Bác sĩ Lâm Tứ Trung, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần giải thích: Bệnh liên quan đến tâm thần được phân hàng trăm loại thể. Ở đây, chúng tôi không đi sâu vào chuyên môn y học của bệnh, chỉ mạn phép bàn tới hướng điều trị hiện đại, bởi vì có rất nhiều bệnh nhân trước khi tới BV, người nhà đã đưa đi khắp nơi để chữa bệnh “âm-dương”.
Bài 1: Vào với thế giới người bệnh
Sự chăm sóc ân cần, chu đáo của các y, bác sĩ là niềm an ủi để người bệnh vượt qua mặc cảm. |
Trường hợp của chị L.T.T, 44 tuổi (giáo viên ở Đắc Lắc) là một ví dụ. Người này tâm sự với chúng tôi: Chị bị bệnh hoang tưởng, cứ thấy người khác bị bệnh gì là nghĩ rằng cơ thể mình bị đau theo. Lúc nào chị cũng nghe bên tai mình có tiếng của người khác, khi thì sai khiến, khi thì dọa nạt, cứ ong ong, âm âm. Mặc dù đi chữa nhiều nơi, bệnh vẫn không lành, chị nghe theo các “thầy” nhịn ăn, lâu dần tinh thần trở nên sa sút, suy nhược. Trong thời gian dài, ai bảo gì làm nấy, chị “ăn gừng, uống rượu, tắm nước vôi”, rồi uống “thần sa châu sa” cũng không khỏi. Từ đó đến nay kéo dài hơn 10 năm, vừa mới nhập viện gần một tháng.
Nhiều trường hợp, các BN đã được bác sĩ điều trị theo quy trình gần như sắp trở về với đời thường, nhưng người nhà lại xin cho BN xuất viện để về đi coi bói và cúng thầy. Khi bệnh kéo dài trầm trọng mới tiếp tục đưa vào BV. Các BN sau khi được khám và chẩn đoán sẽ được điều trị theo từng thể trạng kết hợp với phác đồ của ngành y tế. Các BN này không chỉ dùng thuốc đơn thuần mà được kết hợp với việc vận động thể lực và trí lực. Ông Trần Công Be, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần chia sẻ với chúng tôi:
“Trước đây, ít ai nghĩ tới chuyện người tâm thần có thể đồng diễn thể dục, thi văn nghệ, nấu nướng, giặt giũ, làm việc nhà. Nhưng nay thì khác, họ làm được và chúng tôi đang hướng họ đến những hoạt động như vậy”. Một ngày đối với những BN tâm thần là tập thể dục, vệ sinh, ăn cơm, uống thuốc, nghỉ ngơi, sinh hoạt tập thể hoặc lao động nhẹ, giải trí... Các bác sĩ ở đây giải thích: Cho họ hoạt động gân cốt để tránh bớt căng thẳng về mặt tâm lý.
Hãy mường tượng người bệnh tâm thần như là một đứa trẻ, tư duy gần như không có, chỉ còn lại bản năng. Những sinh hoạt tinh thần như nghe nhạc, xem ti-vi, đọc sách, hát karaoke, vẽ tranh, múa… sẽ là liều thuốc tốt giúp cho những BN tìm lại cảm xúc đời thường, khôi phục thói quen hằng ngày. Cùng với vận động cơ bắp qua các trò chơi kéo co, đẩy gậy, đánh bóng chuyền, BN mau chóng lấy lại thể lực do suy nhược.
Khi tham gia, BN không bị chi phối bởi những ám ảnh thường thấy, mặt khác còn giúp các cử chỉ nghe, nhìn được chủ động. Những phương pháp trên đã áp dụng gần như phổ biến ở các trung tâm, BV trên cả nước. Tuy nhiên, việc sử dụng liệu pháp âm nhạc là khá mới. Theo một số nhà nghiên cứu, âm nhạc có thể giúp điều trị các BN mắc chứng trầm cảm. Những bản nhạc cổ điển, hay thể loại rock, rap có thể sẽ đưa lại kết quả tích cực trong xu hướng điều trị hiện đại. Hiện nay, Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa, Đồng Nai đang thử nghiệm mà Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần (TTĐDNTT) Đà Nẵng đang muốn hướng tới.
Bữa ăn từ thiện do những tấm lòng hảo tâm đóng góp. |
Theo thống kê riêng trong 3 năm, tính từ đầu năm 2006, TT đã nhận mới 73 người và đưa về cộng đồng 56 người. Năm 2007, nhận thêm 91 người, đưa về 65 người. 9 tháng đầu năm 2008, nhận 68 người, cho về 57 người (một số ít qua đời hoặc trốn viện). Con số đó, theo lãnh đạo TT, gia tăng hằng năm bình quân từ 3-5%, mà số BN ở TT vẫn rất đông, 308 người. Ở Bệnh viện Tâm thần, số BN luôn dao động từ 150-300 người. Tuy vậy, điều mừng nhất đối với những người trực tiếp chăm sóc cho người bệnh tâm thần là giúp họ khỏi bệnh và hạnh phúc hơn khi tìm được mái ấm gia đình.
Trong cuốn sổ của TT còn ghi lại ngày tháng năm, tên tuổi những người bệnh (có cả người dân tộc) bị mất tích trên dưới 10 năm, đi lưu lạc và được TT chữa khỏi bệnh. Không giấu được nỗi xúc động và sự biết ơn, hàng chục lá thư của các gia đình từ các tỉnh, thành phố Thanh Hóa, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hải Phòng, Bình Định, Đồng Tháp… gửi về.
Ở TTĐDNTT cũng như BVTT, rất nhiều bệnh nhân sau một thời gian hồi phục đã trở về hòa nhập với xã hội, nhưng chưa được bao lâu đã quay trở lại nơi điều trị. “Họ ra vào như cơm bữa, hết bệnh trở lại bình thường, phát bệnh là lên cơn phá phách, đánh đập những người chung quanh hoặc nói nhảm. Đối với trường hợp người bệnh đi tới giai đoạn mãn tính (điều trị không khỏi, di chứng kéo dài), tư duy sa sút, rối loạn hành vi, sẽ rất nguy hiểm cho gia đình và xã hội thì BV hay TT trở thành ngôi nhà chính thức của họ”, các bác sĩ nói.
Có người đã ở lại BV gần 15 năm như BN Phú (đã đề cập ở bài 1), và không thiếu những trường hợp bị người thân bỏ rơi, phó mặc cho Nhà nước; hoặc không nơi nương tựa, gia đình không dám nhận bởi nỗi ám ảnh, lo âu bị sát hại… Trường hợp chị Hồng là một sự băn khoăn lớn đối với TT.
Chị đã hết hẳn bệnh, nhưng không có ai đón về, ở lại với những người bệnh là điều không thể. Cuối cùng, TT quyết định đưa chị vào Trung tâm Bảo trợ xã hội như tìm về một mái ấm. “Chúng tôi biết rằng, những gia đình có người bệnh tâm thần đều rất khốn khổ. Muốn vận động một bệnh nhân trở về đời thường, việc đầu tiên phải tư vấn cho gia đình. Nếu vì lý do nào đó, trung tâm sẽ nhận lại bệnh nhân, vì nếu không làm như vậy, vô tình như mình chối bỏ trách nhiệm thì không đang tâm”, ông Trần Công Be, Giám đốc TTĐDNTT trăn trở.
Hiện nay, bệnh nhân có rối loạn tâm thần ngày càng gia tăng và trở thành những vấn đề xã hội phải được tập trung giải quyết, không chỉ riêng ngành y tế mà cần có sự chung tay của cộng đồng xã hội. Trong khi đó, cả nước ta mới chỉ có 15 trung tâm chăm sóc người tâm thần với quy mô nhỏ, phải lồng ghép nhiều đối tượng, lại phân bố không đồng đều ở các vùng nên không tiếp nhận hết những người tâm thần lang thang.
Ngày nay, mặc dù xã hội đã có cái nhìn tích cực hơn về người bệnh tâm thần, thế nhưng ở lĩnh vực quản lý xã hội, họ vẫn ít được quan tâm bởi thái độ kỳ thị của một bộ phận người dân. Vấn đề chung đặt ra hiện nay là làm sao để những người bệnh bất hạnh này được sống trong một môi trường hài hòa, có đủ điều kiện chăm sóc họ như là một BN “đặc biệt”, bởi vì thái độ đối xử với người tâm thần có thể xem là thước đo văn minh xã hội.
Ghi chép của XUÂN DUYÊN