.

Báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND thành phố (lược trích)

.

Tại kỳ họp thứ 12 HĐND thành phố khóa VII, các Ban của HĐND thành phố đã trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá tình hình năm 2008 và những kiến nghị đề xuất cho nhiệm vụ năm 2009 trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, thực thi pháp luật. Báo Đà Nẵng xin lược trích một số đánh giá và kiến nghị, đề xuất của các Ban Kinh tế-Ngân sách, Văn hóa-Xã hội. Pháp Chế.

Ban Kinh tế-Ngân sách:
Cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất, kinh doanh

* Đẩy nhanh tiến độ các công trình đã hứa với cử tri

Trưởng Ban KInh tế-Ngân sách Mai Đức Lộc.
...Xuất phát từ kết quả thực tế giám sát, Ban KTNS đề nghị: UBND thành phố quan tâm hơn nữa công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại các dự án công nghiệp, thương mại trong và ngoài nước, thu hút các nhà đầu tư lớn. Đề nghị lãnh đạo thành phố trực tiếp làm việc với các tập đoàn kinh tế lớn trong nước, xem đây là nhiệm vụ quan trọng, đột phá nhằm xây dựng nền kinh tế thành phố phát triển bền vững.

Cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời  cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn về mặt bằng sản xuất kinh doanh và vay vốn, bảo lãnh tín dụng. Cải cách phương thức và quy mô hỗ trợ từ Quỹ đầu tư phát triển thành phố để các nguồn tài trợ đến với các doanh nghiệp kịp thời, hiệu quả hơn.

Khẩn trương hoàn thiện hệ thống cấp thoát nước, giao thông, hệ thống xử lý nước thải trong các khu công nghiệp và cụm công nghiệp Thanh Vinh để có đất sạch bố trí cho các dự án. Chỉ đạo quyết liệt công tác cải cách thủ tục hành chính trong giao đất, di dời giải tỏa để các doanh nghiệp sớm ổn định sản xuất. Cần bảo đảm lưu thông phân phối hàng hóa trên thị trường, tránh tình trạng khan hiếm cục bộ, sốt giá giả.

Trong nông nghiệp, cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các nhiệm vụ đã được Nghị quyết HĐND thông qua tại các kỳ họp trước. Tiến hành quy hoạch ổn định vùng sản xuất nông nghiệp, chậm nhất trong năm 2010. Khuyến khích tích tụ và tập trung đất nông nghiệp hình thành các vùng chuyên canh lớn; tạo điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp đầu tư chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp bền vững. Cần bảo vệ môi trường sản xuất nông nghiệp và nông thôn tốt hơn, nhất là trong quản lý các nguồn tài nguyên đất, rừng, nước không bị ô nhiễm, suy thoái.

Ban KTNS thống nhất với kế hoạch bố trí vốn XDCB năm của 2009 UBND thành phố trình. Đề nghị sửa đổi QĐ 190/2003/ QĐ-UB của UBND thành phố quy định về quản lý XDCB thống nhất với các quy định của Chính phủ, Bộ ngành liên quan. Đôn đốc các đơn vị quyết toán vốn XDCB, thanh toán khối lượng, kiểm soát chặt chẽ tình hình tạm ứng vốn XDCB, nhất là các trường hợp tỷ lệ tạm ứng cao dẫn đến tình trạng các đơn vị kéo dài thời gian quyết toán công trình.
 
Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình theo thời hạn đã hứa với cử tri, trong đó có các khu dân cư để lại chỉnh trang bên cạnh các khu dân cư mới, lưu ý vấn đề thoát nước, các công trình giao thông, điện, cấp nước. Tăng cường quản lý Nhà nước về chất lượng quy hoạch, các công trình XDCB, đặc biệt là các công trình trường học, công trình công cộng, nhà cao tầng có đông người sinh hoạt.

Cần tăng cường nguồn nhân lực và kinh phí cho nhiệm vụ quản lý đô thị. Khẩn trương xây dựng Quy chế quản lý kiến trúc đô thị, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng thành phố theo hướng kiến trúc đô thị hiện đại. Cần có giải pháp khả thi hơn các dự án xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, phù hợp với khả năng thanh toán và điều kiện sinh hoạt của đối tượng này. Có phương án bố trí tái định cư hợp lý và kiên quyết di dời các hộ trong các nhà tập thể xuống cấp trầm trọng. Tổ chức sơ kết đánh giá kết quả triển khai chương trình “Có nhà ở” và Đề án “Phát triển cây xanh đô thị” nhằm tìm giải pháp thích hợp đẩy nhanh tiến độ thực hiện. 

Chỉ đạo xử lý các vi phạm về bảo vệ môi trường, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống xử lý nước thải trong các khu công nghiệp, các khu dân cư bị ngập úng. Đánh giá kết quả xử lý của dự án vệ sinh môi trường để có giải pháp bổ sung sử dụng tốt hơn hệ thống đã đầu tư. Có phương án thu gom và xử lý chất thải y tế độc hại tập trung, phù hợp với kinh phí bố trí cho các cơ sở y tế...

Ban Văn hóa-Xã hội:
Đầu tư cho các bệnh viện công hệ thống xử lý nước thải

Trưởng Ban Văn hóa -Xã hội Lê Tự Cường.
Ban Văn hóa-Xã hội đề xuất HĐND thành phố xem xét để đưa vào nhiệm vụ năm 2009 như sau: Trên địa bàn thành phố có 22 bệnh viện từ tuyến quận, huyện đến Trung ương, riêng Sở Y tế quản lý 14 bệnh viện. Chỉ có 9 bệnh viện trong số này có hệ thống xử lý nước thải y tế, còn 3 bệnh viện tuyến thành phố và 2 bệnh viện tuyến quận chưa có.

Một số bệnh viện có lò đốt rác thải nhưng quy mô nhỏ. Đề nghị UBND thành phố có kế hoạch đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế cho các bệnh viện công còn lại, có biện pháp thu gom xử lý rác thải y tế, đồng thời tăng cường kiểm tra việc xử lý nước thải y tế thải ra môi trường. Số người nhiễm HIV ở thành phố không nhiều, nhưng lây nhiễm đã chuyển từ tiêm chích ma túy sang quan hệ tình dục không an toàn đáng lo ngại, việc quản lý người có HIV gặp nhiều khó khăn. Cần nâng kinh phí cho hoạt động truyền thông, kinh phí đối ứng trong an toàn truyền máu.
 
Năm 2010 thành phố Đà Nẵng sẽ đăng cai tổ chức Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ 6. Năm 2009 cần tập trung đầu tư cơ sở vật chất và chuẩn bị lực lượng vận động viên cho sự kiện thể thao này. Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật được đưa vào sử dụng đầu năm 2007, nhưng một số hạng mục đã xuống cấp nghiêm trọng, cần quan tâm khắc phục, đồng thời có kế hoạch nâng lên Trường Cao đẳng như chủ trương của thành phố. Một số di tích lịch sử - văn hóa được trùng tu nhưng đã làm biến dạng một số di tích (đình làng Đà Sơn, Bồ Bản).

Đề nghị ngành văn hóa cần chú trọng trong công tác trùng tu các di tích lịch sử - văn hóa vốn không nhiều. Đề nghị cần quan tâm đầu tư cho việc hình thành các thiết chế văn hoá như Trung tâm Văn hóa - Thông tin thành phố, các Trung tâm Văn hóa - Thông tin các quận, huyện. Thành phố cần thực hiện các chính sách khuyến khích hỗ trợ về đất, thuế, vay vốn để xã hội hóa lĩnh vực giáo dục theo Nghị quyết 05 và các Nghị định của Chính phủ. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Hai không” trong ngành giáo dục, cần gắn với phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

Số tội phạm ma túy tăng hơn so với những năm trước, người nghiện và tái nghiện trở lại Trung tâm 05-06 cũng tăng. Tình trạng sử dụng  thuốc “lắc” trong thanh-thiếu niên rất đáng lo ngại. Vì vậy, bên cạnh tăng cường chất lượng cai nghiện tại trung tâm, cần đầu tư xây dựng cơ sở tổ chức quản lý, giáo dục, dạy nghề và tổ chức lao động tập trung cho người nghiện sau cai theo Điều 28, Luật Phòng, chống ma túy. Ban VHXH tán thành việc nâng chuẩn nghèo mới. Đề nghị đưa chỉ tiêu xóa hộ nghèo theo chuẩn mới vào Nghị quyết về nhiệm vụ năm 2009.

Ban Pháp chế:
Tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm

Trưởng Ban Pháp chế Hoàng Văn Thắng.
Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế (PC) nhất trí với báo cáo của UBND thành phố về kết quả thực hiện công tác quốc phòng-an ninh, trật tự xã hội, xây dựng chính quyền nhưng chưa nêu khuyết điểm, tồn tại và giải pháp khắc phục. Ban PC tham gia một số vấn đề cụ thể: Công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn 4/74 văn bản chưa qua thẩm định.Triển khai thực hiện Nghị quyết HĐND có nội dung chưa thực hiện nghiêm túc.
 
Năm 2008 thành phố đã hoàn thành sắp xếp các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố, UBND quận, huyện theo Nghị định 13 và 14/2007/NĐ-CP của Chính phủ. Chính sách thu hút nhân tài đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên, cần có chính sách “vượt trội” đối với chuyên gia giỏi. Cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực song mô hình “một cửa liên thông” còn nhiều bất cập, hồ sơ hành chính trên lĩnh vực đất đai trễ hẹn ở phường, xã là phổ biến. Tai nạn giao thông đã giảm cả số người số vụ so với năm 2007. Tình hình tội phạm gia tăng, đáng chú ý là tội phạm ma túy tăng về số vụ, số bị can và số lượng ma túy. Đáng quan tâm là tội phạm tuổi vị thành niên chiếm tỷ lệ 16,51%. Nguyên nhân  do bỏ học, chịu ảnh hưởng của phim, trò chơi bạo lực, thiếu sự quan tâm giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội.

Ban PC kiến nghị UBND thành phố có giải pháp đồng bộ và tăng cường biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm ma túy. Tăng cường công tác quản lý vũ trường, quán bar, hoạt động sản xuất và kinh doanh rượu; chủ động phối hợp với các đoàn thể trong công tác quản lý, giáo dục thanh-thiếu niên, đặc biệt là học sinh bỏ học. Ban PC yêu cầu Công an thành phố sớm khắc phục tình trạng thiếu cán bộ quản giáo nữ, cán bộ y tế tại các nhà tạm giữ của Công an các quận, huyện, thực hiện nghiêm túc việc quản lý thi hành án treo, cải tạo không giam giữ; tăng cường công tác tuần tra chống trộm cắp, cướp giật; khắc phục các “điểm đen”; hỗ trợ Trại tạm giam Hòa Sơn lắp đặt hệ thống xử lý nước giếng bị ô nhiễm.

Ngành thanh tra thành phố đạt được nhiều kết quả, hoàn thành 146 cuộc kiểm tra, thanh tra phát hiện sai phạm trong quản lý kinh tế-xã hội, thu hồi nộp ngân sách 2,2 tỷ đồng trong tổng số giá trị sai phạm hơn 6 tỷ đồng. Tuy nhiên, công tác xử lý sau thanh tra cần phải kiên quyết, kịp thời hơn. Công tác tiếp dân giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo bảo đảm đúng pháp luật. Vẫn còn một số người không chấp hành kết quả giải quyết cuối cùng, vi phạm pháp luật về khiếu nại, tố cáo cần được phê phán, xử lý nghiêm túc.

;
.
.
.
.
.