.

Ra đi rồi... lại về

.

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sinh ngày 11 tháng 11 năm 1924, là người con thứ 11 trong một gia đình có cha làm thợ may ở Đà Nẵng. Ông bắt đầu hoạt động âm nhạc từ năm 1940 trong nhóm tân nhạc. Sau ca khúc đầu tay “Trầu cau”, ông được đông đảo người yêu âm nhạc biết tới với bài “Đoàn Giải phóng quân” viết cuối 1945 và một nhạc phẩm nổi tiếng khác là “Mùa đông binh sĩ” được viết khoảng giữa thập niên 1940.

Biểu diễn liên khúc “Đoàn giải phóng quân” và “Đà Nẵng ơi, chúng con đã về” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. (Ảnh: V.T.L)

Thời kháng chiến, bằng cây đàn mandolin, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã sáng tác nhiều nhạc phẩm cách mạng nổi tiếng, trong đó có bài “Tuyên truyền xung phong” được chọn làm bài ca cho đội Thanh niên xung phong.

Những ngày đầu kháng chiến, thành phố Đà Nẵng thành lập Đội tuyên truyền xung phong, toàn đội viên nam. Phan Huỳnh Điểu viết bài ca chính thức cho đội. Ít lâu sau, đội có thêm đội viên nữ. Ông hứa sẽ viết thêm lời riêng cho chị em. Lúc đội làm lễ ra mắt trước công chúng, lẽ ra phải hát theo đúng giai điệu là:

Anh em thanh niên tuyên truyền xung phong chúng ta, thì số đội viên nữ hát là: Anh chị em thanh niên tuyên truyền xung phong chúng ta, với lý lẽ rằng tại sao chỉ có anh em mà không có chị em. Không theo ý tác giả, họ cứ tiếp tục hát như thế trong khi chờ đợi có phần lời ca dành riêng cho họ. Mãi đến lúc Phan Huỳnh Điểu viết lời ca cho đoạn 2 có câu “Các anh lên đường thi tài nam nhi. Chúng tôi là gái nhưng nào kém chi”, các chị mới vừa lòng hát đúng lời ca.

Đầu năm 1946, hưởng ứng việc chăm sóc chiến sĩ giải phóng quân khi mùa đông đến, Phan Huỳnh Điểu viết Mùa đông binh sĩ. Lúc đó, vốn lý thuyết âm nhạc ít ỏi, theo ông là điếc không sợ súng, nhạc sĩ dùng giọng la thứ cho giai điệu mềm mại, hơi buồn (vì thương nhớ chiến sĩ nơi biên cương), chẳng biết gì đến giọng thứ tự nhiên, thứ giai điệu hay thứ hòa thanh.

Minh Tâm, người bạn có chút ít vốn liếng âm nhạc cơ bản, chỉ dẫn ông về lý thuyết, bảo phải thêm một dấu điedơ (dièse - dấu thăng) vào nốt sol móc đơn ở cuối câu, để về kết trọn âm la, cho “oai” hơn, và thế là đúng luật. Ông cứ thế mà làm theo. Từ “Mi la si do si sol mi la” đổi thành “Mi la si do sol# mi la” (lời: Buồn vương đây đó chiến binh người ơi!).

Có lẽ trên bầu trời âm nhạc Việt Nam, Phan Huỳnh Điểu là người “điếc không sợ súng” nhất. Ông là “tay ngang”, thấy người ta soạn nhạc, ông cũng mày mò làm theo.

Cuối năm 1945, những đoàn quân lên tàu từ miền Bắc tiến về miền Nam. Tàu lửa thường dừng tại ga Đà Nẵng để lấy nước và củi. Tiếng hát từ các toa tàu vẳng xuống, khi thì hùng hồn, đằng đằng sát khí: “Tiếng súng vang sông núi miền Nam, ầm đất nước Việt Nam.
 
Ta muốn băng mình tới phương Nam, xé xác quân tham tàn...” (“Tiếng súng Nam Bộ” của Đỗ Nhuận). Khi thì khảng khái, quyết tâm: “A! Ta cùng nhau tiến không hề biết lùi. Da ngựa bọc thây, lòng này vẫn vui...” (“Cảm tử quân” của Hoàng Quý). Khi thì thiêng liêng, đanh thép: “Một ra đi là không trở về. Lòng tráng sĩ thề không nao núng...” (“Tráng sĩ ca” của Lương Ngọc Châu)...

Bấy giờ, mới tập tò sáng tác, tự cho mình là anh điếc không sợ súng, Phan Huỳnh Điểu tiếp nhận ý tưởng từ những ca khúc ấy và viết nên bài hát “Giải phóng quân” với lời: “Đoàn giải phóng quân một lần ra đi. Lòng có sá chi đâu ngày trở về...”. Sau khi bài hát lan truyền rộng rãi, có một số cán bộ, bộ đội gợi ý là phải chiến đấu thắng lợi trở về, chớ đâu như Kinh Kha “Sông Dịch thủy một đi không trở lại/ Quán biên thùy ấp ủ nỗi hờn đau” (kịch thơ “Quán Biên Thùy” của Thao Thao). Vì thế, khi sửa tên bài hát thành “Vệ quốc quân”, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đổi câu thứ hai thành: “Toàn thắng vinh quang ghi ngày trở về”!

Vào giữa năm 1965 ở chiến trường miền tây Quảng Nam, với bút danh Huy Quang, ông viết ca khúc “Ra tiền tuyến” (được xem là “Giải phóng quân II”), có đoạn: “Giết giặc giữ yên làng quê. Thắng lợi rồi, chúng ta sẽ về...”. Trong hồi ký, ông ghi: “Có kinh nghiệm từ bài Giải phóng quân, chuyến này trở về đàng hoàng, chắc sẽ được thông qua nhanh. Hát cho một cán bộ lãnh đạo nghe, ông ta khen giai điệu khỏe, hay, nhưng cái câu “Thắng lợi rồi chúng ta sẽ về!” thì e rằng vừa mới bước chân ra đi mà đã hẹn ngày về, như thế sợ người chiến sĩ không an tâm!”.

Lạ nhỉ! Ra đi không về thì bảo là bi quan, tiêu cực. Mà hẹn có ngày về thì lại bảo là không an tâm. Ông nghĩ và tự hứa nếu cần viết “Giải phóng quân III” thì sẽ có một điệp khúc: “Anh ra đi rồi anh lại về. Về rồi anh lại ra đi. Ra đi rồi anh lại về. Ra đi, lại về. Ra đi, lại về...”.

Như thế thì chẳng ai “bắt bẻ” gì được!

TRƯƠNG ĐÌNH QUANG

;
.
.
.
.
.