.
TẠI KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA XII, ĐOÀN ĐBQH THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG:

Đề nghị xác định lại quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội cả nước, quy hoạch vùng

.

* Cần bảo đảm tính minh bạch trong quản lý nợ công

Ngày 5-11, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Quốc hội thảo luận ở hội trường việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn Nhà nước ở các bộ, ngành, địa phương từ năm 2005 đến 2007.

Đại biểu Nguyễn Bá Thanh phát biểu thảo luận tại hội trường.

Tham gia thảo luận, đại biểu (ĐB) Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng, đề nghị Chính phủ phải xác định lại quy hoạch tổng thể về kinh tế -xã hội của cả nước, quy hoạch vùng và quy hoạch ngành. Theo ĐB, đến nay vấn đề quy hoạch vẫn còn hết sức rối rắm, do vậy, nếu làm tốt công tác này thì chắc chắn sẽ không có “hội chứng” nhà máy đường, nhà máy bia, nhà máy xi-măng lò đứng, khu công nghiệp và nơi nào cũng có cảng, sân bay… Không chỉ vậy, ĐB cho rằng, sắp đến sẽ còn có “hội chứng” nhà máy thép và nhà máy đóng tàu, nếu bố trí không hợp lý sẽ gây ô nhiễm môi trường mà các thế hệ con, cháu chúng ta sẽ trả giá đắt.

Theo ĐB Nguyễn Bá Thanh, cần phải nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch và thiết kế các công trình, đặc biệt ở khâu thẩm định. Thất thoát lớn nhất không phải ở chỗ công trình bị ăn cắp vài cây sắt, mấy bao xi-măng, mà là việc nhà thầu móc ngoặc với đơn vị tư vấn thiết kế, từ đó nâng giá trị xây lắp lên cao hơn mức bình thường.
 
ĐB dẫn chứng: “Có một số tuyến đường đi xuyên qua núi rừng, cơ quan thiết kế trình lên cơ quan thẩm định tính toán lại bớt đi vài tỷ đồng cả tuyến đường dài hàng mấy trăm tỷ, ở giữa rừng sâu ai đi đến mà kiểm tra. Thế là móc ngoặc với nhà thầu, mà đằng sau nhà thầu lại có những công ty sân sau, cứ thành cái dây như vậy. Đây là thất thoát lớn nhất”. Để khắc phục tình trạng này, ĐB đề nghị cần thay đổi lại phương pháp thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với lĩnh vực xây dựng cơ bản và xử lý nghiêm minh.

* Cũng trong ngày 5-11, tham gia thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quản lý nợ khu vực công, ĐB Nguyễn Thị Mỹ Hương (Đà Nẵng) kiến nghị giao thêm nhiều quyền liên quan đến lĩnh vực này cho Quốc hội. ĐB Hương cho rằng, cần  bảo đảm nguyên tắc thống nhất về mặt quản lý, tập trung về một đầu mối.

Cần quy định Bộ Tài chính là cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm trong việc vay và phát hành bảo lãnh, không nên quy định đến 3 đơn vị đứng ra đàm phán, ký kết các thỏa thuận vay với nước ngoài, vì làm như vậy sẽ gây ra phân tán và không bảo đảm hiệu quả trong việc quản lý nợ công. Cần  bảo đảm được sự minh bạch và tính chịu trách nhiệm trong hoạt động quản lý nợ công, quy định những thông tin cần công khai ra công chúng là những thông tin gì, quy định mục tiêu của chiến lược nợ công, trách nhiệm cụ thể của từng đối tượng, từng người, từng thành viên tham gia vào hoạt động quản lý nợ công, đồng thời phải có báo cáo phân tích về chi phí và rủi ro của thực trạng nợ công của năm hiện tại.

Về chỉ tiêu an toàn nợ công, ĐB đề nghị cần quy định cụ thể tỷ lệ nợ công trên GDP tối đa, hạn mức vay tuyệt đối, tổng mức nợ nước ngoài tối đa, tổng mức nợ trong nước tối đa. Để bảo đảm cơ chế kiểm soát hoạt động nợ công hiệu quả, ĐB đề nghị phải bổ sung thêm nhiệm vụ cho Quốc hội là phê duyệt chiến lược quản lý nợ, chiến lược nợ công thời kỳ trong hạn. Ngoài ra, ĐB cũng đề nghị Quốc hội phải phê duyệt kế hoạch bảo lãnh nợ của Chính phủ cho các tổ chức trong nước theo kỳ dự toán ngân sách hằng năm.

HỮU HOA

;
.
.
.
.
.