.

Vỉa hè: Cây xanh, cột điện

.

Trên mọi nẻo đường phố thị, dọc theo vỉa hè, ở đâu cây xanh và cột điện cũng đồng hành chung lối, tuy nhiên khi cây xanh vi phạm hành lang an toàn lưới điện thì sẽ bị “tiền trảm”, còn lưới điện bùng nhùng giăng mắc cả vào cây xanh làm mất mỹ quan và gây sự cố nguy hiểm thì vẫn chờ “hậu tấu” ...

Cột điện cõng dây thông tin  

Cây xanh và cột điện luôn song song tồn tại trên vỉa hè đường phố.

Báo chí đã nhiều lần phản ánh tình trạng dây điện giăng mắc bùng nhùng như mạng nhện trên đường phố. Cứ nhìn vào cái cột điện thì ai cũng đổ tiệt cho anh “nhà đèn thiếu trách nhiệm”, không chịu kiểm tra, tu sửa để mặc dây nhợ làm mất mỹ quan đường phố và gây nguy hiểm cho tính mạng con người. Nhưng thực tế có ai biết trên cột điện đó là cả một hệ thống đường dây điện thoại, cáp viễn thông lùng bùng đeo bám.

Theo danh mục các đơn vị có dây, cáp thông tin treo chung với cột điện lực thì đã có trên 10 đơn vị (cả trong và ngoài quân đội) tham gia ký hợp đồng thỏa thuận với Công ty Điện lực Đà Nẵng để được chạy dây trên kết cấu công trình điện, tất nhiên là chỉ được phép “ăn theo” trên một số tuyến đường nhất định và không được đeo bám trên vị trí vượt đường.

Hằng năm, trước mùa mưa bão, Công ty Điện lực Đà Nẵng luôn có thông báo gửi các đơn vị có đường dây thông tin bố trí chung cột phải có kế hoạch kiểm tra tuyến cáp của đơn vị mình đang quản lý, nơi nào có cáp thông tin buộc treo vào cáp điện lực cần phải tháo bỏ ngay và có biện pháp xử lý để bảo đảm độ cao, các dây dẫn không còn sử dụng phải được thu hồi để bảo đảm mỹ quan và an toàn trên đường phố. Các công văn, thông báo và văn bản cam kết có nội dung khá chặt chẽ. Thế nhưng việc triển khai thực hiện của các đơn vị vẫn chưa được tiến hành đồng bộ, thậm chí còn vi phạm khi tự ý kéo thêm dây, thêm tuyến, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng.

 Hiện nay, hệ thống điện trên địa bàn thành phố đã được cải tạo, nâng cấp và hoàn thành trong năm 2003; nhiều hệ thống dây dẫn đã được ngầm hóa bảo đảm mỹ quan và an toàn điện cho đường phố. Như vậy, trên cột điện chỉ có cáp vặn xoắn (2 sợi) của Điện lực dùng để cung cấp điện, còn hầu hết các loại cáp treo bên dưới là của các đơn vị viễn thông như Viettel, Công ty Điện thoại, S.Fone, Truyền hình cáp Sông Thu... Ngoài các hệ thống dây cáp, dây dẫn thông tin đã ký hợp đồng, các đơn vị có dây treo chung cột điện lực vẫn cố tình vi phạm, kéo thêm dây, mắc thêm tuyến, dẫn đến tình trạng rối loạn lưới điện, gây mất an toàn và mỹ quan đường phố.

Để không còn tình trạng đường dây “bùng nhùng như mạng nhện” và những sự cố tai nạn về chập dây, rò rỉ điện, gây cháy nổ..., không chỉ có trách nhiệm của Công ty Điện lực, mà cần có sự phối hợp của các đơn vị có đường dây đi chung tuyến. Các cơ quan chức năng của thành phố cần vào cuộc kiểm tra, kiên quyết xử lý các đơn vị để xảy ra tình trạng giăng mắc đường dây không đúng quy định và cố tình vi phạm hợp đồng để xảy ra sự cố... Không chỉ có dây dẫn bùng nhùng, mà cây xanh phủ kín lưới điện cũng đang là “vấn nạn” đáng bàn khi thân cây và cột điện luôn song song cùng tồn tại bên vỉa hè đường phố.

Xử lý cây xanh: “Tiền trảm, hậu tấu”

Cây xanh và cột điện đều có trên mỗi tuyến đường chính, tuy nhiên, khống chế về tầm cao thì “ông nhà đèn” độc chiếm ưu thế, cây xanh nếu vươn cành, nhú ngọn, vi phạm hành lang an toàn lưới điện là bị “trảm” liền. Và đâu chỉ có tỉa cành, chặt ngọn, cây xanh còn bị cáp ngầm, đường ống nước đi qua, “đào tận gốc, trốc tận rễ”, và hễ lấn ra đường là “phay” luôn. Rễ không còn chỗ bám, ngọn không có để vươn, cây còi cọc dần rồi “hóa củi”.

Theo báo cáo của Công ty Cây xanh Đà Nẵng, có nhiều trường hợp chặt phá, bẻ cây xanh mới trồng, rút bỏ cọc chống, đập phá khung bảo vệ, đổ giá hạ, rác thải vào gốc cây xanh. Thậm chí vì mục đích cá nhân, có người còn đổ hóa chất, khoanh lột vỏ cây để cây chết dần.

Cây xanh bị đan xen và chồng lấn bởi cơ sở hạ tầng, hệ thống hố trồng cây và lưới điện trên không thường được bố trí trên cùng một trục thẳng; khi cây xanh sinh trưởng vi phạm hành lang an toàn lưới điện thì bị xử bằng rựa (không dùng cưa), vừa tác động xấu đến cành cây, vừa gây mất mỹ quan đường phố. Diện tích đất hạn chế, rễ cây phát triển không tương xứng với tán lá vì cấn các công trình ngầm như hệ thống cống thoát nước, hệ thống cáp ngầm (điện lực, viễn thông...), khoảng không gian hạn chế nên cây xanh có xu hướng nghiêng ra lòng đường.
 
Khi thi công công trình, sửa chữa hệ thống cống thoát nước, việc đào xới, cắt xén rễ cây làm cho cây trồi rễ, ngả nghiêng và bị đổ khi có gió bão. Ngoài ra, cây xanh còn bị đeo bám bởi pa-nô, bảng hiệu, giăng mắc đèn trang trí, đóng đinh treo hàng hóa..., gây nhiều bất cập cho việc chăm sóc và bảo vệ cây. Điển hình là vụ tai nạn đổ cây cổ thụ trên đường Lê Lợi (vào ngày 25-10-2008) đã đè bẹp một xe taxi của hãng Mai Linh. Một cây bồ đề ở trước số nhà 240 Ông Ích Khiêm bị khoan 7 lỗ, đổ axit vào làm cây chết khô.

Có lẽ cũng vì quá bức xúc với vấn nạn cây xanh bị hủy hoại nên ngày 1-8-2008, Sở Xây dựng đã có Thông báo số 762/TB-SXD về nội dung cuộc họp phối hợp bảo vệ cây xanh đường phố trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, trong đó có nội dung: Các đơn vị có liên quan như Công ty Điện lực Đà Nẵng, Công ty Viễn thông, Công ty cấp nước... định kỳ hằng năm gửi kế hoạch cắt tỉa, mé nhánh cây ảnh hưởng đến hành lang an toàn lưới điện, gửi kế hoạch lắp đặt các công trình ngầm có ảnh hưởng đến cây xanh để Công ty Cây xanh chủ động phối hợp giám sát, hướng dẫn thực hiện việc cắt tỉa cây xanh đường phố, nhằm bảo đảm an toàn công trình hạ tầng kỹ thuật và mỹ quan cây xanh đô thị.

Làm gì để cây xanh không bị hủy hoại và lưới điện vẫn được an toàn, vừa bảo đảm mỹ quan, vừa xanh đường, đẹp phố thì nhiệm vụ phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị chủ quản và ý thức của mỗi người dân là điều kiện tiên quyết.

Bài và ảnh: HÀ NGUYÊN

;
.
.
.
.
.