Chắc chắn rằng, không ai trong chúng ta khẳng định được nghề kéo xe ra đời từ bao giờ. Người ta chỉ ước đoán, nghề kéo xe xuất hiện ở Việt Nam trong thời kỳ thuộc Pháp.
Lúc đầu cũng chỉ là những chiếc xe kéo nhỏ dùng làm phương tiện chở người (những người thuộc giới thượng lưu) đi dạo phố hoặc đi công cán đây đó trong nội đô. Về sau, do nhu cầu của cuộc sống, xe kéo xuất hiện ngày càng nhiều để phục vụ cho việc vận chuyển vật liệu, hàng hóa đến từng ngóc ngách ngõ hẻm trong các khu dân cư...
Hai vợ chồng người kéo xe tay đang xếp gạch cho khách. |
Đã thành lệ thường, bất luận thời tiết nắng, mưa, nóng, lạnh, đội quân hành nghề kéo xe tay cứ đúng giờ là quần tụ trước những cửa hàng vật liệu xây dựng. Những đống cát, sạn, xi măng, gạch, ngói vốn dĩ vô tri ấy đã tháng này qua năm khác đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của gia đình những người hành nghề kéo xe tay này. Tất tần tật, những khoản chi tiêu từ học phí cho đến tiền cưới, tiền khóc đối với bà con họ mạc cũng đều trông cậy vào sức khỏe của con người và những chiếc xe tay. Để hành nghề, mỗi ngày họ phải thức giấc từ rất sớm.
Ai may mắn đã có sẵn mối chở hàng thường xuyên thì chỉ việc có mặt đúng nơi quy định sẵn của chủ hàng, những ai mới vào nghề hoặc chưa tìm được mối hàng thường xuyên thì đương nhiên phải kéo xe lang thang qua nhiều con phố để tìm kiếm nguồn hàng. Thường là sau một vòng kiếm tìm như thế, những người làm nghề kéo xe tay mới dừng chân chờ khách nơi bến đỗ thường nhật của mình…
Hôm đi mua cho đứa con trai chiếc bàn học trên đường Ông Ích Khiêm, sau khi thỏa thuận giá cả, tôi chỉ ghi lại địa chỉ nhà mình trong cuốn sổ bán hàng rồi ra về, chờ đợi. Không lâu sau, hai vợ chồng người kéo xe tay cùng chiếc bàn học đã có mặt trước sân nhà. Tôi ra mở cửa, rồi xắn tay áo để sẵn sàng giúp sức, nhưng người chồng xua tay: “Anh cứ để đó cho tôi”. Với những thao tác như đã quá mức thành thục của hai vợ chồng người kéo xe tay, chẳng lâu sau, chiếc bàn đã nằm đúng vào vị trí cần thiết. Trả tiền xong, tôi rót nước mời hai vợ chồng người kéo xe.
- Nhà anh chị có gần đây không? – Tôi hỏi.
- Chúng tôi ở phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ!
- Anh chị được mấy cháu?
- Cảm ơn anh, chúng tôi được bốn cháu, ba đứa đầu là gái, gắng mãi mới được thằng út, năm nay học lớp 4. Cũng vì mong kiếm mụn con trai để nối dõi tông đường mà đời mình cứ khổ mãi. Hai vợ chồng làm quần quật từ sáng sớm cho đến khi đỏ đèn, đen đất mới về tới nhà, vậy mà túng thiếu vẫn hoàn túng thiếu.
- Thế ở đây có nhiều người làm nghề như anh chị không? - Tôi hỏi tiếp.
Xe tay chờ khách bên lề đường Hoàng Hoa Thám |
Tôi lại lang thang tìm đến những bến đỗ xe kéo tay khác trong thành phố để hỏi han đôi chút về nghề này. Anh Toàn, một người kéo xe ở góc đường Hoàng Hoa Thám-Hải Phòng kể: Mỗi xe kéo như thế thường có hai người, thường là trong một gia đình, để phụ giúp nhau.
Hành trang của họ cũng hết sức giản đơn, một chiếc bình đông đựng nước uống, một chiếc ăng-gô để đựng cơm, chiếc khăn thường trực được quấn trên vai vừa dùng để lau mặt nhưng chủ yếu là để lau mồ hôi sau những cuốc xe mệt mỏi. Những vật dụng cá nhân này được những người kéo xe sắp xếp rất gọn gàng trong một chiếc hộp gỗ được đóng dính vào phía dưới gầm xe. Chiếc xe là phương tiện kiếm sống, là “cần câu cơm” của cả một gia đình.
Vì vậy, những người kéo xe tay rất yêu quý chiếc xe của mình. Gần một giờ đồng hồ tôi đứng quan sát mấy người kéo xe chờ khách, tiếng là chờ khách vậy nhưng trong số họ có ai nghỉ ngơi đâu. Người thì xách nước chùi rửa xe, người lui cui bơm thêm chút mỡ vào hai trục bi, thậm chí có người còn nắn nót viết lên hai bên thành xe những dòng chữ như: “Nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông”…
Qua tiếp xúc, tôi biết được đa số những người hành nghề kéo xe tay này đều là dân ngụ cư, họ đến mưu sinh ở Đà Nẵng từ nhiều vùng quê khác. Có người ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, người ở Huế, Quảng Trị, có người ở tận Thanh Hóa, Phú Thọ xa xôi. Có người ngày đầu bước chân vào nghề đã sắm được xe, nhưng cũng có người không thể nào quên được cái thuở ban đầu lập nghiệp ở Đà Nẵng, họ phải thuê xe chạy ngày, rồi sau đó thuê xe chạy tháng, cuối cùng dồn góp mới tự mua cho mình được chiếc xe kéo để mưu sinh...
Ấn tượng nhất đối với tôi là cụ già kéo xe tay thường chờ khách trên một đoạn của đường Ngô Gia Tự. Cụ Bảy, quê ở huyện Thăng Bình (Quảng Nam) ra Đà Nẵng hành nghề kéo xe tay từ lâu lắm. Ngày trước còn khỏe, cụ chỉ đi xe một mình, nhưng bây giờ tuổi đã già, chân đã yếu nên phụ giúp với cụ là đứa cháu nội 16 tuổi.
Cụ bảo: “Thằng cháu nội ban ngày phụ với tui, nhưng ban đêm hắn còn phải đi học, tui khuyên nhủ hắn hoài à: Chỉ có con đường học chữ mới mong đời mình sau này không lầm than thôi...”. Tôi hỏi cụ, già yếu thế này rồi cụ định đến bao giờ thì giải nghệ? Cụ bảo: “Cũng khó mà tính được cậu ơi, chắc phải đến khi hai ống chân và tấm thân già này không lê bước nổi thì tui mới nghỉ kéo...”.
Đang vui câu chuyện thì có người cần cụ chở mấy trăm viên gạch về nhà ở một hẻm nhỏ trên đường Trần Cao Vân. Cụ chào tôi để tiếp tục hành trình kéo xe của mình bằng một nụ cười móm mém. Đà Nẵng mấy ngày rồi trời đang mưa, cụ Bảy đưa tấm ni lông choàng qua vai trông đã chậm chạp lắm. Tôi lặng người đứng bần thần nhìn theo bóng dáng của hai ông cháu cho đến khi hai tấm thân khắc khổ ấy cùng những vòng quay của chiếc xe tay cứ mờ dần, mờ dần trong màn mưa se lạnh.
Tôi thầm cảm phục họ, những con người chân chất suốt bốn mùa mưa nắng chỉ biết cần mẫn đổi những giọt mồ hôi chân chính của mình để mang về cho bản thân và gia đình từng miếng cơm, manh áo...
Bài và ảnh: PHAN BÙI BẢO THY