.

Tịch hiệp thiên hà tẩy chiến trần

LTS: Trong 3 ngày 25, 26, 27 tháng 11 năm 2008, tại Quảng Ninh sẽ diễn ra cuộc Hội thảo về Trần Nhân Tông - vị vua anh minh, vĩ đại, để lại nhiều dấu ấn nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Trần Nhân Tông sinh ngày 7-12-1258. Khi nhỏ, vua cha Trần Thái Tông đặt tên ông là Khâm - với nghĩa Khâm thử - để nối nghiệp sau này. Ông xin xuất gia không được, đành phải lên ngôi vào năm 1278. Ông nhường ngôi cho con Trần Anh Tông năm 1293 để đi tu, và lập ra phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử vào năm 1298. Từ đó có tên gọi là Điều Ngự Đầu Đà – dân gian vinh thăng, gọi ông là Điều Ngự Giác Hoàng. Trần Nhân Tông viên tịch vào ngày 1-12-1308.

Ông có 3 người con, trong đó, công chúa Huyền Trân là con gái độc nhất được gả cho Chế Mân năm 1306. Sính lễ của Chế Mân là hai châu Ô, Lý - từ nam sông Thạch Hãn, Quảng Trị tới bờ bắc sông Thu Bồn, thuộc huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ông là vị vua duy nhất đã hai lần đánh thắng quân Nguyên Mông - điều mà trên thế giới không ai làm được. Trong lịch sử thế giới hiếm có vị vua nào tự nguyện rời ngai vàng năm 35 tuổi.

Báo ĐÀ NẴNG xin giới thiệu bài viết sau nhằm giúp bạn đọc hiểu biết thêm về Trần Nhân Tông, vị vua vĩ đại cuối thế kỷ XIII.

Năm 1289, trong bài thơ tặng Lý Tư Diễn, sứ thần Nguyên Mông, Trần Nhân Tông viết: Tịch hiệp thiên hà tẩy chiến trần. Kéo cả dải ngân hà về để rửa sạch mọi oán hờn, khổ đau và mâu thuẫn từ chiến tranh. Có lẽ, đây là câu thơ hay nhất, đúng nhất đối với “tâm trạng của một dân tộc” mà hàng ngàn năm qua, thời gian lầm than, tiến hành chiến chinh giữ nước bao giờ cũng dài lâu hơn gấp bội phần lịch sử dựng nước.

1- Câu chuyện đáng bàn thứ nhất là việc Trần Nhân Tông tha hết những kẻ hàng giặc bằng cách cho đốt hết mọi lá thư đầu hàng để xóa bỏ nghi kị, lo sợ. Không ít ý kiến băn khoăn - kể cả người đang viết những dòng này, rằng làm như thế có khác gì tha hết cho mọi điều giả trá, làm sao phân định nổi đúng sai? Nói cách khác, cách làm của Trần Nhân Tông đã xóa nhòa mọi sự trắng đen, khiến cho người ngay phiền lòng, kẻ dối gian nhát hèn mừng rỡ!

Uẩn khúc này suốt 700 năm qua luôn là một đầu mối của thị phi, nhức nhối. Chúng ta đồng tình với vế thứ nhất của sự băn khoăn đó của lịch sử. Nhưng còn vế thứ hai, thứ ba liên quan đến chiến cuộc, thế thời, lòng người là điều nên hiểu và phân tích một cách kỹ càng.

Ai cũng biết chiến tranh luôn là “kẻ tội đồ” khủng khiếp nhất của một dân tộc bởi nó đảo lộn mọi giá trị, nó có thể dìm chết cả một nhân cách trong phút giây yếu đuối, ngã lòng; thậm chí, nó có thể tàn hại nhiều cuộc đời một cách tàn nhẫn. Thêm nữa, Trần Nhân Tông đã làm cái việc ít ai làm nên mong muốn đồng thuận là điều cực khó. Số người đã hành xử như Trần Nhân Tông trong lịch sử chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Xin đưa ra một dẫn chứng.

Tháng 7-1863, trận chiến khủng khiếp ở Gettysburg trong cuộc nội chiến của Mỹ (1861-1865) đã làm chết 7.000 người của cả hai phe cách mạng và phản cách mạng. Tổng thống Abraham Lincoln đã làm điều chưa hề có tiền lệ trong lịch sử nước Mỹ là ông cho chiêu tập thi hài của cả hai phe để xây dựng thành Nghĩa trang Quốc gia. Trong lễ khánh thành nghĩa trang, A. Lincoln đã đọc bài diễn văn nổi tiếng: Chúng ta có mặt ở đây để đoan quyết rằng cái chết không bao giờ là vô ích; rằng dân tộc này, sẽ hồi sinh bởi tự do; rằng sẽ có một chính quyền của dân, do dân và vì dân sẽ tồn tại mãi mãi trên trái đất này.

Đối với người Việt Nam, hành động của Tổng thống Mỹ chỉ là tiếp nối điều mà Trần Nhân Tông đã làm, 600 năm sau! Tổng thống Mỹ đã tha thứ cho tất cả mọi lỗi lầm của những kẻ lầm lạc bởi ông biết đó là cách tốt nhất để xóa bỏ hận thù, hàn gắn những vết thương chiến tranh để cho nỗi đau của dân tộc mau lành, sự chia rẽ chóng được hàn gắn vì mục tiêu thống nhất, mạnh giàu. Quan niệm đó sẽ còn được Lincoln tiếp tục khi 20 vạn tù binh miền Nam đầu hàng đã được ông tha bổng và, không cho binh sĩ tổ chức ăn mừng chiến thắng bởi những người bại trận là đồng bào của các anh.

Cách nhau 600 năm sống, nửa vòng trái đất, tại sao Trần Nhân Tông và Tổng thống Mỹ lại tìm được sự đồng cảm mà 5.000 năm lịch sử điêu tàn, vinh quang của nhân loại không còn ai dám làm như thế? Phải chăng khi chúng ta phê phán, ta đã xem xét trái tim của các bậc vĩ nhân bằng cách nghĩ cạn nông và thiển cận của chính mình? Cả Trần Nhân Tông và Lincoln đều biết rất rõ rằng không thể nào xóa tan được mây đen của hận thù nếu người chiến thắng cứ “sỉ nhục” kẻ chiến bại theo cách này hay cách khác.

Trong tác phẩm nổi tiếng “Thằng Ngốc” của Dostoevski, nhân vật chính chỉ trở thành kẻ ngu ngốc khi cứ cố tình nhìn thấy sai lầm của người khác - một tiểu thư con nhà quyền quý làm đổ ly nước trà, vấy bẩn khăn bàn. Xem ra, dù là làm đổ một ly nước trà hay tội ác trong chiến tranh, cách nhìn của người thắng, người đúng là giống nhau: Có muốn nhìn thấy nữa hay không sai lầm khó tha thứ của kẻ ngu dốt, lầm lạc? Đó là chưa muốn nói rằng, trong cuộc đời, có thể tha thứ cho một sai lầm, nhưng không thể quên...

2- Quan niệm vì cái chung, vì xã tắc, sơn hà; phải gác lại mọi tình riêng, bon chen lợi phàm ích kỷ là Tư tưởng xuyên suốt của Trần Nhân Tông. Với cách quan niệm này, Trần Nhân Tông đã “tịch hiệp thiên hà” ngay cả trong thời bình. Sau khi từ giã ngai vàng cao sang, về xem lại cuốn sổ phong quan của vua con Trần Anh Tông, Trần Nhân Tông đã đau đớn và phẫn uất mà thét lên rằng Đất nước bé bằng bàn tay, quan nhiều như thế, dân làm sao sống nổi?.

Trần Nhân Tông biết không thể tịch hiệp một cách chung chung. Dân vi quý, quân vi khinh là điều người xưa đã dạy. Đất nước điêu linh, tương tàn, dân đen khổ lắm. Nếu các vị quan lớn, quan to và cả vua nữa không nhìn thấy hết lẽ đời khổ tận, vất vả thì làm sao có thể hòa đồng cùng dân? Xét từ góc độ của Hội nghị Diên Hồng thì cách mà vua con Trần Nhân Tông làm, là đã chà đạp lên những giá trị đồng lòng mà Trần Nhân Tông đã cam kết, thề nguyện với bô lão cả nước.
 
Làm sao có thể thăng quan, tiến chức thật nhiều cho một tầng lớp đặc quyền trong khi dân vẫn còn bữa đói, bữa no? Thành quả từ chiến thắng người dân phải có quyền hưởng chứ không thể là vinh quang, đặc quyền của bất cứ tầng lớp nào. Nếu như trong việc đốt thư hàng giặc, Trần Nhân Tông đã “vi phạm nguyên tắc” của hiếu, của trung thì trong trường hợp thứ hai này, ông đã đề cao nó lên đến mức tận cùng. Nếu ta cho rằng quan niệm ấy thiếu nhất quán là đã thật sự sai lầm. Cả hai cách làm ấy tuy khác nhau nhưng đều vì một lẽ đương nhiên là nghĩ rộng, nghĩ sâu đến dân, đến nước. Tìm trong các thư tịch cổ, biện giải trên là hoàn toàn chính xác.

Ngô Thì Sĩ chép rằng: Vua đi chơi... răn bảo những người ấy (vệ sỹ) không được quát mắng các gia nô. Tại sao một vị vua mà lại hiểu rất rõ rằng ngay cả vệ sỹ thôi, vẫn có thể hành dân đủ cách, đủ đường huống chi là quan? Nếu có răn đe quan lại thì cách răn đe của Trần Nhân Tông là diệu tuyệt của lòng nhân. Không phải tự nhiên mà Trần Nhân Tông lấy pháp danh là Điều Ngự Đầu Đà - người đời gọi là Điều Ngự Giác Hoàng (Người theo hạnh đầu đà điều hòa và chế ngự được tâm.
 
Đầu Đà (Dhuta) nghĩa là rũ sạch ba loại tham về: áo quần, nơi ở, thức ăn). Điều Ngự hay Giác Hoàng là những tên gọi khác nhau của Phật. Mang tên ấy phải là người thường mặc quần áo bằng thứ vải người ta vất đi (phẩn tảo y); chỉ ăn cơm trong (một) bát của chính mình; ngủ trên đồng cỏ, không cần cả bóng cây, mỗi ngày ăn một bữa trước chính ngọ... (Còn nữa)

HÀ VĂN THỊNH

;
.
.
.
.
.