.

Trống những khoảng xanh

.

Hơn mười năm phát triển, nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố (TP) Đà Nẵng sau khi mở rộng và nâng cấp, chủ đầu tư đã không tính đến hạng mục trồng cây xanh trong quy hoạch kiến trúc, cảnh quan, nên sau khi hoàn thành, hai bên lề đường hầu như vắng bóng cây xanh.

Một góc đường Bạch Đằng, có cây xanh nhưng thiếu bóng mát
Đó là những con đường như Lê Duẩn, Ngô Quyền, Trường Chinh hay Hùng Vương… Một số tuyến đường chỉ chú ý đến trồng hoa cảnh ở dải phân làn như Điện Biên Phủ, Nguyễn Hữu Thọ hay chỉ trồng ban đầu chứ không chăm sóc và duy trì như đường Nguyễn Tất Thành, Trần Hưng Đạo, Hàm Nghi, Nguyễn Lương Bằng…
 
Đặc biệt, đường Nguyễn Văn Linh sau khi chặt hạ một số cây hoa sữa nặng mùi đã không có biện pháp mới hữu hiệu dẫn đến hiện tượng lõi chõi, lồi lõm về không gian chiếu đứng của cây xanh. Còn ở khu chung cư, khu công nghiệp mới, tình cảnh còn bi quan hơn khi chẳng thấy bóng dáng của cây xanh như khu chung cư Vũng Thùng, KCN Thọ Quang, Hòa Khánh…

Mật độ che phủ ngày càng giảm

Nhiều người dân để có được bóng mát trước nhà đã trồng cây một cách tự phát, khiến đường phố càng trở nên nhếch nhác như trên đường Âu Cơ, Tôn Đản… Chúng ta cũng từng thấy nhiều cây xanh trên đường Lê Duẩn, Bạch Đằng trong các dịp lễ, Tết đã không còn khả năng sống khi bị hàng loạt dây điện nháy mắc lên, khiến cây đã èo uột nay càng khẳng khiu hơn.

Mặt khác, các giải pháp tận dụng hoặc dịch chuyển cây xanh sẵn có trên đường đã không được các đơn vị tư vấn, thi công chú trọng nên hàng loạt cây xanh bị đốn hạ, khiến mật độ che phủ ngày càng giảm. Trong một chuyến công tác tại Đà Nẵng, Ths. KTS Lã Kim Ngân, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị-nông thôn thuộc Bộ Xây dựng cho rằng:
 
“Dưới góc độ nhà kiến trúc quy hoạch tôi cũng nhận thấy rằng Đà Nẵng dường như đang trong quá trình bê-tông hóa đô thị, đang mất dần những khoảng trống trong đô thị-những không gian xanh. Nơi tiếp xúc với biển nên chăng là những dải vườn hoa nhẹ nhàng, những thảm cỏ xanh mát đan xen vào những hàng cây xanh…”. Ngoài ra, các nhà quy hoạch đã không tính toán đến điều kiện cần và đủ để cây xanh có thể sống và phát triển. Trên một số tuyến đường chính, cây trồng mới khó có thể phát triển khi bên dưới là hệ thống cống nước, cáp ngầm, phía trên là lưới điện chằng chịt…

Theo số liệu điều tra mới nhất của Công ty Cây xanh Đà Nẵng (CTCX), bình quân cây xanh trên đầu người ở TP Đà Nẵng là 0,62m2 cây xanh/người (tính riêng cho cây xanh đường phố) và đạt 2,43m2/người (tính cho cây xanh toàn TP) với số lượng 105.000 cây xanh các loại được phân bổ ở tất cả các quận, huyện. Để đạt được chỉ tiêu của TP đến năm 2010, bình quân cây xanh trên đầu người đạt 4-5m2/người và 8-10m2/người vào năm 2020, thì mỗi năm cần phải trồng thêm 15.000 cây xanh. Nhưng chỉ tiêu đó xem ra khó có thể thành hiện thực.

Việc trồng cây mới chỉ đạt chưa đến 50%

Việc cắt tỉa cây xanh ở những bồn hoa trong thành phố đã góp phần làm đẹp thêm mỹ quan đô thị.

Qua khảo sát của chúng tôi, Đà Nẵng có khoảng 80 chủng loài, trong đó hơn 50% là cây tạp (vú sữa, mận, trứng cá, bồ đề…). Sự hỗn tạp được thể hiện rõ nhất trên đường Trần Phú có đến 27 loài khác nhau, còn lại là đường Hải Phòng, Triệu Nữ Vương, Trần Cao Vân, Hà Huy Tập, Nguyễn Du, Hoàng Diệu… cũng thiếu sự đồng bộ trong việc chuẩn hóa cây xanh đường phố. Những con đường như Ông Ích Khiêm, Quang Trung hay Lý Tự Trọng, Trần Phú, Phan Bội Châu… may mắn còn giữ được màu xanh của những tán cây cổ thụ thuộc họ phượng, xà cừ. 

Sáng ngày 25-10, rất nhiều cây phượng lâu năm trên đường Lê Lợi trước Sở VH-TT&DL đã bị các đơn vị thi công chặt trụi cành lá đến sát thân. Một cán bộ làm việc tại sở này tiếc nuối: “Việc chặt hạ dựa trên cơ sở chỉnh sửa là hợp lý, nhưng để các cây này phát triển như lúc đầu thì cả một thời gian dài, thành phố cần lên một kế hoạch chặt hạ hoặc tỉa cành hợp lý và đồng bộ”.

Theo CTCX, thời gian gần đây, bình quân mỗi năm TP đầu tư trồng mới khoảng 7.000-8.000 cây xanh, trong đó công ty trồng khoảng 2.000 cây, số còn lại được phát triển từ các dự án khác. Như vậy, so với mục tiêu năm 2010, việc trồng cây mới chỉ đạt chưa đến 50%.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng, Giám đốc CTCX cho biết: “Năm 2008, thành phố đã duyệt cấp 1,5 tỷ đồng cho chương trình cây xanh TP. Để thực hiện điều này, chúng tôi đã tiến hành chặt hạ những cây bị sâu bệnh, mục gốc, cây tạp ở 34 tuyến đường, trồng mới 1.650 cây xanh ở 53 tuyến đường thuộc 6 quận nội thành; quản lý, bảo dưỡng hơn 27.000 cây xanh, khoảng 15.000 cây trổ hoa, 17.634m2 thảm hoa và 172.3892 thảm cỏ…
 
Ngoài ra, công ty còn xây mới khoảng 2.500 bo viền trồng hố cây, trồng thực nghiệm 18.000 cây sò đo cam, lim xanh, bang biển… để tăng sự đa dạng về chủng loài”. Hệ thống vườn ươm Hòa Ninh, Hòa Thọ đã sản xuất được gần 40.000 cây xanh các loại gồm sao đen, viết, muồng tím, hoàng linh, muồng kim phượng…

Để đạt được mục tiêu của đề án “TP môi trường”, Đà Nẵng còn rất nhiều việc cần phải làm để có thể phủ xanh được TP. Như ông Stephen Adrian Ross, quyền Giám đốc Quỹ Tài nguyên Facility từng nói "TP môi trường” phải là "TP có khả năng sống”, trở thành nơi tốt hơn để sống đối với người dân và du khách".

 
Đà Nẵng dường như đang trong quá trình bê-tông hóa đô thị, đang mất dần những khoảng trống trong đô thị-những không gian xanh”. Nơi tiếp xúc với biển nên chăng là những dải vườn hoa nhẹ nhàng, những thảm cỏ xanh mát đan xen vào những hàng cây xanh..." Ngoài ra, các nhà quy hoạch đã không tính toán đến điều kiện cần và đủ để cây xanh có thể sống và phát triển thêm.Trên một số tuyến đường chính, cây trồng mới khó có thể phát triển khi bên dưới là hệ thống cống nước, cáp ngầm, phía trên là lưới điện chằng chịt...
 

Tiểu Yến
 

 

;
.
.
.
.
.