.
HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN ĐBQH THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG TẠI KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHOÁ XII:

Kiến nghị không tổ chức HĐND cấp xã ở các thành phố lớn

.

(ĐNĐT) - Ngày 7-11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về Đề án thí điểm không tổ chức HĐND, quận, huyện, phường và nhân dân bầu trực tiếp Chủ tịch UBND xã.

Phát biểu thảo luận, đại biểu (ĐB) Huỳnh Nghĩa, Phó trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng, bày tỏ quan điểm cơ bản tán thành chủ trương thực hiện thí điểm mô hình không tổ chức HĐND quận, huyện, phường và nhân dân bầu trực tiếp Chủ tịch UBND xã. ĐB khẳng định đây là chủ trương lớn, hoàn toàn mới mẻ, rất hệ trọng và nhạy cảm, chưa có tiền lệ. Theo ĐB, có thể coi việc làm thí điểm này là một bước tiến mạnh mẽ, quan trọng của tiến trình cải cách hành chính, tinh giản bộ máy Nhà nước theo hướng gọn nhẹ nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả hoạt động. Việc thí điểm là cần thiết, nhưng phải quy định rõ thời gian thực hiện, có tổng kết, đánh giá tính khả thi của đề án, vai trò của cấp ủy, việc phân bổ ngân sách cho hoạt động thí điểm.

Kiến nghị không tổ chức HĐND cấp xã ở các thành phố lớn

Về phạm vi của đề án, ĐB Huỳnh Nghĩa đề nghị nên xem xét thêm phạm vi thí điểm. ĐB đặt vấn đề tại sao không thí điểm bỏ luôn HĐND thành phố, thị xã thuộc tỉnh, xem xét bỏ luôn HĐND cấp xã để có sự thống nhất về mô hình thí điểm, tập trung quyền lực về HĐND cấp tỉnh, giao thêm quyền hạn cho UBND các cấp. ĐB tin rằng nếu làm như vậy thì việc thí điểm sẽ thu được kết quả cao hơn, chúng ta sẽ có nhiều kinh nghiệm quý báu hơn khi sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thí điểm.

ĐB Huỳnh Nghĩa phát biểu thảo luận tại hội trường.


Tương tự, tại sao không xem xét, cho làm thí điểm bầu cử trực tiếp cả chức danh Chủ tịch UBND phường. Bởi, cùng một chức danh mà phường thì bổ nhiệm, xã thì bầu cử là chưa thật sự hợp lý. Nếu bổ nhiệm thì xã hay phường đều bổ nhiệm. Còn nếu bầu trực tiếp thì xã, phường đều nên bầu trực tiếp. Như vậy, mới đảm bảo tính nhất quán trong quy trình công tác cán bộ.

Về tiêu chuẩn lựa chọn người ra ứng cử chức danh Chủ tịch UBND xã, theo ĐB, đề án đưa ra tiêu chuẩn hơi thấp, chưa thật sự phù hợp với tình hình hiện nay. ĐB đề nghị phải nâng trình độ học vấn của người ứng cử chủ tịch xã là phải tốt nghiệp trung học phổ thông, nâng trình độ chuyên môn nghiệp vụ lên đại học. Chỉ có các xã ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì mới quy định học vấn tốt nghiệp trung học cơ sở, trình độ chuyên môn trung cấp trở lên.

Theo ĐB Huỳnh Nghĩa, xuất phát từ đặc trưng của việc quản lý đô thị là phải đảm bảo tính thống nhất và liên thông trên địa bàn về quy hoạch đô thị, hạ tầng cơ sở như điện, đường, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường và các vấn đề khác, ở những thành phố lớn có điều kiện về giao thông thuận lợi, điều kiện về phương tiện liên lạc viễn thông tốt, quá trình đô thị hóa nhanh nên việc chỉ đạo, điều hành từ cấp thành phố đến cấp cơ sở phường, xã cần đảm bảo tính nhanh chóng, tập trung. Do vậy, ĐB kiến nghị cho làm thí điểm theo hướng đối với những thành phố lớn thì nên bỏ cả HĐND cấp xã.

Ngoài ra, để triển khai thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và bầu trực tiếp Chủ tịch UBND xã, ĐB kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết kéo dài nhiệm kỳ HĐND các cấp đến năm 2011 vì theo Luật Tổ chức HĐND và UBND, Luật bầu cử đại biểu HĐND thì đến tháng 4-2009 sẽ kết thúc nhiệm kỳ HĐND các cấp.

Đảm bảo tính thống nhất ở các cơ quan ngoại giao ở nước ngoài

Cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa XHCN Việt nam ở nước ngoài, Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự (BLHS).

Tham gia ý kiến xây dựng Dự án Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa XHCN Việt nam ở nước ngoài, ĐB Phạm Gia Khiêm (Đà Nẵng) cho rằng, hiện nay chúng ta đã có quan hệ ngoại giao với 176 nước trên thế giới. Truyền thống ngoại giao của ta là ngoại giao chính trị. Ngày nay, chúng ta đã hội nhập với thế giới trên tất cả các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa nên chức năng, nhiệm vụ cơ quan ngoại giao là rất to lớn. Ngoại giao của chúng ta ngày nay bao gồm ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa và thêm một nhiệm vụ nữa là quản lý người Việt Nam ở nước ngoài.

Theo ĐB, đối với cơ quan ngoại giao của ta ở nước ngoài, cần đảm bảo tính thống nhất trong lãnh đạo. Đại sứ quán là đặc mệnh toàn quyền của Nhà nước Việt Nam ở nước sở tại, là “tư lệnh” cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước sở tại. Điều này thể hiện qua quyết định phân công công việc, quyết định về tài chính, lề lối làm việc, kinh phí tập trung về một đầu mối là Bộ ngoại giao, còn kinh phí đặc thù thì do các bộ khác chịu trách nhiệm, tất cả trụ sở do cơ quan ngoại giao quản lý. 

ĐB Nguyễn Bá Thanh, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng, đề nghị cần quy định cụ thể trong luật, đối với cơ quan đại diện nước Cộng hòa XHCN Việt nam ở nước ngoài, phải thống nhất một trụ sở chung, quản lý con người là quản lý chung, thực hiện chế độ một thủ trưởng, thống nhất về chính sách đối với nhân viên ngoại giao bao gồm tiền lương, sinh hoạt phí, phụ cấp, trợ cấp…sao cho phù hợp với đặc thù công tác đối ngoại và hoàn cảnh cụ thể của mỗi nước. ĐB cũng đề nghị cần phải quy hoạch cán bộ làm công tác ngoại giao, quy hoạch chức danh Đại sứ quán để có sự đào tạo, chuẩn bị kỹ về con người trước khi chính thức bổ nhiệm chức vụ Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài.

Đại biểu Huỳnh Ngọc Sơn (Đà Nẵng) đề nghị cần phải tăng nhiệm kỳ công tác đối với nhân viên ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài từ 3 năm lên 4 năm thì hợp lý hơn. Theo ĐB, thời gian 3 năm là quá ngắn, chưa tạo sự yên tâm cho nhân viên ngoại giao. Với thời gian ấy, có khi nhân viên ngoại giao chỉ mới kịp làm quen, đặt mối quan hệ, thông thạo ngôn ngữ, tập quán nước sở tại và bắt đầu phát huy tác dụng thật sự thì đã hết 3 năm và phải về nước.

Thảo luận về Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của BLHS, Các ĐN Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), Ngô Văn Minh (Quảng Nam), Lê Thị Nga (Thái Nguyên), Nguyễn Tấn Trịnh (Quảng Nam) đều đồng loạt đề nghị không thể bỏ hình phạt tử hình đối với 2 tội danh tham ô và nhận hối lộ. ĐB Ngô Văn Minh quả quyết rằng, nếu bỏ hình phạt tử hình đối với 2 tội danh này thì nhất định sẽ gây bức xúc trong nhân dân, đồng thời ĐB cũng không tán thành việc dự thảo Luật quy định nâng số tiền nhận hối lộ bị xử lý trách nhiệm hình sự từ 500.000 đồng lên 2.000.000 đồng.

HỮU HOA

;
.
.
.
.
.