Trời vẫn đổ mưa, cho dù ngày 23 tháng mười âm lịch đã đi qua. Sáng hôm ấy, bất chợt một chút nắng hiếm hoi vụt sáng bên hiên nhà, một mái đầu bạc trắng lặng lẽ cúi xuống trên vuông khăn, những đường kim khẽ lướt qua để lại những nét hoa văn trên nền vải trắng. Bên bậu cửa, hai cụ già bình thản ngồi tách những hạt đậu nành lép trên những chiếc khay nhựa, thanh âm lạo xạo thỉnh thoảng xua tan cái vẻ tĩnh lặng cố hữu của ngôi nhà chỉ dành cho những người đã qua tuổi “xưa nay hiếm”...
Câu hò nguôi ngoai phận người
Mỗi lần nhớ quê đau đáu, bà Khoai lại ngâm ngợi những câu ca xưa. |
Lớn lên, bà bị buộc phải đi chăn trâu để có cái ăn, cái mặc. Bị trâu báng, mang tật gù lưng, cô gái ngày ấy đã an phận thủ thường, đâu dám mơ tưởng đến chuyện lứa đôi. Thế mà vẫn có người hỏi cưới rồi đưa bà lên Buôn Ma Thuột. Nhưng bất hạnh lại giáng xuống đời bà, cả chồng và con bà đều chết, bà lại tìm đường về quê nhà. Bà lang thang đi xin ăn qua khắp 13 chợ, rất chính xác, có ai hỏi đến là bà kể vanh vách từng chợ một.
Bà dành dụm được một số tiền, cho một người ở bên hông chợ Hàn vay 200 nghìn đồng làm vốn, số còn lại bị đám xì ke ma túy móc túi lấy hết. Sau khi Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Loan, Phó Giám đốc Mái ấm Tình thương Đà Nẵng, đưa bà về chữa bệnh, nuôi dưỡng tại Mái ấm, bà nhờ bác sĩ đưa đi đòi nợ, nhưng người ta đã lờ luôn. Về Mái ấm, quen đời lao động, bà luôn tìm một việc gì đấy làm để khuây khỏa.
Tình người nồng ấm đã kéo dài tuổi thọ của bà cụ Trần Thị Hai. |
Người dân Hải Châu 2 quanh đó không ai là không biết đến bà. Chị Xí Lơ hiện bán bún mắm, mỗi lần gặp người Mái ấm đi chợ Cồn, chị không quên hỏi thăm và gửi quà cho bà. Ông tổ trưởng tổ dân phố 18 - nơi bà ở trước kia, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường vẫn thỉnh thoảng qua thăm bà. Tình thương của mọi người cộng với khoản trợ cấp 300.000 đồng/tháng cho người từ 100 tuổi trở lên đã giúp bà sống khá minh mẫn so với tuổi.
Mái ấm Tình thương Đà Nẵng được thành lập từ tháng 3-1996 dưới sự phối hợp tổ chức giữa Hội Từ thiện tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (nay là thành phố Đà Nẵng) và Dòng Thánh Phao-lô. Vào đây, những người như bà Khoai, bà Hai đã tìm được nguồn vui cho quãng đời xế bóng. Mỗi lần nhớ quê đau đáu, hai bà lại ngâm ngợi những câu ca xưa.
Khắc khoải đợi chờ
Người có mắt, người có chân, bà Năm và bà Phúc nương tựa vào nhau suốt 10 năm qua ở Mái ấm Tình thương Đà Nẵng. |
Bà Võ Thị Chính, 93 tuổi, ở phường Chính Gián, quận Thanh Khê, cao tuổi nhất ở trung tâm hiện nay. Mỗi khi gặp một ai đó, bà lại lảm nhảm những câu đầu cua tai nheo. Bà từng có một căn nhà, nhưng bán nửa cái, nửa kia chia cho con. Nhưng rồi bà lại nổi chướng, đòi về ở chung với con. Già sinh tật, đất sinh cỏ, thấy bà gây khó cho mình, người con thuê cho bà căn nhà, nhưng bà không chịu ở mà bỏ đi lang thang.
Bà Nguyễn Thị Én, 82 tuổi, ở phường Nam Dương thì vì con cái quá nghèo nên địa phương xét duyệt đưa bà vào trung tâm. Ông Hứa Văn Danh ở phường An Khê thì bị con cái bỏ bê. Ông ốm, trung tâm đưa đi viện, gọi con ông xuống nhưng con ông vẫn thờ ơ, lại có ý “bắt đền” tại sao trung tâm để cho ông ốm (!). Một số người từ các địa phương khác đến như bà Võ Thị Hồng người Hà Lam, Thăng Bình, bị tâm thần nhẹ vì chồng bỏ. Hoặc bà Lê Thị Xuyến với “thâm niên” 40 năm đi xin ăn, trôi giạt từ quê nhà Thanh Hóa vào Đà Nẵng.
Lạ hơn, ông Phạm Xuân Hợp, 90 tuổi, không biết quê quán ở đâu nhưng cứ nằng nặc đòi về hoài. Rất nhiều trường hợp tìm thân nhân cho những người như ông Hợp được phát trên ti-vi, ông chờ, cán bộ trung tâm chờ, nhưng vẫn không một phản hồi. Còn ông Phạm Hữu Bảo thì vừa được gia đình ở phường Phước Ninh đón về, không lâu sau đã thấy ông tái xuất hiện ở trung tâm. Ông lặng lẽ nhìn đoàn người lên thăm tặng quà, đôi mắt xa xăm một nỗi buồn. Con đường Hoàng Văn Thái dẫn lên trung tâm đang được nâng cấp để xóa hết những ổ gà, ổ voi ngập ngụa nước mưa. Ông ngày đêm trông ngóng tin vui từ gia đình để quãng đường đời còn lại của ông cũng sẽ được bằng phẳng như con đường sắp hoàn thành trong nay mai.
Cần có một tấm lòng
Ông Phạm Hữu Bảo ngày đêm trông ngóng tin vui từ gia đình... |
Từ khi triển khai chương trình “5 không” đến nay, diện mạo xã hội của Đà Nẵng đã đổi khác. Đối tượng xã hội thì đông mà ngân sách thành phố thì có hạn. Suất ăn mỗi ngày cấp cho họ cũng chẳng là bao so với thời tăng giá. Các đơn vị phải tổ chức trồng trọt, chăn nuôi để cải thiện bữa ăn cho các cụ. Thêm vào đó, sự hỗ trợ không thường xuyên của các cơ quan, đơn vị, các chùa, các nhà hảo tâm đã trở thành nguồn động viên vui sống cho các cụ cả về vật chất lẫn tinh thần.
Chắc chắn thế nào bạn cũng có ít nhất một người già. Hãy nhìn cái cô đơn của người già trong gia đình để hình dung đến cái cô đơn của những người rất đỗi cô đơn ngoài xã hội: Không có cơ hội mưu sinh, không tài sản, không con cái... Hãy nghĩ đến các cụ để những mảng tối của bức tranh xã hội được vơi đi, nhưng cái chính là ta cảm thấy hạnh phúc ít nhiều khi trải rộng lòng mình cho cuộc sống này ngày một tươi đẹp hơn.
Ghi chép của VĂN THÀNH LÊ