.

Giới trẻ xăm mình

.

Xăm mình theo kiểu “hận đời” hay thể hiện “đẳng cấp giang hồ”, giờ đã lạc hậu và “xưa như diễm rồi”, chỉ có dân bụi đời, dân anh chị mới xăm. Một bạn trẻ cho hay: Giới tuổi teen Đà Nẵng đang có “mốt” yêu nhau xăm hình cặp đôi để thể hiện tình yêu của mình.

Tên chữ cái “lồng” vào nhau.
Q. sinh năm 1990, học năm thứ nhất Trường Đại học dân lập Duy Tân yêu H học cùng trường, kỷ niệm ngày yêu nhau, cậu tuyên bố sẽ dành cho nàng một bất ngờ. Đến ngày, Q rủ H tới nhà một người bạn và… cùng nhau xăm mình. Quá bất ngờ, nhưng vì yêu Q thật lòng nên H đã đồng ý. Cả hai đã chọn tên chữ cách điệu để xăm. Q bảo: em không chọn hình các con vật hay hình hoa văn mà chọn xăm tên của hai đứa cho “hiền”, mà mình cũng xăm “kín”, không xăm ở những chỗ nhạy cảm, để khoe như mấy đứa bạn.

Bạn bè biết được thấy hay hay, đẹp đẹp,  nên Q đã trở thành người “tư vấn xăm mình” cho các bạn. Nhưng khổ nỗi, không phải cô bạn gái nào cũng đủ dũng cảm vượt qua sự “đau đớn” để cùng xăm mình. Mặc dù đều yêu rất thật, Ngọc Anh tâm sự: Khi ở nhà, cả hai đứa đã đồng ý sẽ xăm một hình gì đó để thể hiện quyết tâm gắn bó lâu dài, nhưng khi đến nơi, người yêu em lại “nhụt chí” thay đổi. Cuối cùng chỉ có mỗi mình em xăm.

T, sinh năm 1986, mới ra trường đang làm thư ký cho giám đốc một công ty nước ngoài, nhưng lại “sở hữu” khá nhiều hình xăm. Theo lời kể của bạn bè, khi còn đi học T đã cùng người yêu xăm hình chung, nhưng ra trường chia tay, mỗi người một ngả, để quên đi mối tình thủơ nào, T đã xăm một hình khác đè lên hình xăm với người yêu cũ. Được một thời gian T có người yêu mới, cô lại rủ anh chàng nọ đi xăm hình chung.

Cũng theo Q, chỗ xăm hình cũng tùy theo yêu cầu của khách hàng, có người thích xăm “kín”, nghĩa là không muốn để người khác thấy được hình, nhưng cũng có người thích “khoe hình” nên chọn xăm ở những chỗ dễ thấy như ở bắp chân, tay, bả vai… có người còn xăm ở bụng, hay ở lưng, để khi mặc áo ngắn thì ai cũng thấy.

Q. cho biết, ở Đà Nẵng chưa có trung tâm, hay cửa hiệu nào chính thức đứng ra xăm mình mà chủ yếu chỉ là truyền miệng nhau, nhờ người có hoa tay và kinh nghiệm về xăm mình thực hiện. Vì xăm thủ công, nên giá cả cũng khá dễ chịu, có thể dao động từ 150.000 đến 500.000 đồng hay đắt hơn chút nữa, địa điểm cũng rất linh hoạt, có thể ở nhà hay ở khách sạn, chủ yếu do sự lựa chọn của khách xăm.

Tên được xăm cách điệu.

Chính vì tính “đơn giản” này mà chung quanh việc xăm mình có nhiều câu chuyện “bi-hài” như trường hợp của T.Anh, khi ba mẹ phát hiện ra hình xăm trên lưng cậu con trai, cả nhà đã “ầm ĩ” lên, kiên quyết bắt cậu quý tử phải đi tẩy hình xăm ngay lập tức nếu không thì khỏi bước chân vô nhà. Hiện giờ T.Anh đang lâm vào tình trạng hết sức “khó xử”: được lòng bố mẹ thì mất lòng người yêu.

Giới trẻ bây giờ cho rằng, xăm mình là một nghệ thuật, là cách chơi của lớp trẻ, vì vậy họ bất chấp mọi ngăn cản của bạn bè, người thân. Người viết bài này thấy rằng, dù có là một cái đẹp, có tính nghệ thuật, xăm mình cũng phải tuân theo thuần phong mỹ tục của ông cha, không nên lai căng theo lối nước ngoài, gây “sốc” cho nhiều người. Hơn nữa, do xăm mình còn thủ công, nhiều khi không bảo đảm vệ sinh nên đã có nhiều trường hợp vết xăm bị nhiễm trùng, sưng tấy, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người xăm. Vì cái đẹp, nên chăng xăm mình của lớp trẻ phải hài hòa giữa lối sống cá nhân và xã hội chung quanh.

Bài và ảnh: XUÂN HƯNG

;
.
.
.
.
.