Theo Tiêu chuẩn TCVN-4050-1998 do Bộ Giao thông Vận tải ban hành, cây xanh trồng trên các dải phân cách (DPC) không được cao hơn 80cm. Thế nhưng trên thực tế tại Đà Nẵng, rất hiếm có DPC nào thực hiện đúng tiêu chuẩn này mà hầu hết cao trên 80cm. Cùng với việc mở-đóng các đường ngang qua DPC một cách tùy tiện, khiến cho những DPC trở thành nơi tiềm ẩn nguy cơ TNGT
Cây xanh trên dải phân cách đường 2-9 che khuất hết tầm nhìn của người đi đường. |
Không riêng gì trên đường Trường Chinh, mà gần như tất cả các con đường có DPC trên địa bàn thành phố đều “dính” lỗi kỹ thuật này. Thậm chí, những con đường to đẹp, mới được đưa vào sử dụng cũng đều vi phạm tiêu chuẩn này như đường Nguyễn Tất Thành, Phạm Văn Đồng, Điện Biên Phủ, 2-9… Tại những con đường này, DPC không đơn thuần vệt cây xanh chạy dài theo trục đường, mà đã “nâng cấp” lên thành những công viên nhỏ với nhiều cây xanh và hoa được cắt tỉa rất đẹp. Thế nhưng, do trồng nhiều loại cây xanh trên một diện tích đất có độ cao thấp khác nhau, vô hình trung tạo nên một bức tường xanh che khuất hầu hết các loại phương tiện lưu thông.
Trong lúc DPC đã biến thành “bức bình phong” che khuất tầm nhìn như vậy, việc mở-đóng-mở theo kiểu vừa làm vừa nghiên cứu đã khiến cho DPC là nơi rất dễ xảy ra TNGT. Một ví dụ là đường nối đường Huỳnh Ngọc Huệ với đường Trường Chinh, muốn đi vào đường Trường Chinh để đi về phía cầu vượt Hòa Cầm, nếu đi đúng luật thì phải chạy xuống tận ngã ba Huế rồi vòng ngược trở lại với chiều dài gần 2km.
Cây xanh trên dải phân cách đường Sơn Trà-Điện Ngọc vừa đẹp vừa bảo đảm tầm nhìn. |
Chức năng của DPC chính là điều tiết giao thông, nhằm tạo điều kiện cho người tham gia lưu thông thuận lợi nhất. Thế nhưng trên thực tế, vì nhiều lý do khác nhau, trên nhiều tuyến đường, DPC không phát huy tác dụng, trái lại là nhân tố gây nên TNGT. Vì thế, nhiều người có chung nhận xét: đẹp thì có đẹp, nhưng đầy rủi ro.
Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN