.
THẢO LUẬN DỰ THẢO LUẬT BỒI THƯỜNG NHÀ NƯỚC, ĐOÀN ĐBQH THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG:

Đề nghị mở rộng phạm vi bồi thường Nhà nước trong lĩnh vực hoạt động quản lý hành chính

.

(ĐNĐT) - Ngày 8-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật bồi thường Nhà nước dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy phát biểu tại hội trường.
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng đây là dự án luật hết sức quan trọng và phức tạp, tác động đến toàn bộ hệ thống các cơ quan nhà nước, nhưng công tác tổng kết thực tiễn chưa nhiều, mới chỉ dừng lại ở mức độ đánh giá bước đầu. Theo ĐB, việc quy định trách nhiệm bồi thường Nhà nước trong tất cả các lĩnh vực hoạt động quản lý nhà nước, tố tụng, thi hành án vào một luật là chưa phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp. Mọi hoạt động của cán bộ, công chức đều tiềm ẩn những nguy cơ sai phạm một cách cố ý hoặc vô ý, ngoài việc không tuân thủ pháp luật còn có việc lơ là, thiếu trách nhiệm, do đó rất cần có luật để điều chỉnh vấn đề này.

Theo ĐB, những nội dung trong dự thảo chưa bảo đảm được sự cân bằng, hợp lý giữa mục tiêu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại với mục tiêu bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý Nhà nước, cũng như việc giúp Nhà nước phòng ngừa vi phạm pháp luật từ phía cơ quan, tổ chức.

Về phạm vi trách nhiệm bồi thường Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, theo ĐB, hoạt động này có phạm vi rất rộng, các loại quyết định hành chính, hành vi hành chính rất đa dạng và phong phú. Việc thu hẹp hay mở rộng phạm vi đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định, nhưng nếu quy định phạm vi quá thu hẹp qua việc liệt kê 11 loại công vụ như Điều 16 là chưa phù hợp, thiếu thống nhất và còn trùng lặp với quy định ở các luật khác, dễ dẫn đến tình trạng thiếu cân bằng, tạo ra sự xung đột về lợi ích của các nhóm chủ thể khác nhau, làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung. ĐB đề nghị nên mở rộng phạm vi bồi thường Nhà nước trong lĩnh vực hoạt động quản lý hành chính, bằng cách rà soát đối chiếu với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để bổ sung cho đầy đủ hơn, có như vậy thì người dân, doanh nghiệp mới được phục vụ tốt hơn, trung thực hơn, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và từ đó bộ máy của chúng ta cũng sẽ tinh lọc được những cán bộ, công chức có trình độ năng lực thực chất.

ĐB cho rằng dự thảo chưa xác định rõ phạm vi xảy ra thiệt hại chỉ ở trong nước hay kể cả xảy ra ở nước ngoài. Chẳng hạn, cán bộ, công chức đi công tác ở nước ngoài gây thiệt hại thì có đặt vấn đề bồi thường Nhà nước hay không?

Về trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ, theo ĐB thì trách nhiệm bồi thường Nhà nước và trách nhiệm hoàn trả nếu không được xử lý một cách hài hòa sẽ ảnh hưởng đến sự chủ động, linh hoạt trong thi hành công vụ, cũng như tính ổn định của hoạt động quản lý Nhà nước. Ở nước ta chưa thực hiện chế độ bảo hiểm công vụ để bảo hiểm thanh toán. Do đó, ĐB đồng ý về nguyên tắc là người thi hành công vụ có lỗi, gây thiệt hại thì phải có trách nhiệm hoàn trả.

HỮU HOA

;
.
.
.
.
.