Những người dân sống tại thôn Cẩm Nam, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang rất bức xúc với việc nước thải sinh hoạt từ các cống thải của khu dân cư mới Nam cầu Cẩm Lệ liên tục thải trực tiếp xuống khu vực nhà ở và đồng ruộng của họ. Tình trạng này đã gây ô nhiễm môi trường sống, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của người dân nơi đây nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Quýt làm, cam chịu...
Cây lúa không phát triển vì bị ngập nước thường xuyên từ nước thải sinh hoạt của khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ. |
Còn khi trời mưa to thì chỉ sau 30 phút là nước đã ngập ngang đường làng, ngập vào vườn rau, sân nhà của các hộ dân sống tại đây. Nếu muốn đi lại, bắt buộc người dân phải lội qua làn nước bẩn, đen ngòm và đáng sợ hơn là nước mưa quyện chung với nước thải sinh hoạt có thể gây ra những bệnh ngoài da và ảnh hưởng đến sức khỏe của bà con nơi đây. Ông Phan Bốn, một người dân sống tại thôn Cẩm Nam cho biết: “Khi trời mưa, nước trong cống chảy tràn ra, ứ lại trong sân nhà, có khi ngập ngang đầu gối, chân tay tui lở loét cũng vì lội qua nước bẩn”.
Theo quan sát của chúng tôi thì hiện tại, 4 miệng cống nước thải của Khu dân cư mới Nam cầu Cẩm Lệ không hề được đấu nối với hệ thống thu gom, xử lý nên đã đổ trực tiếp xuống đồng ruộng và khu vực nhà ở của dân. Ruộng lúa ở đây không thể canh tác vì bị ngập nước thường xuyên. Ông Phan Ngọc Hưng, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Hòa Châu nói: “Nước cứ ngập hoài, nông dân gieo hạt xuống bị ngập, rồi phải gieo đi gieo lại hai ba lần, cây lúa vì vậy mà chậm phát triển, không đạt chất lượng. Bình thường mỗi sào thu hoạch trên 3 tạ, giờ chỉ còn khoảng 1 tạ. Hiện tại, người dân thôn Cẩm Nam vẫn còn nợ hợp tác xã 5 tấn lúa giống mà không biết làm gì để trả hết”.
Ngoài nguyên nhân từ việc chưa có hệ thống đấu nối xử lý nước thải, thì việc xây dựng khu dân cư chặn ngang mương thoát nước cũng dẫn đến tình trạng úng ngập nơi đây khi mùa mưa đến. Anh Nguyễn Đăng Ri, cán bộ Kế hoạch-giao thông-thủy lợi xã Hòa Châu cho biết: “Việc xây dựng khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ đã chặn một phần mương thoát nước khiến cho bà con thiếu nước canh tác nhưng khi mưa đến lại bị ngập úng thường xuyên vì nước không thoát được. Mương nước chạy ngang qua thôn Cẩm Nam nên nước thải sinh hoạt theo đó chảy tràn vào khu vực đồng ruộng và nhà ở của dân”.
Đâu là giải pháp?
Thôn Cẩm Nam, xã Hòa Châu cũng là khu vực nằm trong dự án Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ mở rộng. Tuy nhiên, người dân ở đây không biết khi nào dự án mới được triển khai tiếp. Hiện tại, khu vực này nằm thấp hơn và phải liên tục hứng chịu ảnh hưởng của nước thải sinh hoạt từ khu dân cư mới. Theo ông Nguyễn Lối, Trưởng thôn Cẩm Nam thì người dân rất bức xúc, không ít người muốn chuyển nhà đi nơi khác, thậm chí Sư trụ trì ngôi chùa to đẹp gần đấy cũng tính phương án chuyển đi vì không chịu đựng được mùi ô nhiễm từ nước thải sinh hoạt của khu dân cư ngay phía trước ngôi chùa. Người dân không biết phải làm gì để giải quyết ô nhiễm, tìm lại sự trong lành cho môi trường sống của mình.
Về phía huyện Hòa Vang, trong kiến nghị gửi HĐND, UBND thành phố, UBND huyện đã đề nghị UBND thành phố và các đơn vị liên quan có phương án giải quyết dứt điểm tình trạng nói trên. Ông Nguyễn Sương, Phòng Tài Nguyên-Môi trường huyện cho biết: “Huyện đề xuất UBND thành phố cấp kinh phí độc lập để xây dựng hệ thống thoát nước đấu nối với khu vực xử lý, còn nếu chờ Ban Quản lý Dự án Nam cầu Cẩm Lệ giải quyết thì không biết khi nào mới xong”.
Trước mắt, trong mùa mưa năm nay, người dân thôn Cẩm Nam vẫn tiếp tục chịu đựng tình trạng ô nhiễm và ngập úng từ nước thải sinh hoạt của khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ. Có một nghịch lý mà nông dân ở đây vẫn nói với nhau là khi cần nước tưới cho đồng ruộng, vườn rau thì nước lại thiếu, nhưng lúc không cần, nước lại ngập thường xuyên, đất ruộng ít mà lại bỏ phí, nông dân sống nhờ trồng trọt giờ lại ở không.
Bài và ảnh: MỸ HẠNH