.

Lộn xộn hệ thống cây xanh ở khu dân cư

Quá trình đô thị hóa không những ảnh hưởng đến cây xanh tại các trục đường chính trong nội thành, mà ngay cả các khu dân cư, khu tái định cư, hệ thống cây xanh cũng trở nên lộn xộn, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Theo thống kê của Công ty Cây xanh Đà Nẵng, đến thời điểm này, khu vực nội thị có gần 116 nghìn cây xanh các loại, tỷ lệ bình quân đầu người là 0,69m2 cây xanh/người (trong khi đó, tại TP. Hồ Chí Minh tỷ lệ này là 1,2m2 cây xanh/người, Hà Nội 1,8m2 cây xanh/người...). Nếu xét về tỷ lệ bình quân đầu người/cây xanh ở Đà Nẵng so với các thành phố lớn trên cả nước thì người dân Đà Nẵng đang phải sống trong môi trường thiếu cây xanh trầm trọng.

Đánh giá của Công ty Cây xanh cho thấy, kể từ khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, với tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ đã làm cho lượng cây xanh trên nhiều trục đường bị hao hụt một cách đáng báo động. Ngoài ra, những tuyến đường ở các khu dân cư, hàng ngàn cây sao đen, xà cừ, bằng lăng... do Công ty Cây xanh trồng đang mọc lên tươi tốt đã bị quá trình thi công các hạng mục đào đường cống thoát nước, chôn dây cáp ngầm... xâm hại nghiêm trọng, khiến sự phát triển của cây trở nên èo uột.

Ông Đặng Đức Thứ, Phó Giám đốc Công ty Cây xanh cho biết: Là đơn vị có chức năng chính trong việc quản lý, trồng và chăm sóc cây xanh trên địa bàn thành phố, tuy nhiên trong tổng số gần 116 nghìn cây xanh của thành phố, đơn vị mới tiếp nhận quản lý, trồng và chăm sóc hơn 44 nghìn cây (trong đó cây xanh đường phố chiếm hơn 30 nghìn cây, cây xanh ở các khu dân cư, khu tái định cư khoảng 13 nghìn cây).

Đối với các dự án triển khai trồng mới cây xanh tại các khu dân cư, khu tái định cư… thường diễn ra rất chậm và thiếu tính đồng bộ, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển hệ thống cây xanh đô thị. Đơn cử, nhiều khu dân cư đã được đầu tư bài bản từ hệ thống thoát nước, điện, đường… nhưng riêng việc trồng cây xanh lại chưa được triển khai. Đã có không ít khu dân cư mới, cây xanh chủ yếu do người dân tự trồng, nhưng do kỹ thuật và chủng loại cây không đúng theo quy định của dự án đã làm ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị, thậm chí còn gây nên mối nguy hiểm rình rập.

Hiện nay, việc quy hoạch ở hầu hết các khu dân cư mới, các BQL dự án chưa quan tâm đến việc trồng cây xanh và thiếu sự phối hợp với các cơ quan liên quan để có biện pháp đẩy nhanh tốc độ trồng mới cây xanh tại các khu dân cư mới hình thành. Một số BQL dự án còn xem nhẹ kỹ thuật trồng cây xanh, coi đây là hạng mục công trình phụ, do đó nhiều khu dân cư mới, hệ thống cây xanh được bố trí không phù hợp với đất đai của từng vùng, dẫn đến nhiều cây trồng không đủ tiêu chuẩn xuất vườn, hố trồng được đào trên nền đất đá, giá hạ và thiếu chăm sóc nên cây thường bị còi cọc và chậm phát triển. Mặt khác, công tác quy hoạch, thiết kế và thi công xây dựng cơ sở hạ tầng ở các khu dân cư từ hệ thống lưới điện, cấp thoát nước, cáp quang… nhiều nơi thiếu đồng bộ, không theo quy định đã gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cây xanh.

Tuy chưa có số liệu đầy đủ về cây xanh được trồng tại tất cả các khu dân cư, khu tái định cư trên địa bàn thành phố, nhưng có tình trạng  lộn xộn về chủng loại cây ở các khu dân cư mới. Cùng một tuyến đường, có rất nhiều loại cây khác nhau, trong đó có cây tạp và một số cây không phù hợp như cây vông đồng, trứng cá, cây ăn quả, cây lâm nghiệp… Hơn nữa, việc phân công quản lý, trồng và chăm sóc cây xanh ở các khu dân cư, khu tái định cư… lại bị “xé lẻ” qua nhiều đơn vị, nên việc triển khai trồng và chăm sóc cây xanh tại các khu vực trên gặp không ít trục trặc.

Theo đề nghị từ phía Công ty Cây xanh, để hệ thống cây xanh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng phát triển một cách toàn diện, phấn đấu đạt tiêu chí bình quân từ 4-5m2 cây xanh/người vào năm 2010 theo đề án đã được UBND thành phố phê duyệt, trước mắt, các ngành chức năng cần phải xác định những vướng mắc, bất cập đang tồn tại trong việc trồng và quản lý hệ thống cây xanh, để có giải pháp khắc phục, tháo gỡ. Về lâu dài, công tác quản lý hệ thống cây xanh nên thống nhất về đầu mối, cấp thành phố, sau đó phân cấp quản lý về cây xanh một số đường phố, khu dân cư, tái định cư… cho chính quyền địa phương các cấp, đồng thời có chế tài xử phạt đối với những hành vi xâm hại cây xanh.  

PHƯƠNG ANH

;
.
.
.
.
.