.

Hầu chuyện Chúa Tiên

Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa từ năm 1558, sau đó kiêm lãnh trấn Quảng Nam, mở đầu thời kỳ các Chúa Nguyễn cai quản xứ Đàng Trong. Nhân kỷ niệm 450 năm sự kiện này, chúng tôi xin ghi lại một cuộc hầu chuyện cùng Chúa Tiên Nguyễn Hoàng.

Người hầu chuyện (NHC): Trước tiên, xin đa tạ Ngài đã tạo điều kiện để có cuộc hầu chuyện hôm nay. Từ lâu, tên tuổi của Ngài luôn gắn với cụm từ “người đi mở cõi!…”.

Chúa Tiên (CT): Thuở ta vào trấn thủ Thuận - Quảng thì biên giới Đại Việt chỉ đến đèo Cù Mông. Năm 1611, ta cho mở đất Phú Yên. Sau đó, các hậu duệ ta lần lựợt mở Bình Thuận (1682), Biên Hòa, Gia Định (1698), vùng đất còn lại của Nam bộ (1757). Mở cõi là một quá trình dài lâu, gian khổ, luôn đòi hỏi sự khôn khéo cùng với một ý chí mạnh mẽ.

NHC: Rõ ràng nếu không có Ngài và hậu duệ thì sẽ không có vùng đất phía Nam trù phú, giàu có nhất nước; và không có dáng hình Tổ quốc chữ S đẹp mê hồn như hiện nay!

CT: (Khẽ cười)

NHC: Không chỉ xác lập chủ quyền trên đất liền mà Ngài và hậu duệ còn xác lập chủ quyền nhiều vùng biển đảo, trong đó có các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vậy động cơ nào mà Ngài và hậu duệ đã làm được những điều phi thường như vậy?

CT: Động cơ nào ư? Vì một Tổ quốc Đại Việt hùng mạnh, vì tương lai muôn đời của con cháu Lạc Hồng (ngừng giây lát). Người cầm quyền phải biết nhìn xa hàng thế kỷ chứ đừng “tư duy theo nhiệm kỳ” mà hậu thế chê trách đấy!

NHC: Vâng, xin trở lại vấn đề, có phải năm 1558 là mốc thời gian mở cõi?

CT: Chưa hẳn là như vậy. Sau khi thân phụ ta (Nguyễn Kim) qua đời thì anh rể ta là Trịnh Kiểm bộc lộ rõ ý đồ thâu tóm quyền hành, đã hãm hại anh ruột ta là Nguyễn Uông. Ta thấy tính mạng mình bị đe dọa nghiêm trọng, nên cho người đến hỏi Trạng Trình và được ngài trả lời: “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân”. Từ đó, ta đã nhờ chị Ngọc Bảo xin Trịnh Kiểm cho vào trấn thủ đất Thuận Hóa. Mục đích ban đầu của ta chỉ là tìm chốn dung thân.

NHC: Thưa Ngài, thời gian đầu ở Thuận-Quảng, Ngài làm được rất nhiều việc. Từ một vùng đất hoang sơ, sơn lam chướng khí, chẳng bao lâu đã thay đổi hẳn. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” viết: “Đoan Quận công (tức là Ngài) vũ trị vài mươi năm, chính trị khoan hòa, thường ra ân huệ, dùng pháp luật công bằng, răn giới bản bộ, cầm trấp kẻ hung dữ, dân hai trấn cảm mến ân đức, chợ không hai giá, dân không trộm cắp, cửa ngoài không phải đóng, thuyền buôn ngoại quốc đều đến buôn bán, quân lệnh nghiêm túc, mọi người đều cố gắng làm việc. Vì vậy không ai dám dòm ngó, dân trong xứ đều được an cư lạc nghiệp…”. Sách “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn cũng viết: “Đoan Quận công có uy lược, xét kỷ, nghiêm minh, không ai dám lừa dối…”. Kỳ lạ thay, những người ca ngợi công đức, tài năng của Ngài, không phải các sử quan phía Ngài mà là của phía Chúa Trịnh, tức là phía kẻ thù của Ngài!

CT: Thuở trước, các sử quan được phong chức và được giao trách nhiệm ghi chép lịch sử một cách trung thực. Họ không chịu bất cứ một áp lực nào. Họ có nghĩa vụ và có quyền chép sự thật và thể hiện chính kiến của mình.

NHC: Thưa Ngài, giả sử có trường hợp ngoại lệ, bị cấp trên gây áp lực thì các sử quan phải làm sao?

CT: Người viết sử chân chính thì khi cần có thể hy sinh để bảo vệ chân lý. Ngươi có biết chuyện ba anh em nhà viết sử trong sách “Đông Chu liệt quốc” không? Người anh dám chép việc “Thôi Trữ giết vua”, bị gian thần Thôi Trữ chém đầu. Người em thứ hai lại chép y như thế, lại bị Thôi Trữ chém đầu. Người em thứ ba cũng viết y như thế, kẻ gian thần sợ hãi không dám chém nữa!

NHC: Vâng, thật đáng khâm phục. Mong nước nhà ta có những nhà viết sử dũng cảm như vậy. Thưa Ngài, sau khi vào Nam, Ngài đã tổ chức bộ máy hành chính độc lập với Đàng Ngoài, đến nổi rất nhiều người nước ngoài đến Hội An đã gọi xứ này là “Quảng Nam quốc”. Vậy vì sao Ngài và hậu duệ không lên ngôi vua, không đặt quốc hiệu, mà chỉ ở ngôi Chúa, và phải dùng niên hiệu vua Lê?

CT: Ta nghĩ rằng Nam hay Bắc, Trong hay Ngoài cũng đều là con cháu Rồng Tiên. Vào Nam nhưng lòng ta vẫn khôn nguôi thương nhớ quê cha đất tổ.

NHC: Có lẽ thấu hiểu nỗi lòng của ngài nên giữa thế kỷ 20, thi sĩ Huỳnh Văn Nghệ ở Nam bộ đã viết bài thơ “Nhớ Bắc”, trong đó có đoạn: Ai về Bắc ta đi với/ Thăm lại giang sơn giống Lạc Hồng/ Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long/ Ai nhớ Người chăng, ơi Nguyễn Hoàng/ Mà ta con cháu mấy đời hoang/ Vẫn nghe trong máu sầu xa xứ/ Non nước Rồng Tiên nặng nhớ thương…”.

CT: (Xúc động)

NHC: Ngài được hậu thế biết đến không chỉ là một nhà chính trị sâu sắc, một nhà quân sự đầy mưu lược, một nhà ngoại giao khôn khéo mà còn là một nhà kinh tế tài ba. Ngài đã đi trước thời đại khoảng 400 năm khi chủ trương mở cửa làm ăn với nước ngoài, khi cho xây dựng Hội An thành một thương cảng sầm uất. Vậy thưa Ngài, bây giờ ta phải làm gì để đưa đất nước tiến lên?

CT: Ta sớm mở cửa giao thương với bên ngoài, nên kinh tế, văn hóa, xã hội khởi sắc hẳn lên. Tiếc rằng chủ trương này sau đó không được tiếp nối. Giờ phải nhanh chóng mở ra lại. Và phải coi trọng kinh tế biển. Đất đai thì có hạn, còn biển cả thì mênh mông. “Bố Lạc Long Quân” ngày xưa dắt 50 con xuống biển. Đấy là một thông điệp. Thế mà các ngươi lại quay lưng với biển, bỏ lỡ biết bao vận hội. Giờ phải hướng ra đấy mà tính chuyện làm ăn. Tất nhiên phải thường xuyên cảnh giác và sẵn sàng trừng trị những kẻ có bụng dạ xấu xa, như năm 1644, chắt nội ta là tướng Nguyễn Phúc Tần đã đánh tan một hạm đội Hà Lan trên Biển Đông.

NHC: Vâng, đấy là lần đầu tiên một nước châu Á đánh bại hạm đội một nước da trắng. Nó diễn ra trước khi người Nhật đánh bại hạm đội Nga hoàng (1905) ở eo biển Đối Mã đến 261 năm! Điều đó ít người biết đến. Nhân nói chuyện lịch sử, Ngài có biết vừa rồi tại Thanh Hóa - nơi phát tích dòng họ của Ngài - đã có cuộc Hội thảo “Vai trò các Chúa Nguyễn và vuơng triều nhà Nguyễn” không?

CT: (Nhìn xa xăm)

NHC: Và Ngài có biết một số địa phương, như thành phố Đà Nẵng đã khôi phục lại tên đường của Ngài và một số hậu duệ của Ngài như Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Phúc Tần, Hàm Nghi, Duy Tân?

CT: (Trầm ngâm)

(Nhận thấy Chúa Tiên đang miên man suy tư điều gì đấy nên người hầu chuyện không dám làm phiền Ngài, bèn bái tạ rồi lặng lẽ cáo lui).

HUỲNH HÙNG

;
.
.
.
.
.