.

Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng tiếp xúc cử tri

.

Sáng ngày 19-11, tại Nhà hát Trưng Vương, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố Đà Nẵng gồm các ĐB: Trung tướng Huỳnh Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch QH; Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH Đà Nẵng; Huỳnh Nghĩa, Phó Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn ĐBQH thành phố; Nguyễn Thị Kim Thúy và Nguyễn Thị Mỹ Hương đã có buổi tiếp xúc cử tri các quận Hải Châu, Thanh Khê và lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn thành phố nhằm báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 4, QH khóa XII.

Đại biểu cử tri phát biểu tại hội trường Trưng Vương. Ảnh: N.THÀNH

Tham dự buổi tiếp xúc có các đồng chí: Phan Như Lâm, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Trương Quang Nghĩa, Phó Bí thư Thành ủy; Võ Duy Khương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố cùng đại diện lãnh đạo các địa phương, đơn vị.

Theo báo cáo của Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, Kỳ họp thứ 4, QH khóa XII diễn ra từ ngày 16-10 đến ngày 15-11. QH đã tập trung hoàn thành những nội dung chủ yếu như: Xem xét các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2008; tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2008 và quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2009; phương án dự toán ngân sách Nhà nước năm 2009, phân bổ ngân sách Trung ương và bổ sung ngân sách địa phương năm 2009; các báo cáo công tác của Ủy ban Thường vụ QH, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH, của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao…; thông qua chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ QH năm 2009; xem xét, thông qua 8 dự án luật và cho ý kiến về 6 dự án luật khác.

Theo báo cáo và đánh giá, tình hình kinh tế-xã hội của đất nước đã có những chuyển biến tích cực. Việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đã đạt được những kết quả bước đầu có ý nghĩa quan trọng. Trong số 25 chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch năm 2008, đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 17 chỉ tiêu. Nền kinh tế tăng trưởng khá trong điều kiện lạm phát cao; an sinh xã hội được chú trọng tăng đầu tư và thực hiện có hiệu quả hơn.

Các lĩnh vực giáo dục-đào tạo, y tế, văn hóa- thông tin, bảo vệ môi trường được chú trọng và có bước phát triển. Cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có một số chuyển biến; hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế đạt nhiều kết quả, chính trị xã hội ổn định, quốc phòng-an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
 
Những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế trong năm 2008 tập trung nhất là lạm phát tăng cao do những tác động của sự suy giảm kinh tế thế giới, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, quản lý và điều hành nền kinh tế đã thực hiện chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa nới lỏng trong nhiều năm; chi tiêu ngân sách lãng phí, đầu tư kém hiệu quả, buông lỏng quản lý thị trường, dự báo biến động kinh tế và thị trường thế giới còn nhiều hạn chế…

QH đã thống nhất với các chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu năm 2009 như: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,5%; giá trị tăng thêm khu vực nông-lâm-ngư nghiệp là 2,8%, khu vực công nghiệp và xây dựng 7,4%, khu vực dịch vụ 7,3%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 13%; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm 39,5% GDP; chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 15%; mức giảm tỷ suất sinh là 0,2; tạo việc làm cho khoảng 1,7 triệu lao động; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 12%; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng xuống dưới 19%...

Tại kỳ họp lần này, QH đã thông qua 3 dự án luật sửa đổi gồm: Luật Giao thông đường bộ (năm 2001), Luật Quốc tịch Việt Nam (năm 1998), Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (năm 1998); thông qua 5 luật mới gồm: Luật Đa dạng sinh học, Luật Công nghệ cao, Luật Cán bộ, công chức, Luật Bảo hiểm Y tế và Luật Thi hành án dân sự.

QH cũng đã thông qua 8 nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2009; dự toán ngân sách Nhà nước năm 2009; phân bổ ngân sách Trung ương năm 2009; việc thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường; điều chỉnh nhiệm kỳ hoạt động 2004-2009 của HĐND và UBND các cấp; chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009; chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2009; chất vấn và trả lời chất vấn. Đồng thời, QH đã xem xét cho ý kiến về 6 dự án luật gồm: Luật Lý lịch tư pháp, Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài, Luật Bồi thường Nhà nước, Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Luật Quy hoạch đô thị và Luật Quản lý nợ công.

Các đại biểu cử tri phát biểu bày tỏ sự phấn khởi trước thành công của kỳ họp thứ 4 QH khóa XII; trong đó có sự đóng góp tích cực của các ĐBQH đơn vị Đà Nẵng. Tuy nhiên, các cử tri cũng cho rằng, việc chất vấn và trả lời chất vấn vẫn chưa thực sự đạt được chất lượng. Trong công tác xây dựng luật, việc bỏ án tử hình đối với một số tội danh là không cần thiết, chưa thể hiện tính nghiêm minh của thực thi pháp luật trong tình hình hiện nay; trong đó có tội danh tham nhũng.

Các ý kiến cử tri bày tỏ cần thiết phải tăng cường công tác xử lý vi phạm về vệ sinh môi trường, đề ra những giải pháp đồng bộ trong việc giảm thiểu tác hại của ô nhiễm môi trường, nhất là trong tình hình hiện nay để tạo nên sự phát triển bền vững hơn. Ngoài ra, còn có các ý kiến liên quan đến lĩnh vực giải tỏa, đền bù, tái định cư; giáo dục, y tế...

Thay mặt Đoàn ĐBQH Đà Nẵng, đồng chí Nguyễn Bá Thanh đã phát biểu tiếp thu ý kiến của cử tri; đồng thời giải thích những vấn đề liên quan đến các lĩnh vực mà cử tri quan tâm như: Chất lượng của hoạt động chất vấn, bãi bỏ án tử hình đối với một số tội danh, những thắc mắc về chính sách giải tỏa, đền bù... của thành phố...
 
(N.T)

Chiều ngày 19-11, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn và các đại biểu Nguyễn Bá Thanh, Nguyễn Thị Kim Thúy có buổi tiếp xúc với cử tri quận Cẩm Lệ.

Phát biểu tại buổi tiếp xúc, cử tri bày tỏ phấn khởi về kỳ họp thứ 4 của QH khóa XII có nhiều đổi mới trong điều hành phiên họp. Không khí chất vấn theo hướng đối thoại, tranh biện rất sôi nổi. Cử tri đồng tình với một vài Bộ trưởng dũng cảm thừa nhận khuyết điểm trong chỉ đạo điều hành, nhất là việc dự báo về nhu cầu và quyết định ngưng xuất khẩu gạo gây tổn thất cho nông dân.
 
Tuy nhiên, vẫn có Bộ trưởng vòng vo né tránh trách nhiệm, hoặc chỉ nhận một phần trách nhiệm. Đề cập đến vấn đề của thành phố, cử tri phản ánh: Hiện có một số dự án “treo” trên địa bàn quận gây khó khăn cho nhân dân trong việc xây dựng, sửa chữa nhà ở. Phường Hòa Thọ Tây đến nay chưa có trường THCS, trường mầm non và chợ.

Nhiều tuyến đường trên địa bàn quận xuống cấp, ngập nước trong mùa mưa gây khó khăn cho sinh hoạt của nhân dân. Khu phố chợ Cẩm Lệ đến nay chưa có điện chiếu sáng. Cử tri đề nghị lắp hệ thống cảnh báo tàu lửa tại những đường ngang hợp pháp qua đường sắt. Hiện nay có một số người từng là cán bộ, công nhân viên có quá trình tham gia kháng chiến, làm việc từ 15-20 năm trong cơ quan Nhà nước nghỉ mất sức khi giảm biên chế cuối thời bao cấp, nay không được hưởng chế độ gì, đời sống rất khó khăn. Đề nghị thành phố có chính sách hỗ trợ.

(S.T)

Chiều ngày 19-11, các đại biểu Quốc hội Huỳnh Nghĩa và Nguyễn Thị Mỹ Hương đã có buổi tiếp xúc với cử tri quận Sơn Trà để thông báo kết quả kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII.

Đông đảo cử tri quận Sơn Trà hoan nghênh những kết quả đạt được tại kỳ họp Quốc hội lần này và trao đổi thêm những vấn đề mà cử tri quan tâm. Theo đó, cử tri Trần Xuân Mỹ, phường An Hải Bắc đề cập việc củng cố lòng tin của nhân dân đối với các quyết sách của Đảng, Chính phủ, những giải pháp kiềm chế lạm phát, tăng giá trong thời gian vừa qua và việc quản lý Nhà nước đối với nạn hàng giả, hàng kém chất lượng.

Cử tri Nguyễn Thị Sang, phường An Hải Đông bày tỏ sự nhất trí với những đổi mới trong hoạt động của Chính phủ, Quốc hội tại kỳ họp lần này. Cử tri Phan Thị Tri, phường An Hải Bắc còn băn khoăn, chưa đồng tình với cách chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội và các Bộ trưởng. Một số ý kiến trao đổi của cử tri quận Sơn Trà còn tập trung vào vấn đề quản lý công trình công cộng, tình trạng cơ sở hạ tầng ở một số khu dân cư trên địa bàn quận, công tác quản lý trong lĩnh vực giáo dục, báo chí và các chính sách an sinh xã hội đối với người lớn tuổi, người có công với cách mạng…

(MỸ HẠNH)

;
.
.
.
.
.