.

Liên Chiểu làm gì để bảo vệ rừng thông?

.

Chính quyền các cấp và cơ quan chức năng ở quận Liên Chiểu đang triển khai các giải pháp bảo vệ rừng thông tại Rừng đặc dụng Nam Hải Vân  với quyết tâm rất cao. 5 tổ công tác liên ngành bao gồm Kiểm lâm, Bộ đội Biên phòng, Công an,  dân quân đã được thành lập, thường xuyên tuần tra chốt chặn tại các vị trí xung yếu.
 

Tuần tra ban đêm bảo vệ rừng.
Cụ thể, một tổ canh giữ tại điểm nóng lâm tặc thường vận chuyển gỗ lên tàu ở ga đường sắt Hải Vân Nam, một tổ chốt tại khu vực Hố Trường, Hố Sâu, tổ tuần tra dọc tuyến đường dây 500 kV, một tổ  ở hạ lưu sông Cu Đê và kiểm soát tình trạng cất giấu tàng trữ gỗ lậu trong các khu dân cư. Hai tuần đầu tháng 11, lực lượng này đã tịch thu 6,57 m3 gỗ thông cất giấu tại các hộ dân ở khu vực Kim Liên và dọc đường sắt Bắc Nam.

Song song với việc tuần tra chốt chặn, chính quyền các cấp ở Liên Chiểu và Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Hải Vân đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền giáo dục nhân dân ý thức trách nhiệm bảo vệ rừng, quản lý chặt các đối tượng đã từng phá rừng thông. Đến nay, 15 đối tượng cộm cán nhất đã đưa vào diện theo dõi quản lý, giáo dục. Ngày 10-11, các ông Trương Nô, Nguyễn Văn Cảnh, Phan Lành, Phan Đạt ở tổ 5; Lệ Tỵ tổ 6; Trần Dũng ở tổ 13; Trương Hùng ở tổ 7 đều thuộc khu vực Kim Liên phường Hòa Hiệp Bắc (Liên Chiểu) đã được Công an phường Hòa Hiệp Bắc gọi lên giáo dục, bắt buộc viết cam kết không chặt thông lấy gỗ.

8 đối tượng còn lại sẽ tiếp tục được giáo dục, ký cam kết trong tháng 11 này. Cùng  theo đó, 237 người ở 13 tổ dân phố thuộc phường Hòa Hiệp Bắc thường xuyên lấy rừng làm kế mưu sinh như đốt than, chặt củi, đốn cây, làm rẫy... cũng đã được đưa vào diện quản lý giáo dục. Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Hải Vân đã cùng UBND phường Hòa Hiệp Nam tiến hành họp với trên 200 người dân quán triệt các chỉ thị về bảo vệ rừng thông Nam Hải Vân của quận và thành phố, ký cam kết không xâm hại vào rừng.

Chúng tôi đã tìm gặp một số người từng có hành vi phá rừng do Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Hải Vân cung cấp. Họ cho rằng: do túng bấn quá nên làm liều. Vẫn biết rừng thông rất quý, phải tốn nhiều tiền của, công sức và nuôi dưỡng hàng chục năm mới có được, song do nhận thức chưa đến nơi đến chốn, tác động từ hoàn cảnh đời sống quá khó khăn nên đã chặt phá thông bán.

Nay được chính quyền, công an phân tích làm rõ, thấy rằng việc làm của mình là sai trái, vi phạm pháp luật, thời gian tới không chặt phá gỗ thông nữa. Bà con ở Kim Liên chỉ mong cấp trên quan tâm giúp đỡ để có hướng phát triển kinh tế, chứ hiện tại không làm gì cho thu nhập. Nhiều năm nay, đời sống của người dân vùng này lâm vào cảnh khó khăn.

Các cơ sở cưa xẻ gỗ trên địa bàn quận Liên Chiểu đã ngừng hoạt động theo chỉ thị của Chủ tịch UBND quận. Đây là giải pháp kiên quyết triệt để nhất trong bảo vệ rừng ở Liên Chiểu. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nửa tháng qua, tình trạng xâm hại vào rừng thông đã chấm dứt. Tuy nhiên, giải pháp huy động lực lượng liên ngành chốt chặn tuần tra ở mọi ngả như hiện nay sẽ không thể kéo dài. Liệu khi lực lượng này giải tán, rừng thông ở Nam Hải Vân có bình yên?

Theo chúng tôi, Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Hải Vân cùng chính quyền các cấp ở Liên Chiểu bên cạnh việc tuyên truyền giáo dục trong nhân dân, đình chỉ hoạt động các cơ sở cưa xẻ gỗ, nên triển khai kế hoạch giao rừng thông cho nhân dân khu vực Kim Liên quản lý bảo vệ. Việc giao rừng tiến hành trên cơ sở từng nhóm hộ bảo vệ từng khu vực, có xác nhận số lượng cây thông bằng văn bản. Tổ nhóm để thông bị phá phải chịu trách nhiệm trước chính quyền địa phương.

Cơ quan kiểm lâm thường xuyên kiểm tra việc bảo vệ này. Việc bảo vệ  rừng thông cần gắn trách nhiệm với quyền lợi. Những nhóm hộ nhận khoán phải hưởng kinh phí tương xứng với công sức họ bỏ ra. Không thể áp dụng định mức 100 nghìn đồng/ha/năm như Dự án 661 mà phải có mức khoán cao hơn. Kèm theo đó, cần giao quyền khai thác tiềm năng đất lâm nghiệp tại khu vực rừng thông người dân bảo vệ để họ quản lý, phát triển kinh tế rừng. 
        
Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU 

;
.
.
.
.
.