Sáng nay (11-11), là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Phạm Khôi Nguyên đã nhận được 30 câu hỏi chất vấn bằng văn bản của các đại biểu Quốc hội, trong đó có tới 24 câu hỏi tập trung vào tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là công tác quản lý nhà nước khi để xảy ra tình trạng vi phạm nghiêm trọng của Công ty Vedan.
Vụ Vedan xả nước thải: "Bộ kiểm điểm, rút kinh nghiệm"
Là người đầu tiên chất vấn, đại biểu (ĐB) Danh Út ( Kiên Giang) hỏi Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên: có hay không việc đùn đẩy trách nhiệm trong việc xử lý vi phạm của Công ty Vedan giữa Bộ và tỉnh Đồng Nai?
Không trả lời trực tiếp vào câu hỏi, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên trình bày khá dài dòng về tình hình vi phạm của Công ty Vedan; nêu lý do việc hệ thống thanh tra của Bộ và tỉnh không phát hiện ra Công ty Vedan vi phạm... Về trách nhiệm của Bộ, ông Nguyên khẳng định không có chuyện đùn đẩy trách nhiệm giữa Bộ và tỉnh việc xử lý vi phạm của Công ty Vedan; Bộ và tỉnh Đồng Nai coi đây là bài học và đã tổ chức rút kinh nghiệm. Ông nói, Bộ đã “cố gắng tối đa trong theo dõi, xử lý vụ việc” nhưng do công ty có che giấu một các tinh vi với hành vi cố ý có tổ chức. Ông cũng viện dẫn điều 49 Luật Bảo vệ Môi trường chỉ quy định Bộ có trách nhiệm xử phạt hành chính và tỉnh không có quyền dừng hoạt động nhà máy.
Bộ trưởng BộTN-MT Phạm Khôi Nguyên trả lời chất vấn. Ảnh: VNN |
Không đồng tình với cách giải thích “lòng vòng” và không rõ ràng của Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, ĐB Danh Út tiếp tục “truy”: “Tại sao Vedan không bị đình chỉ hoạt động trong khi Bộ trưởng đã từng nói dứt khoát phải đình chỉ hoạt động của Vedan. Câu hỏi có ai bị xử lý chưa, Bộ trưởng cũng không trả lời?”. Ông Nguyên trả lời, “Vedan đã thực sự đóng cửa”, nhưng giải trình thêm “chức năng của Bộ là chỉ đến xử phạt hành chính thôi, không có chức năng đóng cửa...”.
"Tôi không thỏa mãn với câu trả lời văn bản của Bộ trưởng vì chưa làm rõ trách nhiệm. Cách trả lời của bộ trưởng là không có ai bị làm sao cả, vẫn bình an vô sự. Rõ ràng trong vi phạm của Vedan có trách nhiệm của ngành môi trường ở trung ương và địa phương", ĐB Nguyễn Văn Nhượng phân tích và cho rằng cách rút kinh nghiệm chung chung là chưa thỏa đáng.
Cũng không hài lòng với các trả lời của Bộ trưởng TN-MT, ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đề nghị cho biết có hay không việc đùn đẩy trách nhiệm giữa Bộ và tỉnh Đồng Nai. Đại biểu Nga bức xúc: “ Việc Bộ trưởng dẫn điều 49 Luật Bảo vệ môi trường cho rằng không có trách nhiệm thì oan cho Luật quá. Bộ trưởng cần nghiên cứu lại điều 49”. Bộ trưởng Nguyên thừa nhận trách nhiệm và giải trình rằng, “Bộ đã cố gắng hết mình nhưng đối tượng tinh vi, phải nói là cố ý làm sai”. “Bộ cũng đã kiểm điểm, rút kinh nghiệm và phối hợp với tỉnh Đồng Nai nghiêm túc kiểm điểm, để khắc phục...”.
"Bây giờ ta mới giật mình"
Trả lời câu hỏi tại sao có tới 70% khu công nghiệp và 90% doanh nghiệp không có hệ thống xử lý nước thải mà vẫn được cấp giấy phép hoạt động của ĐB Danh Út dành cho Bộ trưởng TN-MT, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc "chia sẻ": Hiện nay không có chuyện các khu công nghiệp không có xử lý chất thải vẫn được cấp phép.
“Trước đây, chúng ta không đặt vấn đề môi trường quan trọng như bây giờ - không đặt đúng tầm cỡ của môi trường trong vấn đề phát triển kinh tế xã hội. Những khu công nghiệp xây dựng từ những năm 60, 70 đều không có hệ thống xử lý nước thải và lúc đó chúng ta chỉ đặt vấn đề xử lý nước thải đối với những nhà máy thật độc hại như nhà máy Giấy Bãi Bằng. Đến bây giờ chúng ta mới giật mình báo động là phải xử lý và từ đó chúng ta mới phải xây dựng Luật Bảo vệ môi trường, cũng là muộn hơn so với các luật khác”, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nói.
Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Thị Khá về việc làm sao vừa đảm bảo môi trường, vừa giải quyết được công ăn việc làm, bảo vệ môi trường đầu tư, Bộ trưởng Nguyên cho rằng, tình trạng môi trường ô nhiễm nghiêm trọng có nguyên nhân lịch sử. Qua hơn 20 năm đổi mới, phát triển kinh tế, đến nay cả nước có khoảng 4.000 cơ sở và khoảng 1.400 làng nghề gây ô nhiễm môi trường. "Bộ đã nỗ lực rất lớn, nhưng muốn có giải pháp mạnh thì phải tính toán kỹ trên cơ sở phát triển bền vững. Chúng tôi xác định phải có lộ trình. Trước mắt, năm 2009 sẽ xử lý dứt điểm hơn 400 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng", ông nói.
Với câu hỏi khi nào dân thực sự được sống trong môi trường trong lành của ĐB Võ Văn Liêm, Bộ trưởng Nguyên giãi bày: "Ngành môi trường rất non trẻ, mới thành lập 15 năm nay, trong khi các ngành khác phải 50-60 năm. Lực lượng quản lý lại mỏng. Ở các nước trong khu vực, trung bình có 50-70 người quản lý nhà nước về môi trường trên 1 triệu dân thì ở ta hiện nay chỉ 7 người. Thanh tra môi trường của Bộ chỉ có 3-4 biên chế và 1-2 nhân viên hợp đồng".
Bộ trưởng Nguyên cho biết, với trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ trong quản lý nhà nước về môi trường, Bộ sẽ kiến nghị nâng mức xử phạt cao nhất đối với mỗi hành vi vi phạm về môi trường lên 500 triệu đồng. "Hiện mức xử phạt mỗi hành vi chỉ 70 triệu đồng, không đủ sức răn đe, không đủ tiền lấy mẫu phân tích chất thải", ông Nguyên nói và cam kết sẽ củng cố lực lượng thanh tra (lên 15-20 người), phối hợp chặt chẽ với cảnh sát môi trường.
“Dự báo sai trách nhiệm thuộc về Bộ trưởng, về cá nhân tôi”
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã thừa nhận như trên khi các ĐB chất vấn liên tục xung quanh tình hình giá lúa gạo thời gian qua gây thiệt hại cho người nông dân.
ĐB Nguyễn Hồng Diện đặt thẳng vấn đề: “Bộ trưởng đánh giá thế nào về thiệt hại của nông dân khi có quyết định ngừng xuất khẩu gạo trong thời điểm giá lúa gạo đang sốt (có lúc lên đến 6.000đ/kg), công tác dự tính, dự báo sản lượng mùa vụ đúng hay sai?”.
Bộ trưởng Cao Đức Phát không trả lời thẳng câu hỏi mà giải thích: “Vào tháng 4, giá lúa gạo tăng gấp 4 lần trung bình năm 2007 là do giá trên thị trường thế giới tăng. Trong khi VN ký hợp đồng xuất khẩu 2,4 triệu tấn thì chỉ mới giao được 800.000 tấn. Đến tháng 6, khi giá gạo thế giới xuống, Chính phủ cũng có biện pháp giữ giá cho bà con nông dân bằng cách thu mua 800.000 tấn và 300.000 tấn trong đợt này. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chỉ đạo ngân hàng cho doanh nghiệp vay để mua lúa gạo cho nông dân…Chúng tôi cũng thừa nhận công tác dự báo sản lượng vụ mùa là không chính xác…
ĐB Lê Thanh Liêm chưa thỏa mãn với trả lời của Bộ trưởng, chất vấn tiếp: “Như vậy cái gốc của vấn đề ngừng xuất khẩu gạo là dự báo sai. Ai chịu trách nhiệm về việc dự báo sai đó? Với thiệt hại cụ thể của nông dân, Bộ trưởng có đề xuất gì để bù đắp thiệt hại?”
Trước câu chất vấn cụ thể và trực tiếp này, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã thừa nhận: “ Đó là trách nhiệm thuộc về Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, về chính cá nhân tôi và tôi xin chịu mọi hình thức kỷ luật. Đối với hệ thống dự báo, chúng tôi nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm các đơn vị liên quan. Tuy nhiên, việc bù đắp thiệt hại thì xin tiếp tục… nghiên cứu”.
Tổng hợp từ TTXVN, VnExpress, NLĐO