1- Bài học vỡ lòng về địa lý cho biết, nước ta nằm ở vùng nhiệt đới gió mùa. Thế nhưng, trong ngàn vạn cây cỏ ấy, cây xanh cho đô thị Đà Nẵng vẫn loay hoay đi tìm cây… thích hợp. Đến nay, thành phố vẫn chưa định hình loài cây gì cho “lá phổi” thành phố.
Cây sao đen tại đường Trần Quang Diệu. |
2- Việc quản lý xây dựng, kiến trúc cảnh quan trong quá trình phát triển đô thị được ngành chức năng tăng cường và ban hành các văn bản quy định. Tuy nhiên, tình trạng phá vỡ cảnh quan kiến trúc luôn diễn ra. Việc công bố quy hoạch Công viên Bắc Tượng đài đường 2-9 làm người dân vừa khấp khởi mừng nhưng rồi cảm thấy hụt hẫng, vì nhà hàng, quán nhậu mọc lên nhiều nhưng cây xanh thì vẫn đìu hiu.
Ví dụ khác về sự cưỡng bức không gian xanh đô thị nhất là khu vực Bến xe Đà Nẵng cũ. Khu đất góc đường Lê Độ - Nguyễn Tri Phương trước khi đưa ra sàn đấu giá sử dụng đất đã quy định chặt chẽ là mật độ xây dựng bắt buộc dưới 75%. Thế nhưng, giao đất xong, chủ sử dụng đất đã phân lô xây dựng đạt 100% diện tích, tứ bề là bê-tông, cốt thép…
Vừa qua, thành phố có một suất đào tạo về Quản lý công viên do nước ngoài đài thọ nhưng tiếc thay, không ai đủ điều kiện đi học khóa học này vì người được cử đi học phải thông thạo tiếng Anh để tiếp thu bài giảng, thế nhưng lại tìm không ra người!?. Ở trong nước, trong hơn 300 mã ngành đào tạo thì ngành quản lý cây xanh đô thị lại chưa hề có tên.
Tóm lại, hiện thành phố chưa xác định cây trồng chủ lực, thiếu các biện pháp hữu hiệu về quản lý kiến trúc cảnh quan, thái độ hợp tác của cộng đồng dân cư về phát triển cây xanh còn thấp, thiếu nguồn nhân lực có trình độ quản lý chuyên ngành... Nếu không cải thiện, vấn đề cây xanh đô thị Đà Nẵng vẫn còn trong vòng luẩn quẩn...
Bài và ảnh: NAM PHƯƠNG