Dòng sông quê hương riêng mỗi người có thể đục trong theo nắng mưa thời tiết, nhưng bao giờ cũng biếc xanh một miền ký ức đến vô cùng. Sông, trong tâm thức những cuộc đời đã lên lão từ cuối thế kỷ trước, vừa hào phóng trải phù sa dậy những mùa vàng, vừa lặng lẽ gieo vào lòng người những nỗi niềm dâu bể.
Một trong những “thủ phạm” làm tan nát lòng sông
Con nước, tình quê
Tả ngạn sông Yên, đoạn qua thôn La Châu, xã Hòa Khương, có cụ Đinh Thử, một thầy thuốc Đông y nay đã trăm tuổi lẻ. Sông quanh năm nước lớn nước ròng theo nhịp thở của trời đất, còn ông cụ thì, như phù sa mỗi năm bồi thêm một ít, có biết bao kỷ niệm buồn vui bên con sông nhiều lụt lội này. Quê cụ, ai cũng nằm lòng câu “Mống dài trời lụt, mống cụt trời mưa”. Hồi lụt năm Thìn 1964, cụ đã từng nhìn thấy một cầu vồng bảy màu vắt từ núi Chúa ra tận đỉnh núi Sơn Trà.
Nơi quê cụ, mưa luôn mấy bữa là nước từ sông tràn xăm xắp khắp đồng, tiếng ễnh ương dậy khắp xóm. Ngay chiều hôm đó, thế nào cũng có một mùi vị đặc trưng của làng quê mùa nước nổi phảng phất quanh các lũy tre, làm cồn cào cả ruột gan khi thanh âm quen thuộc thỉnh thoảng vang lên: Xèo! Thế nhưng, nếu mưa thêm mấy bữa nữa là thế nào sông cũng “làm mình làm mẩy”. Cả làng lo gặt lúa chạy lụt, xanh nhà hơn già đồng. Khoai lang thì cắt dây, chừa lại gốc để sau này nước rút, có thể đâm chồi trở lại. Gà còn đỡ, heo phải đóng cũi đưa lên gởi các nhà chỗ cao...
Một đoạn sạt lở chưa có biện pháp khắc phục bên bờ sông Cu Đê, đoạn qua thôn Trường Định, xã Hòa Liên. |
Nỗi niềm dâu bể
Nếu sông Yên là chi lưu của sông Vu Gia từ huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) đổ xuống, thì sông Túy Loan chảy hoàn toàn trong địa phận huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Bắt nguồn từ vùng núi Bà Nà, có một chi lưu lớn phía hữu ngạn là sông Lỗ Đông, sông Túy Loan chảy theo hướng Tây - Đông, đến xã Hòa Tiến thì hợp lưu với sông Yên tạo thành sông Cầu Đỏ, đổ xuống sông Cẩm Lệ rồi tuôn ra sông Hàn. Trong cơn lũ năm 1999, nước các sông dâng lênh láng, nhưng vẫn còn thấp so với lụt năm Thìn 1964.
Lạ một điều, ở đình Túy Loan, mức nước trong hai trận lụt lịch sử này thì ngược lại, năm 1964 chỉ xấp xỉ trên viên đá kê chân cột, còn năm 1999 thì gần lút bàn thờ. Ông Đặng Khôi (78 tuổi), Trưởng ban Quản lý di tích đình Túy Loan, một thời gian đã bỏ công đi tìm lời giải cho cái sự lạ đời này. Trước năm 1945, có một con lạch nhỏ (gọi là lạch Vũng Gạch) nối tắt sông Túy Loan từ ngã ba quốc lộ 14B và đường 604 xuống hạ lưu phía dưới cầu Giăng. Lúc đó, nếu mưa lớn, nước nguồn đổ xuống là có chỗ thoát nhanh, không gây ngập cục bộ.
Kè bờ sông Túy Loan, đoạn gần chợ Túy Loan cũ, nơi bị thiên nhiên và con người làm sạt lở trầm trọng. |
Những biến động của thiên nhiên, thời gian và con người đã góp phần tạo nên cảnh “ruộng dâu biến thành biển xanh”. Trong ký ức của cụ Đinh Thử, sông Yên xưa có tên là sông Thạch Bồ, tên một loại cỏ có hương thơm được dùng làm thuốc. Lần giở “Đại Nam nhất thống chí” phần tỉnh Quảng Nam, thấy sông Thạch Bồ được nhắc tới bằng một mục từ riêng cùng với các con sông khác ở Đà Nẵng như Cẩm Lệ, Cu Đê, Cổ Cò. Sông xưa đã đổi tên nhưng tên làng bên sông vẫn còn lưu đến ngày nay: một Thạch Bồ thuộc xã Hòa Tiến, một Thạch Bồ thuộc xã Hòa Phong.
Sao nỡ phụ tình sông?!
Ông Phùng Văn Tiến ở La Châu than phiền, sông chừ rộng nhưng sao cá ít quá. Trong thôn giờ chỉ còn hai “ngư dân” là ông Khương và ông Long, nhưng cũng chỉ thu nhập bữa đực bữa cái. Ở Túy Loan, ông Đặng Khôi từng “la làng” về cái vụ đánh bắt cá trên sông bằng cách châm điện, đánh mìn. Cách khai thác vô hậu này đã tàn sát nòi giống các loại cá, trong đó có không ít loại quý hiếm. Ông Nguyễn Thu, Chủ tịch UBND xã Hòa Liên, thì bức xúc vì đất dọc sông Cu Đê nhiễm mặn chưa giải quyết được, nay lại thêm nước ô nhiễm từ KCN Hòa Khánh thải ra, tuôn hết xuống sông làm ảnh hưởng đến nguồn thủy, hải sản.
Ông Đặng Thức chuẩn bị ứng phó với mùa lũ lụt bên sông Yên. |
“Sông hiến mình tất cả. Đời sông không hề tiếc vơi đầy”. Câu hát trong “Chảy đi sông ơi!” của Phó Đức Phương liu xiu một nỗi niềm sông nước. Tình sông mênh mông là thế, sao nỡ lòng làm “đau” sông bằng những hành vi bạo ngược, bất nhân. Một lần dạo thuyền trên sông, chợt bần thần khi nhớ đến phát ngôn nổi tiếng của Abutaliv, nhà thơ xứ Daghestand vùng Trung Á, liên hệ với thực tế, nó như thế này: Nếu anh bắn vào sông bằng súng lục thì môi trường sẽ bắn vào anh bằng đại bác!
|
Ghi chép của Văn Thành Lê