.

Dân mình còn nghèo

“Tháng cao điểm vì người nghèo” từ 17-10 đến 18-11, là dịp nhìn nhận những việc đã làm được trong chương trình xóa đói giảm nghèo (XĐGN) 15 năm qua, bắt đầu từ 1992. Nếu lấy mức nghèo đói cũ, nghĩa là thu nhập bình quân mỗi tháng 100.000 đồng/người/tháng, thì năm 1992, Việt Nam có  khoảng 60% hộ nghèo, năm 2002 giảm xuống còn 29%, năm 2004 xuống 24%. Năm 2006 là 18%..., trung bình mỗi năm có 300.000 hộ thoát nghèo.

Việt Nam coi XĐGN là một chiến lược an sinh lâu dài và đó chính là nơi minh chứng con đường phát triển theo định hướng XHCN, bởi vậy  nhiều giải pháp đã được thực thi đồng bộ, từ Trung ương  xuống tận cơ sở thôn ấp, hình thành bộ máy chỉ đạo, thực hiện chủ trương XĐGN. Hằng năm, những dự án lớn phục vụ cho XĐGN, đặc biệt ưu tiên vùng sâu vùng xa: Dự án 135 cho miền núi, dự án khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư... xây dựng trung tâm hướng nghiệp, đào tạo nghề, ưu tiên cho con em nghèo.
 
Nhiều công trình xây dựng cơ bản, chiếm tới 70% tổng đầu tư toàn xã hội, trong đó đặc biệt thực hiện các dự án trường học, nước sạch, trạm y tế, giao thông vùng sâu, vùng xa, cải thiện  đáng kể chất lượng sống cho nhân dân trong khu vực đói nghèo. Nhiều cơ sở sản xuất được xây dựng ở miền núi, đào tạo và tiếp nhận lao động trẻ các dân tộc ít người... Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, ông Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã cho biết, nông dân sẽ được miễn nhiều loại phí trong sản xuất nông nghiệp như phí thủy lợi,  phí an ninh-quốc phòng, phí phòng chống lụt bão, v.v...

Tuy nhiên, phải nhìn nhận rõ ràng rằng, Việt Nam vẫn ở trong số những nước nghèo của thế giới. Hiện có tới 30% hộ trên chuẩn nghèo (tính theo chuẩn 200.000đ/người/tháng, từ năm 2006- 2010) một chút, nhưng gặp những rủi ro như mất mùa, bão lụt, hạn hán, sụt lở, v.v... đều có nguy cơ tái nghèo. Nghĩa là cái nghèo luôn rình rập.

Vậy mà sự lãng phí thì dường như không phải vì nước ta nghèo, dân ta nghèo mà được quan tâm đúng mức. Người ta tổng kết rằng, không một dự án nào không có thất thoát. Có những dự án phục vụ cho miền núi, nhưng do không điều tra, xây dựng luận chứng nghiêm túc, nửa chừng bỏ dở. Không ít những dự án treo năm này qua năm khác mà không biết đến bao giờ mới được khởi động.

Tệ hại đến không thể tin nổi, khi những người được giao làm việc trong ban ngành XĐGN lại dùng cương vị của mình ăn chặn, bớt xén, khai khống bằng mọi thủ đoạn tinh vi, trắng trợn, liều lĩnh để bòn rút tiền. Cách đây mấy năm, tại thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên phạt Lý Thị Thu Trang, Ủy viên Ban XĐGN phường 20 năm tù về tội tham ô, chiếm dụng ngót cả tỷ đồng. Dương Thị Kim Liên 13 năm tù vì tội tham ô trên 460 triệu tiền XĐGN.
 
Có những địa phương nghèo nổi tiếng như huyện Tân Phú, nhưng các vị quan tham hoành hành không thương xót. Tiền XĐGN bị rút ruột 4,5 tỷ đồng… Nhưng rùng mình nhất có lẽ là sự xà xẻo rút ruột tiền cứu trợ nạn nhân lũ lụt mấy năm vừa qua tại Hà Tĩnh. Báo Nhân Dân đã phải thốt lên, “Những vụ tham ô, tham nhũng nhận hối lộ... của một số cá nhân và tập thể được tính bằng tiền tỷ giờ đây không phải là ít”.

Đó thực sự không còn là tham nhũng theo nghĩa thông thường, mà là những hành động vô lương tâm, phải được mạnh tay nghiêm trị. Nếu mấy vị quan tham còn chút lương tri trong người, thì xin thưa rằng: Cuộc sống dân ta còn khốn khổ lắm.

HIẾU DÂN      

;
.
.
.
.
.