.

Trước khi lá phổi... xám

.

Ao hồ ngày càng thể hiện tầm quan trọng của nó trong việc tiêu thoát nước cho mỗi đô thị và làm lá phổi xanh cho con người. Nhưng ứng xử như thế nào với lá phổi đó để nó mãi xanh mới là điều quan trọng, vì hiện nay, nhiều ao hồ đang trở nên xám xịt giữa ước vọng giữ cho nó xanh, sạch, đẹp.

Ô nhiễm nghiêm trọng tại cống thoát liên phuờng, hồ Đầm Rong 2.

Ông Trần Văn Dậu, ở tổ 22 phường Thuận Phước kể, cách đây khoảng 2 năm, bà con ở chung quanh hồ Đầm Rong 2 thường tổ chức ngày chủ nhật xanh. Nhưng dù cố gắng đến mấy, bà con cũng không thể cải thiện được tình trạng rác thải, mùi hôi, ruồi muỗi xem hồ là nơi trú ngụ. Người dân nản chí, chấp nhận sống trong một môi trường ô nhiễm, đặc biệt là môi trường không khí và để tự cứu mình, họ đã phải che bạt, bít lỗ thông gió ngôi nhà...

Chính quyền đành hợp tác với Công ty Môi trường đô thị vớt rác thải, và chấm dứt trồng bèo vì loại cây này có thể giảm độ bẩn và mùi hôi cho hồ, nhưng phát sinh nhiều ruồi muỗi hơn. Chị Trần Thị Phượng, cũng ở tổ 22 kể, có một thời gian trẻ con không thể vui chơi thoải mái do suốt ngày bị nhốt trong mùng. Còn người dân thì ăn cơm cũng phải chui vô mùng vì sợ muỗi.

Hiện nay, một bờ kè trị giá hơn 600 triệu đồng vừa được xây dựng mới, đem lại vẻ khang trang cho hồ Đầm Rong 2. Nhưng người dân mong nhiều hơn thế. Mới đây, một cuộc họp được chính quyền phường Thuận Phước tổ chức để lấy ý kiến người dân về xử lý hồ-giữ hay lấp, thì nhận được kiến nghị: không lấp hồ Đầm Rong 2, nhưng thu hẹp lòng hồ (từ 5-6 mét chiều rộng mặt hồ sẽ thu lại còn khoảng 4 mét-PV), làm bờ bao, để nước thoát ngầm bên dưới và phần mở rộng sẽ làm ta-luy bê-tông để thành nơi tập thể dục cho bà con, mở rộng đường kiệt; làm bể lọc nước thải giảm ô nhiễm và thoát ra cống liên phường và chỉnh sửa hồ thành khu công viên sinh thái...

Những kiến nghị này được đưa ra sau khi có quan điểm hồ ô nhiễm thì lấp hay cải tạo? Chuyện lấp hồ xem ra quá đơn giản, vừa hết ô nhiễm môi trường vừa đem lại quỹ đất. Như hồ Đầm Rong 1 đã bị lấp và hệ lụy tiếp theo là tất cả nước thải của khu vực này đã dồn về hết hồ Đầm Rong 2 và nó ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng.

Người dân đã dồn hết tâm sức để giữ hồ như cách đây 4 năm có ý kiến lấp hồ Thạc Gián và Vĩnh Trung, khi gặp nhiều ý kiến phản đối, thành phố đã quyết tâm cải tạo và bây giờ hai hồ này trở nên khang trang, sạch đẹp. Bà con ở các tổ dân phố thuộc hai phường Vĩnh Trung, Thạc Gián của quận Thanh Khê bây giờ thường xuyên dọn vệ sinh, nhắc nhở những ai đổ rác thải không đúng nơi quy định. Ông Nguyễn Văn Tĩnh, Trưởng phòng Tài nguyên-Môi trường quận Thanh Khê kể rằng, những khi phát hiện thấy bèo trong hồ đã già, có nguy cơ lan rộng trên mặt hồ là bà con gọi điện đến báo cho ông và các chuyên viên ở đây, yêu cầu xử lý.

Hành động trước khi quá muộn

Ông Phạm Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Thuận Phước, quận Hải Châu – đơn vị quản lý hồ Đầm Rong 2 cho rằng, khi chính quyền tuyên truyền về xây dựng thành phố môi trường, nếp sống văn hóa, văn minh đô thị lại trở thành ngược với vấn đề ô nhiễm ao, hồ. Hồ Đầm Rong 2 hiện nhận hệ thống nước thải của ba phường Thuận Phước, Thạch Thang và Thanh Bình nên chuyện ô nhiễm gần như là hiển nhiên và người dân bắt buộc phải quen với chuyện đó.

Và dịch sốt xuất huyết là chuyện đáng lo nhất, khi năm nào cũng có dịch nhưng cũng may nó chưa lan rộng vì ngành y tế dự phòng thường xuyên phun thuốc diệt muỗi, nhưng ông Dũng lo rằng, khi lạm dụng thuốc thì chắc chắn bà con sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu xử lý ô nhiễm bằng cách hút bùn, nạo vét hồ Đầm Rong 2 và hệ thống cống liên phường đến đầm Thuận Phước thì cũng khó thực hiện vì một lượng lớn bùn đất không biết chuyển đi đâu. Chuyện xử lý ô nhiễm vì thế vẫn dẫm chân tại chỗ và đang chờ phương án xử lý từ một nhóm nghiên cứu của Đại học Đà Nẵng, dưới sự hỗ trợ của Chính phủ Pháp, nhưng không biết đến bao giờ mới thành hiện thực.

Chuyện ô nhiễm của các ao hồ sẽ không thể chấm dứt nếu nước thải từ sinh hoạt, sản xuất và nước mưa theo hệ thống chảy vào các ao hồ, rồi từ đây đổ ra sông, biển mà chưa được xử lý triệt để. Khi cả thành phố chỉ có 4 trạm xử lý nước thải, xử lý hơn 100.000 m3/ngày đêm mới có được nước thải sạch ra môi trường, thì nước thải chưa qua xử lý (60% là nước thải sinh hoạt) đổ vào các hồ sẽ khiến hơn 10 hồ của thành phố ngày càng ô nhiễm.

Trong số 7 hồ mà quận Thanh Khê đang quản lý, hồ Thạc Gián, Vĩnh Trung chưa thể gọi là sạch nhưng đã tạm ổn về hạn chế mùi hôi, ô  nhiễm nước; còn hồ Công viên 29-3 đã giao về cho UBND quận quản lý, nhưng vấn đề can thiệp để xử lý lại gặp khó khăn do hồ nằm trong sự quản lý chung của Công ty Công viên. Quận Thanh Khê đã đề nghị chuyển luôn Công ty Công viên về cho quận quản lý nhưng chưa có ý kiến phản hồi.

Quận Thanh Khê cũng là đơn vị đầu tiên xã hội hóa công tác quản lý ao hồ bằng cách giao hồ điều tiết Xuân Hòa A, hồ 2ha (phường Thanh Khê Tây) cho Công ty Viễn Nam quản lý, khai thác. Tuy nhiên, 2 hồ còn lại là Phần Lăng 1 và Phần Lăng 2 (phường An Khê) đang trong quá trình hoàn thiện, các khu dân cư chung quanh hồ đang hình thành nên 2 hồ đều chưa đưa vào “danh mục” báo động ô nhiễm môi trường, nhưng về lâu dài, nước thải đổ trực tiếp xuống hồ thì sẽ ô nhiễm như các hồ khác.
 
Về hướng giải quyết lâu dài, ông Nguyễn Văn Tĩnh cho rằng, chưa có cách khắc phục hệ thống nước thải để hồ không ô nhiễm. Vì về nguyên tắc, nước thải phải qua hệ thống xử lý mới đổ vào hồ, thì trách nhiệm này thuộc về thành phố. Còn khi hồ đã ô nhiễm, thì cách giải quyết triệt để nhất vẫn là... “trồng bèo, dùng các biện pháp xử lý sinh học như hồ Thạc Gián, Vĩnh Trung”. Như vậy, vô tình các ao, hồ trở thành nơi chứa nước thải của một khu vực dân cư, rồi đến lúc ô nhiễm, bà con quanh các khu vực đó kiến nghị thì chính quyền mới cuống cuồng nghĩ cách giải quyết, thậm chí bàn đến chuyện lấp hồ như số phận một số ao, hồ từ trước đến nay.

Chuyện giữ cho ao, hồ thành lá phổi xanh của thành phố sẽ không khó, nếu tính chuyện lâu dài; chứ không thể ung dung tự tại hưởng lợi trước, để chuyện ô nhiễm cho các thế hệ sau, vài chục năm sau đi lo giải quyết.

HOÀNG NHUNG

 

;
.
.
.
.
.