.

Phận đời nghiệt ngã

.

Y học thế giới nhìn nhận người mắc các chứng bệnh về não như là một bệnh lý. Trong đó bệnh tâm thần được xem là một loại bệnh khá phổ biến ở những nước công nghiệp phát triển, đặc biệt ở những nước bị ảnh hưởng của chiến tranh hay do các chất độc hóa học, các chấn thương sọ não, những ảnh hưởng của bệnh nhiễm trùng, các tệ nạn xã hội, các chấn thương tâm lý…

Theo một khảo sát chưa đầy đủ, hiện ở Việt Nam có khoảng 18-20% dân số mắc các chứng bệnh liên quan về tâm thần. Riêng thành phố Đà Nẵng, hiện mỗi năm điều trị tập trung cho khoảng 500-600 người bệnh tại Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần và Bệnh viện Tâm thần. 
          
Bài 1: Vào với thế giới người bệnh

Cấu, cắn, xé, đánh, tát, chửi... là những động từ nói về những bệnh nhân tâm thần khi họ phát cơn kích động. Có lẽ, hẳn những ai đến đây lần đầu tiên không khỏi “mất hồn” với những người bệnh có những động tác kỳ quặc. Họ khác nhau ở khuôn mặt, tuổi tác, giới tính, nhưng có chung một vấn đề về trí não. Tạo hóa đã đánh cắp của họ, quyền được làm một con người hoàn chỉnh.

Bữa cơm trưa tình cảm của các bệnh nhân.

Đến Bệnh viện Tâm thần vào một ngày thu, y tá Hải dẫn chúng tôi đến Khoa Quản lý cấp tính nam. Mặc dù được dặn trước về thái độ của người bệnh, nhưng rồi những gì mà chúng tôi hình dung về họ khác hẳn thực tế. Đưa chiếc máy ảnh lên chực chụp, một bệnh nhân (BN) cười hớn hở: “Chụp cho kiểu hình để gửi về gia đình với”.

Rồi BN này sửa soạn lại quần áo nhưng nấp kín vào sau cánh cửa, chỉ chìa ra cái lưng. Trong hồ sơ bệnh án lưu giữ tại bệnh viện (BV), chúng tôi thấy có rất nhiều người khá đặc biệt, nhưng chú ý nhất là người bệnh tên Phú, quê xã Hòa Tiến, có thâm niên sống lâu nhất ở đây, 15 năm. Anh từng ra vào hàng chục lần ở BV với một lai lịch khá rùng rợn: đã giết mấy mạng người khi cơn bệnh hoành hành. Cùng với các hộ lý thu dọn bát đĩa sau giờ ăn trưa, trong giây phút tỉnh táo hiếm hoi, Phú kể:

Trước đây, anh từng là bộ đội tham gia chiến trường Campuchia, sau bị bệnh không kiềm chế bản năng nên đã sát hại người thân của mình. Câu chuyện tiếp tục với chuỗi dài ký ức. Giờ đây, anh không nhớ chính xác mình bao nhiêu tuổi. Chỉ biết rằng, anh từng có người yêu tên Hồng hứa sẽ xin cho anh làm bảo vệ, còn người yêu làm y tá chăm sóc cho anh.

Khi câu chuyện chưa kết thúc, Phú đứng bật dậy xin mấy ngàn để “nạp cái card điện thoại”. Bên bàn ăn, các y tá chỉ tay về một BN nam đoán chừng 80 tuổi bị mất trí nhớ. Ông đi lạc từ giữa tháng 8. Tay bưng tô cơm, nước mắt ông giàn giụa chảy xuống từng hàng, khiến chúng tôi không khỏi xót xa. Các y tá đút từng thìa cơm cho ông, nhắc chúng tôi: “Cố gắng đăng báo tìm giúp người thân cho cụ, kẻo tội lắm”. 

Khác với dáng vẻ hiền lành bên ngoài, BN Thành trong giờ ăn chiều đã giơ tay tát một người lớn hơn anh cả chục tuổi vì lý do “cướp thức ăn” trên bát cơm của mình. Cạnh đó là BN tên Quý, trước đây may giày dép ở đường Lê Duẩn, Quý kể: “Vì nghiện chat quá, nên bị ám ảnh bởi trò chơi Tam Tạng - Trương Vô Kị Tam hoàng, em đánh luôn mấy bạn chat ở tiệm rồi bị đưa vô đây”. Nói xong, Quý chỉ tay vào một thanh niên tên Nhạn, 21 tuổi, nhà ở Tam Kỳ, Quảng Nam:

“Hắn bị bệnh mất ngủ đó chị. Ba má hắn ly dị hồi hắn 2 tuổi, hắn học tới lớp 9 thì bị điên nên vô đây được 7 năm rồi. Chị ngó hắn có đẹp trai hông?”. Trước khi vào đây, tôi đã nghe các y tá, điều dưỡng giới thiệu cặn kẽ chức năng cũng như đặc điểm từng khoa điều trị. Song dẫu vậy, khi tiếp xúc với BN của Khoa phục hồi chức năng, tôi cứ ngỡ ít ra những người này đã khá tỉnh táo để chuẩn bị xuất viện.
 
Nhưng có tiếp xúc với họ mới biết những người bệnh này đã vẽ ra câu chuyện đời mình khi thực, khi ảo. Tào Thành, một BN phân trần với tôi: “Em không giống như mấy đứa dại chữ, dại tình. Em là tài xế, chạy xe bị mất thắng lật trên đèo Cả, hoảng hốt quá mà bị bệnh ri, mà chị biết đèo Cả ở mô không, trong Sài Gòn lận” (thực tế đèo Cả nằm ở giữa Phú Yên và Khánh Hòa - P.V).

Bệnh nhân lúc lên cơn thường hay phá phách và bỏ trốn.
Nhìn những căn phòng rộng, kiên cố, dường như để ngăn chặn các hành vi nguy hiểm đối với người bệnh có khí sắc thay đổi đột ngột (từ dùng để chỉ người bệnh khi lên cơn - P.V). Các y, bác sĩ cho biết, có lúc những BN này hiền khô nhưng có lúc “trở dại” tấn công người khác bất cứ lúc nào. Vừa nói xong, một BN mình trần, khoác cái chăn bông vụt trốn thật nhanh, buộc các y tá đuổi theo bở hơi tai. Thấy vậy, BN khác bị nhốt trong phòng riêng la lớn: “Dọn, dọn sạch chỗ ta nằm mau lên. Ta mà ra là ta quýnh (đánh) hết”.

Nằm san sát những căn phòng biệt lập là dãy phòng tập thể chừng 24m2 có khoảng 5-6 người cùng ở. Những BN này luôn miệng hát hò hoặc chửi bới, la hét inh ỏi, có người đi ra đi vào liên tục, miệng không ngớt lảm nhảm “Nam mô a di đà Phật”.

Ở Khoa nữ, mức độ hung dữ ít hơn và nhiều cảm xúc. Khi đi ngang qua căn phòng có 2 người phụ nữ, một chị níu tôi lại để hát cho nghe bài “Thương về miền Trung”. Bên trong căn phòng còn sặc mùi xú uế mà hộ lý chưa kịp dọn, một BN không mặc quần áo, miệng nói những câu không rõ nghĩa. Nằm giữa những dãy phòng này là khoảng sân trống, làm nơi tập thể dục.

Ngồi trên ghế đá,  chúng tôi được cô gái tên Nguyễn Thị Thu Thảo có khuôn mặt khá xinh, chậm rãi kể về mình: “Hồi nớ em học tới năm thứ 4 Đại học Ngoại ngữ đó chị. Có lần thầy giáo người nước ngoài viết lên bảng một câu tiếng Anh. Em tưởng thầy ám chỉ tới mình nên em nghỉ học cho trường biết tay.” Rồi cô nhắc đi nhắc lại như muốn van xin: “Chừ em muốn đi học lắm, chị ráng giúp em được không chị?”.

Thấy người lạ, hàng chục BN kéo tới vây quanh tôi hỏi han, trò chuyện. Trong số đó, có 2 chị em ruột là Châu và Thúy cùng bị căn bệnh quái gở kia hành hạ thể xác lẫn tâm hồn. Ban đầu cô chị bị, sau tới cô em. Chị Sương đòi tôi đưa giấy bút để vẽ. Những nét chữ tròn lẳn, những con vật qua bàn tay nắn nót của chị mà thoạt nhìn qua, không ai nghĩ đây là “người điên”. “Em hát hay lắm chị ơi, mấy người nghe xong thì cho em tiền. Chị biết răng không, mấy bữa em bán chanh ớt ở chợ Cồn, chợ Hàn, do ham ri, đầm, già, xì (J, Q, K, A, tên những con bài - P.V) nên bị nhà la, em uống thuốc tự tử mà không chết”.

Tạm rời Khoa nữ, đầu óc tôi vẫn quay cuồng, ám ảnh bởi giọng nói của BN nữ tên Trinh, từng đánh mẹ mình thừa sống thiếu chết: “Răng em thấy có lỗi với mẹ quá, nhiều khi biết mình sai nhưng em không thể làm khác được”…

Bao nhiêu câu chuyện là bấy nhiêu mảnh đời không lành lặn mà tôi chứng kiến. Nó gợi cho người nghe cảm nhận một nỗi day dứt không nguôi: Người điên - tự trong đáy lòng họ cũng còn những điều tốt đẹp hơn ta tưởng?

Ghi chép của XUÂN DUYÊN

;
.
.
.
.
.