.
VẤN ĐỀ HÔM NAY: NHỊP SỐNG TRẺ

Hãy tin tôi

.

Dám nghĩ dám làm, biết cách biến ý tưởng thành thực tế, đó là hình ảnh về thế hệ trẻ ngày nay. Một thế hệ mà bằng chính sức sáng tạo cũng như sự bùng nổ của mình đã và đang khiến cho toàn xã hội phải quan tâm và có cái nhìn mới mẻ, đa chiều hơn về họ. Giới trẻ ngày nay có rất nhiều những nhu cầu chính đáng cũng như không chính đáng. Nhưng, quan trọng hơn cả, một nhu cầu sâu xa trong tiềm thức, đó là muốn được tin tưởng và muốn có cơ hội để thể hiện khả năng của mình.

Tôi muốn “được nói” và “được làm”!

Hãy đặt niềm tin và có cái nhìn thấu hiểu hơn đối với giới trẻ để họ có thể phát huy khả năng của mình một cách đúng hướng.TRONG ẢNH: Một buổi thảo luận và trình bày ý tưởng cho thành phố Đà Nẵng trong tương lai của sinh viên Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng.

Xã hội càng phát triển, người trẻ càng có nhiều nhu cầu về ăn-chơi-hưởng thụ-sáng tạo. Để khẳng định mình, họ có rất nhiều cách khác nhau, từ việc tự gây ra những vụ scandal “xấu” để được mọi người chú ý, tự khoe bản thân cùng những phát ngôn gây sốc trên mạng để thu hút những lời bình phẩm hay tích cực đóng góp vào phong trào chung, áp dụng kiến thức học được vào thực tiễn để biến ước mơ thành hiện thực…

Tất cả những việc làm đó đều có chung một đáp án: được khẳng định khả năng cũng như ghi dấu ấn cá tính của riêng mình. Trong thời gian qua, chúng ta thấy xuất hiện rầm rộ những thông tin về lối sống “không giống ai” của giới trẻ, nhưng song song với nó lại không thiếu hình ảnh những người trẻ tiêu biểu đang từng ngày, từng giờ miệt mài học tập và cống hiến bằng chính khả năng của mình.

Những ai thường xuyên tham gia phong trào Đoàn, Hội ở cấp trường đều biết đến ngôi Trường THPT Phan Châu Trinh, nơi ươm mầm của nhiều thủ lĩnh Đoàn tiêu biểu. Trong năm học mới này, Nguyễn Phước Hoài Nam (học sinh lớp 11/29) và Thái Thị Thùy Trâm (học sinh lớp 11/24) may mắn được tiếp bước truyền thống vẻ vang của trường mình. Cả 2 đều là những thủ lĩnh Đoàn xuất sắc, vừa tham gia tích cực vào phong trào chung nhưng học cũng rất giỏi.
 
Được biết, trong năm học 2008-2009, Bộ Giáo dục-Đào tạo triển khai phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, Trâm và Hoài Nam đã rất vui vì: “Chúng em sẽ có nhiều hơn nữa những cơ hội để nói lên suy nghĩ và ý kiến của riêng mình.

Như chuyện may đồng phục, chúng em đã đề nghị nhà trường tổ chức một cuộc thi tạo mẫu cho toàn thể học sinh trong trường tham gia. Sắp tới, chúng em sẽ đứng ra tổ chức chương trình ẩm thực kết hợp với các trò chơi dân gian cho toàn trường”. Chính sự tin tưởng, ủng hộ từ phía gia đình, thầy cô đã mở ra nhiều cơ hội cho Trâm và Hoài Nam cũng như nhiều thế hệ học trò Trường THPT Phan Châu Trinh “được nói” và “được làm”. Đây được xem là bước đệm quan trọng đầu tiên giúp các bạn tự tin và có nhiều kinh nghiệm hơn khi bước vào tuổi trưởng thành, và xa hơn nữa là môi trường đại học, là trường đời.

Không như Trâm và Hoài Nam, Bùi Phương Thảo - sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng lại có một hướng đi khác để không “uổng” là sinh viên kinh tế. Hơn 1 năm qua, Thảo cùng với những người bạn của mình hùn vốn mở shop kinh doanh áo quần… trên mạng với số vốn ban đầu hơn 15 triệu đồng. Giải thích cho quyết định táo bạo của mình cùng các bạn, Thảo nói: “Nhận thấy nhu cầu mua sắm thông qua mạng Internet của các bạn trẻ đang diễn ra khá rầm rộ nên tụi em cùng làm “thử”. Hai tháng đầu thành công quá trời nên tụi em chuyển sang làm “thật” luôn.
 
Ở trong trường, tụi em học được rất nhiều kiến thức nhưng khi làm thật mới thấy lý thuyết và thực tế là một khoảng cách xa. Cực nhưng vui và thấy tự tin lắm, vì lần đầu tiên cảm thấy lời nói của mình có trọng lượng và mình đã tự làm ra được đồng tiền chính đáng”. Cũng đứng ra kinh doanh, nhưng Hồ Minh Khôi, sinh viên năm 3, khoa Quản trị kinh doanh Đại học Kinh tế, lại quyết định mở quán trà sữa với số vốn ban đầu lên đến 50 triệu đồng. Lý do cũng xuất phát từ… nhu cầu của giới trẻ và “Không làm, sao biết được khả năng của mình đến đâu”.

Xin hãy tin tôi!

Để có được sự thành công ở buổi ban đầu, rất nhiều bạn trẻ như Thảo, Khôi đã gặp không ít những khó khăn, mà cái khó nhất là chưa được người lớn tin tưởng và giao cho cơ hội. Minh Khôi chia sẻ: “Ban đầu, khi mình trình bày ý tưởng với bố mẹ, chẳng ai tin mình có thể làm được. Mình còn nhớ bố đã nói “Còn nhỏ lo mà học đi đã, mở ra rồi làm sao tính toán mà duy trì cho được. Phải thuyết phục cả tháng trời mới được”. Không ai tin, không ai cởi mở để nghe các bạn nói. Đó chính là vấn đề lớn nhất của giới trẻ hôm nay, khi mà họ có quá nhiều những ý tưởng sáng tạo, những vấn đề nhạy cảm cần được chia sẻ, hoặc chỉ đơn giản là nghe và hiểu từ phía người lớn.

Có một thực tế dễ dàng nhận thấy, niềm tin của người lớn đặt vào giới trẻ còn rất hạn chế. Điều này có thể giải thích được khi hằng ngày, hằng giờ họ phải nghe không ít những thông tin “xấu” về lối sống cũng như cách hành xử “không giống ai” của những thế hệ 8x, 9x, thậm chí là 10x. “Làm sao mà tin được tụi nó, mới nứt mắt ra đã lừa cha lừa mẹ lấy tiền ăn chơi rồi.
 
Lên mạng xem là biết liền”, một phụ huynh bức xức. Tuy nhiên, không thể vì những “con sâu làm rầu nồi canh” mà phủ nhận nỗ lực thể hiện không ngừng của cả một thế hệ. Cũng không thể có cái nhìn quá tiêu cực trước những hành động “thái quá” của các em, mà hãy tìm hiểu xem vì sao chúng làm thế? Phải chăng sự thờ ơ của người lớn, sự quản lý nghiêm ngặt nhưng không đúng cách của nhiều ông bố, bà mẹ đã tiếp thêm năng lượng cho khả năng “bùng nổ” ở các em.

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.