Là đô thị loại 1, thế nhưng tình trạng nhà không số, phố không tên ở Đà Nẵng xem ra còn lùng nhùng. Rất nhiều gia đình, nhất là ở khu dân cư mới than phiền nếu có khách ở xa, thậm chí ngay tại thành phố cũng khó tìm ra địa chỉ vì nhà không số, phố không tên. Khách đang ở đâu thì đứng đó để người nhà ra đón. Đôi khi khách đón taxi tìm nhà, chủ và khách nối sóng điện thoại hướng dẫn đường đi lối lại tốn thêm bộn tiền.
Thế nên, để có địa chỉ liên lạc, người dân tự sáng tác ra địa chỉ số nhà tùy tiện, ví dụ như lấy tên thứ tự lô đất trên sơ đồ quy hoạch như lô 15+16 K1, K2 đường Ngô Quyền, lô B3-45; lấy quy cách mặt đường đặt tên như: đường 5 mét, 7,5 mét; 11,5 mét khu dân cư X-Y-Z…; lấy tên dự án đô thị như: dự án 85; dự án Bắc Phan Tứ, Nguyễn Huy Tưởng 1-2-3... Có trường hợp ghi địa chỉ dự án KDC Hòa Phát nhưng thực tế thì nhà ở tận bên phường Hòa An (quận Cẩm Lệ).
Nhiều chuyện bi hài về tên đường, số nhà xảy ra. Cơn bão dữ số 6, tại phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn có trường hợp người dân bị tai nạn gọi cấp cứu 115 hoài nhưng chẳng thấy đến. Gọi Trung tâm 115, trung tâm bảo đã cử xe đi lâu rồi… Thế nhưng bão tan xe mới đến. Hóa ra tổ cấp cứu không biết đường, không am hiểu tổ dân phố và không biết số nhà nên xe cấp cứu chạy lạc. May mắn là người bị tai nạn được người dân tự sơ cấp cứu, cầm máu vết thương nên không nguy kịch đến tính mạng. Nhìn hình ảnh “tội nghiệp” của tổ công tác cấp cứu 115, người dân đã muốn… cấp cứu lại những người đi làm nhiệm vụ cấp cứu.
Hiện nay, các DN dịch vụ như bưu điện, viễn thông, ngân hàng, cấp nước, nhân viên giao dịch đều vã mồ hôi để tìm địa chỉ khách hàng và phần lớn thất vọng ra về, chuyển sang giao dịch bằng đường điện thoại. Cách giao dịch này cũng không ổn vì… phục vụ dịch vụ mà quan liêu, thiếu tôn trọng khách hàng.
Trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật thành phố ở phường Mỹ An là trường học lớn nhưng cũng khổ sở về việc làm sao giới thiệu địa chỉ của trường. Địa chỉ của trường chẳng khác gì… nhà ở của dân, nên địa chỉ cũng vẫn là tên đường quy hoạch dự án, tên khu dân cư, tổ dân phố. Để tiện giao dịch công tác, trường lập các tấm bảng chỉ đường vẽ sơ đồ, cắm tứ phía cách xa hàng km nhưng khách của trường vẫn bở hơi tai, mờ cả mắt đi tìm.
Ước tính toàn thành phố hiện có hàng chục ngàn căn nhà, cơ quan, đơn vị đều tự gọi tên phố, ghi số nhà… một cách vu vơ, “ tự xướng”. Điều này ảnh hưởng đến xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Sở Địa chính, nay là Sở Tài nguyên-Môi trường, vốn đã xây dựng đề án về quy trình đánh số nhà, được UBND thành phố ban hành Quyết định thực hiện từ lâu, vậy mà nay tắc ở khâu nào?.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng hãy bắt đầu từ những công việc phục vụ dân sinh cần kíp ở cơ sở. Nông thôn thì có làng quê, thành thị có phố. Nếu đã là phố thì phải có tên đường, số nhà để quản lý hành chính, giao tiếp của cá nhân, đơn vị thuận lợi.
NAM PHƯƠNG
.
.
Đường phố - số nhà, nói dễ làm lâu
Thứ Sáu, 07/11/2008, 10:59 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.