.

Phát huy dân chủ, đoàn kết và tự quản ở khu dân cư

.

Hội nghị đại biểu nhân dân (HNĐBND) ở tổ dân phố (TDP) là nơi quy ước cộng đồng được 100% hộ dân cùng bàn thảo, thống nhất nội dung và cam kết thực hiện, đã trở thành hội nghị thường niên ở TDP của 13 phường thuộc quận Hải Châu.

Đường bê-tông có cây xanh của tổ dân phố 26, phường Hải Châu 1.

Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, các hộ dân bàn thảo và biểu quyết thống nhất đưa vào quy ước có tính bắt buộc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, thực hiện nghĩa vụ công dân, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Đây là mô hình về đổi mới hoạt động Mặt trận khu dân cư (KDC) do Mặt trận quận Hải Châu triển khai thành công trong nhiệm kỳ II này.

Tháng 5-2005, TDP 26, phường Hải Châu 1 được chọn thí điểm tổ chức HNĐBND có đại diện Mặt trận 13 phường tham dự. Sau khi tổ chức làm điểm ở một TDP, các phường đồng loạt tổ chức HNĐBND ở tất cả các TDP vào đầu năm 2006. Được sự lãnh đạo của chi bộ KDC, hướng dẫn của Mặt trận cấp trên, Ban công tác Mặt trận phối hợp với Ban điều hành TDP tổ chức HNĐBND để trao đổi, thảo luận và thống nhất các nội dung, tiêu chí thi đua, đề ra các biện pháp tổ chức thực hiện để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế-xã hội ở địa phương.

Chính quyền địa phương thông báo cụ thể các nội dung dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo điều kiện và động viên nhân dân thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình. HNĐBND được tổ chức tùy theo điều kiện, yêu cầu của từng KDC, phần lớn các phường đều tổ chức 2 lần/năm. Một số KDC tổ chức hội nghị bất thường vận động riêng biệt như: nâng cấp chỉnh trang hẻm kiệt, bắc điện chiếu sáng... Hội nghị bàn bạc, quyết định hình thức chỉnh trang, thống nhất kinh phí vận động nhân dân đóng góp, mức tham gia của từng hộ, thống nhất cử tổ giám sát công trình, quản lý công trình để thay mặt nhân dân tổ chức thực hiện. Có khu dân cư đưa ra bình xét cho vay vốn xóa đói giảm nghèo, bình chọn hỗ trợ các hộ nghèo,...

HNĐBND đã trở thành diễn đàn để nhân dân xây dựng khối đoàn kết, tương thân tương ái, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau. Quyền làm chủ của mọi công dân được phát huy trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh-quốc phòng bằng việc xem xét, thảo luận, biểu quyết thông qua Quy ước cộng đồng dân cư trên cơ sở 6 nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với Chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, đặc biệt là xây dựng nếp sống văn hóa-văn minh đô thị.

Ở một số nơi, nhân dân đấu tranh quyết liệt đối với hành vi vứt rác, đổ nước thải ra hẻm kiệt, đường phố, vỉa hè, trước cổng ngõ làm mất mỹ quan và vệ sinh môi trường (tổ 11 phường Bình Thuận). Có nơi, người có hành vi vi phạm nhận thấy điều sai trái của mình đã mạnh dạn xin lỗi nhân dân tại hội nghị và hứa khắc phục (tổ 1 phường Phước Ninh). Thảo luận về hạn chế bán hàng rong, buôn bán lấn chiếm vỉa hè cũng là vấn đề nan giải vì những người này thuộc diện hộ nghèo. Qua trưng cầu ý kiến của nhân dân, giải pháp giúp đỡ hiệu quả nhất là hình thức góp vốn quay vòng, hỗ trợ vốn, đề nghị UBND phường giúp đỡ nơi có thể buôn bán không ảnh hưởng nhiều đến trật tự đô thị.

Qua HNĐBND, nhiều mô hình được triển khai như: Phong trào “2 không” (Phước Ninh); “3 xây, 4 quản” (Thanh Bình); “3 biết, 3 chống” (Hòa Cường Bắc); “3 không, 3 có” (Hải Châu 1); “2 phòng-3 tăng cường” (Hòa Thuận Tây); “2 phòng- 3 quản” (Thạch Thang), “3 phòng, 3 quản” (Hòa Cường Nam); “2 xây, 3 giảm” (Hải Châu 2); “3 trách nhiệm, 3 xây” (Bình Hiên); “3 quản, 3 giáo dục” (Hòa Thuận Đông); “5 xây, 5 giảm” (Thuận Phước); “3 quản về ANTT” (Nam Dương); “2 phòng, 3 xây” (Bình Thuận).
 
Nội dung các mô hình đưa ra các quy định bắt buộc mọi gia đình, mọi công dân chấp hành, đồng thời đề cao ý thức cảnh giác, đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn trong cộng đồng dân cư. Đặc biệt, sự đóng góp ý kiến của nhân dân trong việc giám sát tình hình cho vay vốn của Hội Phụ nữ, sử dụng quỹ vì người nghèo của Mặt trận đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và công tác giảm nghèo ở địa phương; bàn bạc việc tham gia giám sát công trình đầu tư cộng đồng nhằm bảo đảm tiến độ thi công và nâng cao chất lượng công trình.

Năm 2007, 100% TDP của 13 phường đều tổ chức HNĐBND với khoảng 80% hộ gia đình tham dự và chất lượng hội nghị được nâng lên rõ rệt. Đã có 100% số hộ và khu dân cư đăng ký danh hiệu gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa và khu dân cư tiên tiến. Qua một năm nỗ lực phấn đấu đã đạt được kết quả: 32.799/36.072 gia đình văn hóa (đạt tỷ lệ 90,93%), 451/546 khu dân cư tiên tiến (đạt tỷ lệ 82,60%), 400/547 tổ dân phố văn hóa (đạt tỷ lệ 73,13%). Năm 2008, mô hình HNĐBND được chuyển giao cho UBND quận tiếp tục triển khai theo tinh thần Pháp lệnh Dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

Bài và ảnh: HOÀNG ANH

;
.
.
.
.
.