Ngay từ đầu năm 2008, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã tham mưu cho Thành ủy ban hành Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 15-2-2008 về lãnh đạo Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp của thành phố; tổ chức hội nghị tập huấn triển khai các văn bản của Trung ương MTTQ Việt Nam, của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố hướng dẫn về việc tổ chức Đại hội cho Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận các quận, huyện và 56 phường, xã; mỗi quận, huyện chọn 1 phường, xã tổ chức Đại hội điểm. Sau khi hoàn thành Đại hội điểm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các quận, huyện đều tổ chức họp rút kinh nghiệm về công tác tổ chức Đại hội cho các phường, xã còn lại.
Đại hội MTTQ Việt Nam phường An Khê, quận Thanh Khê nhiệm kỳ 2008-2013. Ảnh: S.T |
Nhiều phường, xã đã tổ chức truyền thanh trực tiếp Đại hội, vận động nhân dân treo cờ, trang trí cổng chào các khu dân cư, treo pa-nô, áp-phích. Bên cạnh đó, Đài Phát thanh-Truyền hình Đà Nẵng, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng, Báo Đà Nẵng thường xuyên đưa tin về Đại hội và có các phóng sự, bài viết tuyên truyền cho công tác Mặt trận ở những khu dân cư xuất sắc, đã thật sự mang lại khí thế cho từng khu dân cư, nâng cao được nhận thức về vị trí vai trò công tác Mặt trận trong hệ thống chính trị.
Các báo cáo trong Đại hội các phường, xã đều căn cứ hướng dẫn đề cương báo cáo của Trung ương Mặt trận, nội dung báo cáo đều được trao đổi, thảo luận, góp ý của Ban Thường trực Mặt trận cấp trên trước khi báo cáo tại Đại hội. Mỗi phường, xã đều có từ 3 đến 4 báo cáo tham luận của khu dân cư hoặc các đoàn thể thành viên nhằm minh họa thêm kết quả của nhiệm kỳ vừa qua. Các báo cáo của Đại hội các phường, xã đều có chất lượng, phản ánh đúng tình hình thực tế của mỗi địa phương, được các đại biểu tham dự Đại hội thống nhất cao.
Về công tác nhân sự, cơ bản bảo đảm thực hiện theo hướng dẫn của Trung ương Mặt trận. Trước đây quy định cấp phường, xã có từ 25-30 ủy viên Ủy ban Mặt trận, nay tăng lên từ 35-40 ủy viên; cơ cấu thành phần được mở rộng bảo đảm được chất lượng, số lượng, coi trọng tính tiêu biểu, tính đại diện và tính thiết thực, thể hiện khối đại đoàn kết toàn dân ở cơ sở; bảo đảm số ủy viên có từ 30-40% người ngoài Đảng (có nơi như quận Cẩm Lệ, tỷ lệ ngoài Đảng ở các phường đều trên 40%).
Hầu hết các Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận các phường, xã là 5 người (Chủ tịch, 2 Phó Chủ tịch, 1 ủy viên thường trực phụ trách Hội người cao tuổi, 1 ủy viên thường trực phụ trách Thanh tra nhân dân). Các đồng chí Chủ tịch Ủy ban Mặt trận phường, xã đa số là Thường vụ cấp ủy, chỉ một số ít cơ cấu cấp ủy viên. Qua Đại hội, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận cấp phường, xã đã thay đổi 14 Chủ tịch và 22 Phó Chủ tịch mới.
Qua theo dõi công tác tổ chức Đại hội các phường, xã; có một số vấn đề cần rút kinh nghiệm để việc tổ chức Đại hội Mặt trận cấp quận, huyện sẽ hoàn thành trong quý 4 năm 2008 đạt kết quả tốt hơn. Cụ thể: Báo cáo chính trị cần được chuẩn bị sâu sắc hơn; sát hợp với thực tiễn của địa phương, nhất là chương trình hành động nhiệm kỳ tới. Một số báo cáo còn dàn trải, ít đúc kết kinh nghiệm và chưa nêu rõ các chỉ tiêu phấn đấu.
Thành phần Đoàn Chủ tịch Đại hội nên chú ý tính đại diện, tính tiêu biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân ở địa phương, nhất là những nơi có nhiều tín đồ theo đạo Công giáo, Phật giáo. Đến nay, việc tổ chức Đại hội MTTQ các phường, xã thuộc thành phố đã thực hiện đạt kết quả tốt; đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận các phường, xã đã được củng cố về tổ chức, năng lực theo yêu cầu, nhằm đáp ứng nhiệm vụ trong thời gian đến.
TRẦN VĂN THÔNG