Những tia nắng hiếm hoi sau ngày mưa dường như vẫn không lấp nổi khoảng trống cố hữu giăng giăng trên chập chùng mồ mả. Có mấy người phụ nữ, khăn áo trùm kín mít từ đầu đến chân, bám theo chúng tôi: “Độ rày lên sớm để xem quét lại một lượt luôn hả anh? Có gì đợt này để tụi em nhận làm hết cho, không sót cái nào đâu!”. Tôi cảm trong giọng nói ấy là cái sự quen thuộc khi thấy những cán bộ của Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố đang len vào từng ngõ ngách của nghĩa trang thành phố.
“Ngôi nhà” của cô gái trẻ
Bà Lê Thị Kim Phước đang chăm những đứa trẻ tật nguyền tại Trung Tâm bảo trợ xã hội thành phố. |
“Nhà cửa, mình không kham nổi thì nhờ bà con, anh em. Bận quá thì kêu thợ thầy. Nhưng những người đã ra đi từ TT, thì còn có ai thân thuộc đâu ngoài những cán bộ, nhân viên và những trại viên. Thế là, cuối năm, khăn gói một xe bầu đoàn cùng với sơn vôi, đất cát lên làm mới lại những ngôi mộ. Để cho mọi người cảm thấy ấm lòng; không chỉ người đã khuất mà cả người sống nữa! Dù dài hay ngắn, coi như họ đã gắn cả đời với TT rồi” - Anh Độ chùng giọng.
Thế nên, khi những người đến lúc được gọi về cõi vĩnh hằng, thì TT đứng ra lo liệu chu đáo, từ khâu tẩm liệm đến tiễn đưa về nơi an nghỉ và cầu siêu cho linh hồn họ về với gia đình hoặc gửi nơi cửa Phật. Trong cái thời giá cả leo thang, mức kinh phí 2 triệu đồng cho mỗi trường hợp, cũng phải vun vén, co kéo cho đủ đầy. Nhưng không phải hàng trăm con người giã từ cõi vĩnh hằng tại TT đều cùng chung một số phận. Có người, lúc đưa vào TT không có ai đến chăm sóc, nhưng khi mất thì con cháu hàng hàng lũ lượt kéo đến; có cả ô-tô con đến rước đàng hoàng, lại còn yêu sách này nọ cho đủ lễ nghĩa. Cũng có người, qua giấc ngủ đến nghìn thu, chẳng có ai họ hàng tiễn biệt, ngoài những người đã thành “thân” của TT. Với họ, mỗi nén nhang, một vạch kẻ lên bia mộ là một tia nắng hiếm hoi trong ngày đông để sưởi ấm nỗi niềm...
Trong bộn bề những ngôi mộ và ngổn ngang tâm trạng ấy, chúng tôi dừng lại hơi lâu trước ngôi mộ cũng nhỏ bé, nằm lẻ loi giữa bạt ngàn những vươn cao, những sang trọng sáng bóng của các ngôi mộ bên cạnh. Tôi cúi xuống dòng chữ sơn vẫn còn hơi mới: Maria Lê Thị Kim H, sinh năm 1981, mất ngày 6-11-2006! Vậy là vừa tròn 2 năm sau ngày mất của cô gái bất hạnh mới bước sang tuổi 25. Có cái gì hơi đặc biệt chăng, mà các cán bộ của TT muốn tôi dừng lại hơi lâu bên thân phận này? Như thấu hiểu câu hỏi vừa mới chớm lên trong suy nghĩ của tôi, anh Độ lại một lần nữa giải thích: “Cả gia đình của cô gái này hiện đang ở TT; hay nói đúng hơn, TT là ngôi nhà của họ rồi!”. Lẽ nào thân phận của một cô gái trẻ lại chỉ quẩn quanh trong TT Bảo trợ xã hội, để rồi trở về nơi cát bụi mà chưa biết đến vòng quay cuộc đời? Những vòng khói hương như quấn quýt ngôi mộ, không chịu rời xa dù gió đông vẫn hun hút thổi trong nắng nhạt...
Biết bao giờ trở lại...
Thế rồi, dường như thân phận với những chìm nổi bấy lâu nay lắng xuống, đến khi có dịp lại được bà bung ra sau chỉ vài câu hỏi làm quen. Quê ở tận Quảng Bình, nhưng sinh ra tại Phú Bài, Thừa Thiên-Huế; lại do chiến tranh loạn lạc, 15 tuổi, cô gái Lê Thị Kim Phước đã phải dạt vào Đà Nẵng cùng với gia đình. Những tháng ngày bơ vơ nơi đất khách rồi cũng nuôi cô đến lúc trưởng thành, theo chị em đi làm công nhân ở đại công trường thủy nông Phú Ninh sau những ngày giải phóng. Những tưởng cuộc sống rồi ấm êm đến với cô gái tuổi đôi mươi sau khi lập gia đình, theo chồng đi kinh tế mới trên vùng đất cao nguyên.
Nhưng tại đây, khi đứa con gái đầu lòng Kim H. ra đời, cũng là lúc hạnh phúc gia đình đổ vỡ. Hai mẹ con lại dắt díu nhau về lại thành phố biển miền Trung với cuộc sống lang thang tạm bợ rày đây mai đó. Thành phố những ngày vừa mới qua thời tem phiếu, đang ngập ngừng trước ngưỡng cửa đổi mới cũng không giúp cho hai mẹ con được gì để thoát qua cơn túng bấn. Lại thêm một đứa con gái nữa ra đời trong cơn cùng cực đó mà không có bờ vai vững chãi nào của người đàn ông để dựa vào. Thế là tiếp tục lang thang với ly nước chè, gói thuốc vạ vật nơi góc đường.
Cán bộ Trung tâm bảo trợ xã hội thành phố chăm sóc phần mộ cho Kim H. |
Đến cuối năm 2006, nó tìm về lại TT thì lúc đó đang mang thai gần sinh. Sau khi sinh được đứa cháu gái thì cũng là lúc nó phát căn bệnh hiểm nghèo rồi “đi” luôn!” - Bà mẹ kéo vành nón che đôi mắt đang chực đỏ hoe. Những tháng ngày cuối đời ở TT, Kim H. mới thú thật về chặng đường phiêu dạt, lang thang tìm hy vọng đổi đời chốn rừng thiêng nước độc để rồi mang phải căn bệnh mà cho đến bây giờ, y học vẫn còn bó tay không chữa nổi. Còn bà, không chỉ bó tay để vuột mất đứa con gái đầu lòng, mà cũng đành phải để đứa cháu ngoại đầu tiên cho người ta nhận làm con nuôi, vì em của Kim H. vừa lúc đó cũng cho ra đời một đứa con gái nữa mà chẳng có ai chịu nhận làm cha. Nhưng tự trong thâm tâm, bà cũng muốn để cho cháu mình về với nhà người ta ở nước ngoài mong tìm một tia hy vọng đổi đời...
Bây giờ, đại gia đình bà gồm ba mẹ con và đứa cháu ngoại vừa chớm tuổi lên ba đã chọn TT là “ngôi nhà” của mình. Đứa con gái đã đi làm cho một doanh nghiệp may mặc, tối về ở lại Trung tâm; cậu con trai ở tuổi “bẻ gãy sừng trâu” thì chưa muốn đi làm, suốt ngày quẩn quanh bên mẹ với mong ước trở thành... cầu thủ bóng đá! An phận với công việc trợ giúp các cán bộ TT chăm sóc cho những đứa trẻ bị bỏ rơi, tật nguyền; vừa như để trả ơn những người cưu mang nhưng bà xem chúng như là cháu con của mình. Thế nhưng, le lói trong bà vẫn là hy vọng trở về với “đời”. “Tui mong chi có được một chỗ chui ra chui vô, rồi đi làm thuê làm mướn nuôi tụi nhỏ tiếp tục lớn thêm chút nữa để bay nhảy với người. Chứ sống miết trong ni thì khó cho mình mà cũng khổ cho TT” -Bà thật thà thổ lộ.
Mang tâm sự của bà Phước trao đổi với ông Nguyễn Đức Liên, Giám đốc TT Bảo trợ xã hội; ông Liên cho biết, cũng đã nhiều lần hỗ trợ và can thiệp để gia đình bà Kim Phước trở về với cộng đồng, nhưng không có địa phương nào chấp nhận; vì gia đình bà đã đi khỏi nơi cư trú từ lâu mà lại chẳng có giấy tờ tùy thân cũng như bà con thân thuộc. Đành bó tay!
Chợt nhớ tới ngọn gió chiều đông quẩn quanh trên ngôi mộ bé nhỏ của cô gái bất hạnh Kim H. Cứ rối bời...
Phóng sự của NGUYỄN THÀNH