.

Trống màu tươi non

.

Dù trong tháng 9-2008, UBND thành phố giao Công ty Cây xanh và Sở Giáo dục - Đào tạo phối hợp trồng đồng loạt gần 900 cây xanh tại 17 trường THPT trong thành phố, nhưng bóng mát và màu xanh cũng vẫn được coi như... “của hiếm”.

Chỗ nào tránh nắng?

Theo nhận xét của nhiều Hiệu trưởng, cây xanh sẽ giúp không gian trường trở nên trong lành, thân thiện, làm dịu thần kinh cho học trò lẫn thầy cô giáo.

Tại một số trường THPT, nhiều học sinh đi học sớm, hoặc nghỉ giữa giờ chỉ dám đứng nép bên hành lang lớp học, hoặc trốn nắng dưới mái vòm nhà xe, túm tụm dưới bóng mát hiếm hoi đơn độc trong sân trường. Trường Phan Châu Trinh (cơ sở mới) được xây dựng từ 3 năm nay, và cây lớn nhất chỉ cỡ khoảng ngang ngang cửa lớp, chưa tạo được bóng mát đáng kể. Bà Lê Thị Thu Hà, Phó Hiệu trưởng cho biết:

“Sự thiếu hụt cây và bóng mát một phần do khi thiết kế kiến trúc trường không chú ý nhiều đến việc chừa diện tích trồng cây. Họ chừa ô nào, chúng tôi trồng ô nấy, chứ không thể đào thêm hố không đúng với thiết kế”. Trường THPT Thanh Khê (quận Thanh Khê) dù trong thiết kế đã tính toán, phân bố chỗ trồng cây rất hợp lý (khoảng 6m2/cây - P.V), nhưng vì cây chưa kịp lớn trong vòng hai năm, nên bóng mát vẫn im lìm.

Tồn tại trên hai mươi năm, Trường THPT Nguyễn Trãi (quận Liên Chiểu) cũng trong tình trạng tương tự như trên. Hiệu trưởng Trương Như Phơ giải thích: “Trường làm nền mới (cao hơn nền cũ 1m - P.V), phải chặt hết những cây nhỏ. Đợt bão số 6 cách đây hai năm cũng làm gãy đổ gần hết những cây to vào hàng cổ thụ”. Thống kê chưa đầy đủ từ một số trường THPT cho thấy, diện tích bóng mát của mỗi trường chỉ vào khoảng 7 - 10% diện tích sân trường. Bên cạnh đó, theo thông tin từ Sở Giáo dục - Đào tạo thành phố Đà Nẵng, 2 trường THPT Diên Hồng, Quang Trung đã không đề xuất nhận cây từ dự án trồng cây các trường THPT vào tháng 9 qua, do “diện tích sân trường quá hẹp, khó trồng cây”.

Thiếu kinh phí: thiếu cây


 

Hiệu trưởng Trường PT Dân lập cấp I, II, III Hermann Gmeiner - ông Nguyễn Đình Vĩnh:

“Không phải mua cây, mà còn... cho cây”. Với diện tích cây xanh vào khoảng 60% diện tích trường, trường nằm trong số rất ít các trường không xin cây phân bổ từ UBND thành phố tháng 9 vừa qua.

Các cây lâu năm của chúng tôi trở thành cây giống cho ra vô số cây con. Số cây con được trồng thêm ở sân trường hoặc tặng nhiều trường khác trong thành phố. Chúng tôi chủ trương mở tất cả sân cỏ, vườn cây để học sinh thoải mái vui chơi, chạy nhảy, vừa rèn luyện thể lực, vừa thân thiện với cây xanh và môi trường.

 
Thiếu kinh phí là lý do đầu tiên và quan trọng nhất khiến các trường không thể chủ động trong các khoản chi cho cây xanh. Theo Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Khê - ông Võ Văn Khánh: “Dù chúng tôi rất muốn trồng những cây “đón đầu” (cây đã có bóng mát - P.V) để lấp bớt những khoảng nắng, nhưng không đủ kinh phí. Chi phí để phủ xanh của trường nằm trong giới hạn cho phép, chủ yếu nhờ nguồn xã hội và tài trợ của thành phố”.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thúy, chuyên viên Phòng Giáo dục trung học , Sở Giáo dục - Đào tạo Đà Nẵng, nhận xét: “Mỗi trường có quá nhiều khoản phải chi, nên chi phí cho trồng cây hẹp lại, dù các trường đều rất có ý thức. Hơn nữa, khi đã có cây, họ lại gặp trở ngại về tiền công chi trả cho người làm vệ sinh, chăm bón, tưới nước...”.

Cũng theo thực tế bà Thúy đưa ra, có trường trồng đi trồng lại mà cây vẫn chết hoài vì không phù hợp thổ nhưỡng; đất một số nơi thuộc loại ngập úng, mà bản thân trường không đủ chuyên môn và thời gian để tìm cho ra loại cây thích ứng... Thành ra, mảng cây xanh ở các trường học gần như bị bỏ lửng, trước khi có kế hoạch trồng cây tại 17 trường THPT do UBND thành phố chủ trương thực hiện. Tuy nhiên, với độ tuổi cây trồng từ 2 - 3 năm, các Hiệu trưởng cho rằng, phải mất chừng 5 - 10 năm nữa, bóng mát của số cây trên mới bắt đầu tỏa khắp và phát huy tác dụng (che nắng, chắn gió...).

Xoay xở phủ xanh

Trước đó, trước khung cảnh trống trải của sân trường mình, nhiều trường đã xoay xở trồng cây theo nhiều cách. Theo bà Lê Thị Thu Hà, ban đầu, trường “chữa cháy” bằng cách trồng cây trong các chậu kiểng. Trường THPT Nguyễn Trãi hai năm nay đều huy động nguồn cây keo lá tràm từ Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu. Trường THPT Thanh Khê đang tính tới việc xin hoặc mua cây xanh to của các cơ sở bị giải tỏa. Nhiều chương trình khác cũng đang được áp dụng và được học sinh hưởng ứng, tham gia nhiệt tình như: mỗi lớp trồng một cây trước cửa, Đoàn Thanh niên tham gia trồng cỏ, cây dây leo, trang trí lớp học bằng các chậu hoa...

 

Từ 18 đến 22-9-2008, Công ty Cây xanh phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo trồng 853 cây phượng vĩ, muồng tím, lim xẹt tại 17 trường THPT trong thành phố. Trước đó, tháng 5-2008, Hội Bảo vệ thiên nhiên - môi trường Đà Nẵng cũng trồng 502 cây tại 7 trường tiểu học và THCS.

 

Bài và ảnh: H.V

;
.
.
.
.
.