.

Giải quyết dứt điểm dân vạn đò ở âu thuyền Thuận Phước

.

Trong những năm qua, ở khu vực âu thuyền Thuận Phước, phường Thuận Phước (quận Hải Châu) có một số dân vạn đò của tỉnh Thừa Thiên-Huế vào làm ăn, sinh sống. Đa số dân vạn đò không có giấy tờ hoạt động đánh bắt hải sản, giấy tờ tùy thân, không khai báo tạm trú tạm vắng; neo đậu ghe thuyền ở khu vực âu thuyền làm nơi ăn ở, sinh hoạt, gây ảnh hưởng lớn đến vệ sinh môi trường, an ninh trật tự xã hội, an toàn đường thủy nội địa trên địa bàn Đà Nẵng.

15

Ghe thuyền dân vạn đò ở khu vực âu thuyền Thuận Phước.

Từ năm 2006 trở về trước, ở khu vực âu thuyền Thuận Phước có 30-35 ghe thuyền, với trên 100 nhân khẩu. UBND phường Thuận Phước đã 3 lần phối hợp với các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng đưa các đối tượng về địa phương, nhưng ngay sau đó phần lớn những người này lại tiếp tục vào và sinh sống tại đây.

Cho đến nay, ở khu vực này còn 19 ghe thuyền, với 77 nhân khẩu sinh sống, trong đó có cả những người có hộ khẩu thường trú (ở lâu trên bờ để được thường trú) và số khác có hộ khẩu KT3 (bà con trên bờ bảo lãnh), được thành phố bố trí nhà ở chung cư, cấp đất, nhưng họ đã sang nhượng, tiếp tục xuống ở ghe thuyền. Đầu năm 2008, qua thực hiện dự án đường Bạch Đằng Tây, các đơn vị thi công làm đường công vụ đã ngăn một phần âu thuyền lại; địa phương đã đưa các ghe thuyền vạn đò ra khỏi âu thuyền.
 
Nhưng rồi họ vẫn neo đậu luẩn quẩn ở khu vực này và cuối tháng 9-2008, do ảnh hưởng cơn bão số 7, Ban QLDA đường Bạch Đằng Tây lại khai thông cho ghe thuyền vào tránh bão và họ lại ra vào tại đây, hoặc ở lênh đênh dọc bờ sông Hàn, rất nguy hiểm khi mưa bão đến.

Cứ thế, nhóm cư dân vạn đò này vẫn sinh sống ở khu vực âu thuyền Thuận Phước. Trong khi đó, giải quyết tình trạng này vượt quá khả năng, thẩm quyền địa phương. Ngày 31-10-2008, UBND thành phố có cuộc họp với quận Hải Châu, các ban, ngành, lực lượng liên quan và UBND phường Thuận Phước, thống nhất xử lý triệt để vấn đề này, với sự chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ của các cấp chính quyền, các ngành chức năng từ thành phố đến quận, phường.

Sau cuộc họp này, từ ngày 6-11-2008, UBND phường Thuận Phước đã phối hợp với Đồn Biên phòng 248 mời số dân vạn đò nói trên đến trụ sở phường để tuyên tuyền, phổ biến những quy định của Luật Cư trú, hoạt động thủy nội địa, tổ chức cho họ ký cam kết với nội dung quy định cụ thể như: Đối với người có hộ khẩu thường trú tại địa phương, trong vòng 24 tháng và đối với người có hộ khẩu KT3 trong vòng 6 tháng không lên bờ sinh sống sẽ bị xóa tên hộ khẩu.
 
Đối với người không có hộ khẩu tại địa phương, trong vòng 1 tháng phải rời khỏi địa phương, về nơi đăng ký hộ khẩu sinh sống. UBND quận Hải Châu sẽ chủ động làm việc trực tiếp hoặc có văn bản gửi đến địa phương bạn nơi dân vạn đò có hộ khẩu thường trú (chủ yếu ở huyện Phú Lộc) để thông báo chủ trương của thành phố về vấn đề trên và đề nghị địa phương bạn có biện pháp tuyên truyền, hỗ trợ, giúp đỡ cho số dân này quay về. Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp cắm biển báo cấm neo đậu tàu thuyền ở khu vực âu thuyền Thuận Phước, báo cáo kết quả cho UBND thành phố trước ngày 15-12-2008.

 Mùa mưa bão đã đến, mong chính quyền và các ngành chức năng giải quyết dứt điểm tình trạng trên, nhằm thực hiện nếp sống văn hóa-văn minh, bảo đảm an ninh trật tự xã hội, an toàn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố.

Bài và ảnh: LÂM THẢO                     

;
.
.
.
.
.