.
Một ngày ra chợ cùng sinh viên

Coi mặt… bán hàng

.

Nơi đâu có nhiều sinh viên trọ học, nơi đó chợ búa tấp nập hơn hẳn. Sinh viên mang lại một nguồn thu nhập không nhỏ cho các tiểu thương. Nhưng chính sinh viên cũng là đối tượng bị chèn ép nhiều nhất, đặc biệt là trong thời kỳ giá cả leo thang. Mỗi ngày, từ chợ trở về, mỗi người lại mang theo một nỗi buồn nho nhỏ…

Ra chợ là “sẩy chân”!

Với túi tiền ít ỏi, sinh viên chọn lựa rất kỹ khi mua hàng.

11 giờ trưa, trời mưa như trút. T.Hạnh, sinh viên ĐH Sư phạm Đà Nẵng tất tả rời trường, vì hôm nay đến lượt Hạnh đi chợ nấu cơm cho cả phòng. Mới vào năm nhất, lại chưa quen việc chợ búa, Hạnh phải loay hoay một lúc lâu ở chợ mới sắm xong cái thực đơn được tranh thủ ghi lúc sáng.

12 giờ trưa. Mâm cơm dọn ra đầy đủ thịt, cá. Ai cũng tấm tắc khen Hạnh đảm đang, nhưng cũng nhanh chóng nhận ra món thịt luộc có mùi “không ổn”. “Hèn chi lúc nãy nấu cơm, Hạnh tíu tít khoe cô hàng thịt ở chợ tốt bụng, nhường cho “miếng thịt ngon cô cất sẵn cho người quen mà chưa thấy đến lấy”, các bậc “đàn chị” trong phòng nháy nhau hiểu ý.

Xa nhà, hằng tháng nhận trợ cấp từ gia đình, tất bật vừa đi học vừa kiếm việc làm thêm, chi tiêu tiết kiệm, các sinh viên ngoại tỉnh đến thành phố trọ học gần như có chung một hoàn cảnh. Tại các trường ĐH, CĐ trên địa bàn thành phố như ĐH Sư phạm, ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế… ngoài số lượng lớn sinh viên “bản địa”, số còn lại chủ yếu đến từ các tỉnh của vùng bắc Trung bộ như Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh… Vì vậy, chất giọng địa phương đậm đặc, nằng nặng không giấu đi đâu được khiến họ rất dễ bị chèn ép.
 
“Tụi em mua cũng trả tiền đàng hoàng, không hiểu sao luôn gặp phải thái độ cư xử rất khó chịu. Một lần em mua bó rau 2.000 đồng, đưa cho bà bán rau đồng xu 5.000 đồng. Đợi mãi không thấy thối lại, thắc mắc thì bà quát to lên làm cả chợ ai cũng nhìn. Từ đó rút ra bài học nhớ đời: mỗi khi đưa tiền phải nói rõ với họ là tờ bao nhiêu”, N.Thu, ĐH Sư phạm Đà Nẵng nói trong ấm ức.

Khi đi chợ mua quần áo, gặp phải người bán hàng “hét” giá trên trời, sinh viên không biết đường nào mà trả. “Mua quần áo mà các cô không cho lựa - thử, bắt tụi em phải trả giá trước. Chưa biết mình mặc có đẹp, có phù hợp không thì làm sao có hứng mà trả hả chị, chẳng biết họ buôn bán kiểu gì?”, T.Hoa, ĐH Kinh tế bức xúc. Còn bạn N.Quỳnh thì có được một kinh nghiệm: “Mỗi lần đi chợ thì rủ bạn người Đà Nẵng đi theo, mua hàng sẽ đỡ bị hớ, ít bị bắt nạt hơn”.

Tình hình các sinh viên nam còn “bi đát” hơn, bởi vừa ngại đi chợ, lại ngại trả giá, nên tha hồ mua phải đồ dỏm mà giá thì vẫn cao như thường. N.Hoàng, CĐ Công nghệ kể: “Đợt mới vào học, mình toàn mua gạo, dầu, mắm muối ở quán tạp hóa đầu xóm trọ. Thấy cô bán hàng nhiệt tình, hiền lành nên cũng yên tâm. Hôm giao lưu trong xóm, hỏi ra mới biết mua cùng chỗ mà cái gì mình cũng bị mắc hơn 500 đồng đến 1.000 đồng, tiếc tiền thì ít mà buồn thì nhiều!”.

Lơ lơ là mua đồ hư

Bữa cơm sinh viên có rau, thịt kho và nước lọc thay canh là đã vô cùng tươm tất.

H.An, ĐH Bách khoa kể với giọng còn ấm ức: “Hôm trước đi chợ, thấy có hàng ghẹ tươi quá, định mua về khao cả phòng. Mới nghe mình hỏi giá, chị bán hàng đã phán một câu xanh rờn: “Ghẹ này không bán lẻ”. Nhưng ngay sau đó, chị lại đon đả mời chào một người đi chợ trông rất sang trọng. Lúc đó mình thấy buồn và tủi thân kinh khủng”. “Nhiều người họ xem mặt đặt tên lắm, mình mà lơ là là mua phải đồ hư ngay. Nhiều hôm giở ra nấu mới thấy quả cà đã thối một nửa. Lát thơm cắt ra, bỏ chỗ hư, dập chỉ còn được phần ba so với ban đầu, tức mà không làm gì được”, một sinh viên ngồi bên tiếp lời.

Phải chăng vì sinh viên nghèo quá, không đủ rộng rãi để từ chối nhận lại 500 đồng tiền thừa, vì “mua ít mà lựa cho nhiều”, lúc nào “cũng cố xin thêm trái ớt, cọng hành…” (những lời tôi nghe được khi đi chợ). Khi tôi ngỏ ý muốn chụp một bức ảnh bữa cơm của các bạn, H.An đã từ chối xuất hiện trong hình, không phải vì em xấu hổ, mà vì: “Thôi chị à, mẹ em ở nhà nhìn thấy lại buồn, em muốn tự lo cho mình!”. Và cũng từ đó, sinh viên xa nhà bỗng chốc hóa thành những “bà cô” già trước tuổi, luôn cân - đo - đong - đếm mỗi lần ra chợ, mất dần niềm tin ở những người chung quanh.

 

“Mẹo” nhỏ giúp sinh viên tránh bị ép giá hoặc mua phải đồ hỏng:

- “Mình thường xuyên tham khảo ý kiến của cô chủ nhà trọ về giá cả vì người lớn và dân địa phương sẽ rành chợ búa hơn. Hoặc xin theo cô đi chợ vài hôm, để biết cô hay mua thịt, mua rau hàng nào, cũng để người bán biết mặt mình luôn, lần sau cứ thế mà mua, khỏi sợ bị hớ” – N.Trang, ĐH Kinh tế.

- Ở chợ Cồn, chợ Hàn đều có các quầy hàng chuyên bán quần áo, giày dép với giá trung bình, ổn định, thường chỉ bớt từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng/1 sản phẩm. Những quầy hàng này thường rất đông bạn trẻ lựa đồ. Các bạn sinh viên nên tham khảo và mua ở đó sẽ đỡ bị “nói thách”, thái độ của người bán cũng rất dễ chịu.

Một số bạn sinh viên do bị “hố” nhiều lần nên nảy sinh thái độ bốp chát, một số khác thì lại quá rụt rè, biết mình bị ép mà không dám nói thẳng… Cả hai cách cư xử trên đều sẽ làm cho bạn “lỗ” thêm. Chỉ cần giữ thái độ hòa nhã, tự tin, thẳng thắn là sẽ không người bán hàng nào dám bắt nạt bạn đâu, và tốt nhất là nên rủ thêm bạn bè cùng đi chợ để có cái nhìn khách quan hơn khi chọn đồ.

 

Nguyệt Quế

;
.
.
.
.
.