Sáng 3-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Bồi thường Nhà nước (BTNN). Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố Đà Nẵng tham gia thảo luận cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh Thái Nguyên, Lào Cai, Quảng Nam.
Nhiều ý kiến phát biểu của các ĐBQH đều đề nghị cần nghiên cứu, đưa ra tên gọi của luật sao cho dễ hiểu, khi tổ chức thực hiện sẽ thuận lợi hơn. Các ĐB nhất trí cho rằng, việc ban hành luật này là cần thiết, phù hợp với bản chất của chế độ ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân; cơ quan Nhà nước, cán bộ Nhà nước gây ra oan sai cho dân thì phải có trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên, các ĐB nhận xét, dự thảo luật xây dựng vẫn còn những khiếm khuyết, nên cần có thời gian để hoàn chỉnh, nếu cần thì giãn ra, chưa vội thông qua ở kỳ họp thứ 5 sắp đến, cần thiết thì lấy thêm ý kiến nhân dân về luật này.
Tham gia thảo luận, ĐB Huỳnh Nghĩa, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng, thống nhất với quan điểm của đa số thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về phạm vi điều chỉnh của Luật BTNN, quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với các thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra ở cả 3 lĩnh vực hoạt động chủ yếu của Nhà nước là quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án. Theo ĐB, không nên tách việc bồi thường trong tố tụng hình sự ra khỏi luật này và xây dựng thành một luật riêng, vì không cần thiết.
ĐB Huỳnh Ngọc Sơn (Đà Nẵng) nhấn mạnh sự cần thiết phải ban hành Luật BTNN khi cho rằng, trong cuộc sống bình thường nếu công dân này có hành vi gây thiệt hại (về tài sản, sức khỏe…) cho người khác thì trước tiên là phải xin lỗi, rồi thương thảo việc bồi thường, thực hiện bồi thường theo thỏa thuận đôi bên. Dự thảo luật chưa thể hiện thật rõ nguyên tắc cơ quan Nhà nước làm sai thì phải xin lỗi, bồi thường cho nhân dân. ĐB nhấn mạnh, thông qua việc bồi thường này cũng nhằm mục đích nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm của những người thực thi pháp luật; không thể chấp nhận tình trạng cứ phán xét, gây ra oan sai cho công dân rồi nhởn nhơ, mà phải chịu trách nhiệm về quyết định đó.
Theo ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên), quy định tại Điều 16 dự thảo luật về 11 trường hợp được BTNN trong hoạt động quản lý hành chính Nhà nước là chưa bao quát hết tất cả các quyết định hành chính mà các cơ quan Nhà nước ban hành trong thực tế hoạt động quản lý Nhà nước.
Do vậy, ĐB đặt vấn đề là tại sao đối với những quyết định hành chính được liệt kê tại Điều 16 thì được bồi thường, còn những quyết định hành chính khác thì không được bồi thường? Đối với án dân sự, xét xử qua nhiều cấp, phải hủy lên hủy xuống nhiều lần thì việc xác định cấp nào sai là rất khó khăn. ĐB cho rằng, chất lượng xây dựng luật này chưa cao, cần dừng lại, làm lại cho thật kỹ, thật đầy đủ mới đưa ra Quốc hội.
HỮU HOA