trương, chính sách, các dự án phát triển kinh tế-xã hội của thành phố...

Với góc độ của một người làm công tác quản lý về khoa học-công nghệ, ông Huỳnh Phước thể hiện quan điểm đồng tình với những chủ trương đó và cho rằng, những chính sách đó đã thực sự “cởi trói” cho việc đãi ngộ, thu hút các nhà khoa học, trí thức.

Ông cũng rất tâm huyết với việc triển khai thực hiện chế độ đấu thầu các chương trình ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ cũng như quy định và áp dụng chế độ hợp đồng làm việc ở một số trung tâm chất lượng cao về giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ; trong đó các mức thù lao được quy định theo sự thỏa thuận giữa trí thức và người sử dụng trí thức, hiểu nôm na là “trả lương theo năng lực”! “Khi thực hiện các chế độ này, chúng ta sẽ không lo ngại với những trường hợp “lỡ” nhận về nhưng không tạo được điều kiện để họ làm việc, hoặc họ không có đủ thực tài như nhiều người nghĩ.
 
Đồng thời, thành phố sẽ lựa chọn được những đề tài, chương trình ứng dụng phù hợp với yêu cầu phát triển của địa phương, không sợ bị lãng phí; vì các chương trình qua đấu thầu được các cơ quan chức năng giao nhiệm vụ cụ thể cho các chủ nhiệm chương trình và đề tài cũng như tạo điều kiện cho họ hoàn thành nhiệm vụ” - ông Huỳnh Phước nhấn mạnh.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, với các nhà khoa học, trí thức có năng lực và trình độ cao, thì không chỉ là việc đãi ngộ về mặt lương bổng, mà điều quan trọng là phải tạo được một môi trường làm việc thực sự cởi mở để họ phát huy khả năng của mình, phải thấu hiểu được tâm lý, tâm trạng của một nhà khoa học chân chính... để có các chính sách thoát khỏi những ràng buộc phức tạp trong cơ chế tài chính hành chính hiện nay. Trong đó, việc trả lương theo năng lực cũng chỉ là một trong nhiều giải pháp. Thế nhưng, để tạo nên một cách làm mới như thế không phải là điều dễ dàng!

Bài và ảnh: ANH QUÂN

;
.
.
.
.
.