.

Giọt nước mắt muộn màng

Khi ta trẻ, ta có quyền mắc sai lầm (?). Nhưng, có những lỗi lầm không thể xóa nhòa theo năm tháng. Một cô gái 24 tuổi có tiền án nghiện ma túy tự hỏi: liệu mình đã héo hắt đến nỗi không còn thấy hạnh phúc ở phía trước? Một sinh viên 20 tuổi vì buồn cha mẹ nên uống rượu say, lao xe máy ra đường rồi chết vì tai nạn giao thông…

Hoảng sợ khi hạnh phúc đến

Ngồi trò chuyện với tôi là một cô gái 24 tuổi có mái tóc dài, da trắng, dáng mảnh mai và vừa trở về sau 4 năm “cắm trại” (ở tù) vì tội sử dụng ma túy. Cô cho biết, mình không sống ở quận Hải Châu, nhưng đến sinh hoạt nhóm những người sau cai tại đây. “Đi xa xa để khỏi bị sự dòm ngó của mọi người gần nhà”, cô nói.

Vy (tên cô gái đã được đổi) tốt nghiệp THPT, được ba má cho vào Sài Gòn chơi mấy tháng hè. Cô kể: “Hồi ở Đà Nẵng, mình cũng ham chơi nên vào đó nhanh chóng nhập nhóm của mấy người anh em họ. Ban đầu chỉ là chơi, sau chuyển qua hít heroin. Vy bắt đầu nghiện và tự nghĩ lúc đó có thể dứt được. Chỉ cần về lại nhà là bỏ được hết mấy thứ này. Nhưng không hiểu sao lúc đó Vy không về Đà Nẵng”. Cô tiếp tục kể về cuộc đời mình bằng nét mặt rất tỉnh, không buồn cũng không cười:
 
“Vy nói dối ba má là cho ở thêm trong đó tìm việc làm. “Nhờ đó”, Vy nghiện nặng hơn. Nhớ nhất là đợt Công an thành phố Hồ Chí Minh ra tay dữ quá khiến “thị trường” thuốc bị đứng, con nghiện tràn ra đường vì đói. Những ngày đó, Vy vật vã trong phòng, đói đến mức nếu bảo chích Vy cũng chích. Nghe Vy nói vậy, mấy ông anh họ la: “Mày điên rồi hả?”.

Cuối cùng, trong một lần đứng đường, Vy bị bắt. Lúc này ba mẹ ở nhà mới biết sự thật. Vô trại, Vy khai tội danh làm gái để thời gian giam giữ ít hơn nhưng đến lúc lên cơn thì không khai gian được nữa”. Cô thay đổi nét mặt: “Bạn có tin không, 1.000 người vô đó được làm xét nghiệm HIV thì đến 999 người dính. Vậy mà kết quả của Vy lại âm tính. Sau này, má dẫn đi xét nghiệm lần nữa tại Đà Nẵng, vẫn không có gì”.

Bỗng dưng cô chuyển qua đề tài khác: “Bạn đã có nghề nghiệp ổn định, còn tôi chưa biết răng đây. Tôi muốn mở quán bán cà-phê nhưng má không cho. Bây giờ làm gì gia đình cũng không tin nữa”. Rồi Vy chợt hỏi tôi: “Bây giờ có một anh đang thích Vy.

Bạn thấy Vy có nên kể thiệt hết với ảnh không?”. Tôi lơ ngơ, trả lời theo kiểu đại khái: “Tốt nhất trong tình yêu đừng giấu giếm gì cả. Nếu Vy và anh đó quyết định tiến tới lâu dài với nhau thì nên nói thật vì nói dối hoài mệt mỏi lắm, chưa kể khả năng bị lộ”. “Nhưng khi biết sự thật rồi ai sẽ chấp nhận một đứa con gái như Vy? Họ có nghĩ mình chỉ nghiện thuốc thôi không? Hay họ nghĩ, khi đã chơi thứ đó rồi thì cái gì mình cũng trải qua hết?”, Vy hỏi.

Thiếu kiềm chế dẫn đến cái chết

Buổi tư vấn sức khỏe, tình yêu, giới tính tại Trường Cao đẳng Lương thực - Thực phẩm Đà Nẵng rộn ràng bởi những câu hỏi rất ngộ nghĩnh của sinh viên, bỗng dưng trầm lắng khi một nữ sinh kể lại câu chuyện đau lòng của bạn mình và xin lời góp ý chia sẻ. Thu và Hùng (tên nhân vật đã được đổi) yêu nhau say đắm nhưng phải tạm xa vì việc học mỗi người mỗi nơi. Thu học tại Đà Nẵng còn Hùng đậu đại học trong thành phố Hồ Chí Minh.
 
Hùng không thể chịu được nỗi nhớ người yêu nên đòi gia đình chuyển về Đà Nẵng học. Cha mẹ Hùng không đồng ý và Thu cũng nhiều lần gọi điện thoại khuyên nhủ Hùng cố gắng học thật tốt, những dịp hè, lễ, Tết lại gặp nhau. Nhưng Hùng vẫn một mực không nghe. Buồn bực, Hùng uống rượu say, phóng xe như điên ra đường và chẳng may bị tai nạn giao thông dẫn đến chết người.

Gia đình Hùng choáng váng vì mất con và chuyển qua trách Thu vì chính cô là nguyên nhân gây ra cái chết của con trai họ. Hiện tại, Thu rất đau khổ. Cô dường như không thể sống nổi vì sự dằn vặt từ chính lòng mình và từ phía người thân của Hùng. Nhiều ý kiến của sinh viên cho rằng Thu thật đáng thương và Hùng mới là người đáng trách. Dẫu vậy, có thể nào trách thêm được Hùng khi người bạn ấy đã vĩnh viễn không còn cơ hội quay về.

TOÀN VÂN

;
.
.
.
.
.