.
CHẤT VẤN TẠI KỲ HỌP THỨ 12, HĐND THÀNH PHỐ KHÓA VII

Trách nhiệm - Vẫn còn bỏ ngỏ

Trong phiên chất vấn của đại biểu (ĐB) HĐND thành phố với đại diện các cơ quan chức năng diễn ra vào sáng ngày 4-12, nhiều vấn đề bức xúc về kinh tế, đầu tư, giao thông, môi trường, an sinh xã hội... vẫn tiếp tục được đặt ra. Tuy nhiên, vấn đề xác định trách nhiệm vẫn còn bỏ ngỏ!

Vẫn bỏ ngỏ trách nhiệm cụ thể

Ngay trong phần trả lời chất vấn đầu tiên của Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn, vấn đề tranh chấp đường luồng giữa hai hộ gia đình bà Phạm Thị Hoa và ông Nguyễn Văn Nhàn ở số nhà 256 và 258  đường Hùng Vương, việc xác định trách nhiệm đã thể hiện sự lúng túng. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, việc tranh chấp này vẫn chưa xác định được kết quả, do tổ giải quyết được UBND thành phố thành lập vẫn còn đang làm việc để phân định đúng-sai, sau đó mới tiến hành xử lý.
 
Trong khi đó, ông Nguyễn Đăng Hùng, Chủ tịch UBND quận Hải Châu nhấn mạnh: Việc vi phạm trước đây của hộ bà Hoa là rõ ràng và chính quyền quận đã tổ chức xử phạt, tiến hành cưỡng chế. Sau đó không hiểu vì sao bà Hoa lại có giấy phép xây dựng để tiến hành chiếm dụng đường luồng trên? Như vậy trách nhiệm này hoặc thuộc về Sở Xây dựng hoặc của bà Hoa. Cần phân định rõ trách nhiệm để xử lý một cách triệt để, không để vụ việc kéo dài, ảnh hưởng đến trật tự tại địa phương!

Cũng đặt ra vấn đề trách nhiệm, ĐB Nguyễn Quang Nga yêu cầu các cơ quan như Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Thanh tra thành phố xác định trách nhiệm thuộc về đơn vị, cá nhân nào để xảy ra tình trạng đầu tư, khai thác không hiệu quả Công viên Nước, việc thu hồi hơn 8 tỷ đồng tại Công ty Hữu Nghị Đà Nẵng và 1,7 tỷ đồng tại Công ty Cấp nước Đà Nẵng. Chánh Thanh tra thành phố Phan Tấn Tuyền đã trả lời cụ thể, rằng:
 
Theo kết luận, Thanh tra thành phố đã tiến hành các biện pháp thu hồi số tiền sai phạm, nhưng Công ty Hữu Nghị Đà Nẵng vẫn chưa thể nộp tiền do làm ăn thua lỗ kéo dài, ngân hàng phong tỏa, không đủ điều kiện cổ phần hóa... Từ đó, lãnh đạo thành phố đã xem xét lại các khả năng, đề nghị cho cổ phần hóa doanh nghiệp này để tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất. Công ty này cam kết nộp số tiền sai phạm theo lộ trình năm 2009 sẽ nộp 20%, năm 2010 nộp 40% và năm 2011 nộp 40%.

Trong khi đó, Công ty Cấp nước đã nộp hơn 1 tỷ đồng, còn lại 645 triệu đồng do công ty phải trả các khoản nợ vay và tình hình tài chính khó khăn nên sẽ tiến hành thu hồi vào năm 2009. Về vấn đề Công viên Nước, Giám đốc Sở Văn hóa-Thao và Du lịch Nguyễn Quang Vinh cho biết, sẽ tiến hành xã hội hóa để khai thác có hiệu quả công trình này trong thời gian tới. Thế nhưng, vấn đề các ĐB cũng như dư luận xã hội đặt ra là: Trách nhiệm về việc đầu tư để xảy ra việc khai thác không hiệu quả Công viên Nước; việc không quy được trách nhiệm cho các cá nhân để xảy ra thất thoát, sai phạm ở Công ty Hữu Nghị và Công ty Cấp nước vẫn còn bỏ ngỏ, dẫn đến việc thu hồi tiền thất thoát khó khăn. Như vậy, sẽ dẫn đến việc thực thi pháp luật không nghiêm!

Các ĐB Lê Vinh Quang, Nguyễn Hoàng Sơn đặt ra vấn đề giải quyết những bức xúc về xã hội hiện nay, đó là tình trạng thanh-thiếu niên, nhất là sinh viên, học sinh có vi phạm liên quan đến sử dụng, tàng trữ chất ma túy; tình trạng trộm cắp, cướp giật với các thủ đoạn mới và nguy hiểm... ngày càng gia tăng và trách nhiệm của các ngành chức năng trong giải quyết vấn đề này.

Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo thành phố Huỳnh Văn Hoa cho biết, chỉ tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 22 học sinh, sinh viên liên quan đến sử dụng và vận chuyển, tàng trữ ma túy; trong đó đáng chú ý có gần 10 học sinh THPT và THCS và 3 học sinh nữ, một học sinh bị xử lý trách nhiệm hình sự, 3 học sinh phải bắt buộc cai nghiện tập trung... Số học sinh vi phạm này phần lớn là có học lực kém, thường xuyên bỏ học, dễ bị đối tượng xấu lôi kéo.

Từ đó, ông Huỳnh Văn Hoa cho rằng, trách nhiệm lớn vẫn thuộc về gia đình và xã hội, còn nhà trường chỉ là một thành tố trong vấn đề  này. “Vì nếu tính ra thì học sinh chỉ do nhà trường quản lý 5 giờ mỗi ngày; còn lại là ở gia đình và xã hội quản lý!” - Ông Huỳnh Văn Hoa lý giải. Qua đó, ông Huỳnh Văn Hoa khẳng định không thể cam kết tình trạng sử dụng ma túy trong học sinh sẽ không còn tái diễn nữa!
 
Còn về việc để xảy ra các vụ trộm cắp với thiệt hại lớn vừa qua, Thiếu tướng Phan Xuân Sang, Giám đốc Công an thành phố cho rằng, đó là một phần do sự chủ quan của người bị hại. Vì vậy, cùng với các giải pháp của ngành Công an, phải tăng cường xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nâng cao tinh thần cảnh giác với các loại tội phạm trong nhân dân. Đặc biệt, hiện nay, đáng báo động về vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội, suy thoái đạo đức trong thanh-thiếu niên do ảnh hưởng nặng từ các trò chơi điện tử bạo lực, giải trí từ Interrnet...

Môi trường, giao thông... còn nhiều bức xúc

Trong quá trình phát triển, thành phố ngày càng bộc lộ những vấn đề liên quan đến giao thông, môi trường... cần phải có những giải pháp quyết liệt hơn để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Chính vì thế, tại phiên chất vấn của ĐB hôm qua (4-12), vẫn còn nhiều ý kiến liên quan đến các lĩnh vực này; trong đó có những ý kiến được nêu tại nhiều kỳ họp nhưng vẫn chưa được giải quyết thấu đáo. Đơn cử là tình trạng thi công kéo dài của tuyến đường Hoàng Văn Thái.
 
Đến nay, theo trả lời của đại diện Sở Giao thông-Vận tải thì tuyến đường này hiện đang vướng giải tỏa liên quan đến một đơn vị quân đội nên phải chờ xin ý kiến của Bộ Quốc phòng. Trước lý giải này, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Bá Thanh cho rằng:  Đường Hoàng Văn Thái đã được đặt ra qua 5 kỳ họp HĐND, nhưng đến nay mới đặt vấn đề liên quan đến giải tỏa là quá chậm chạp! Không những thế, ĐB Dương Thành Thị cho biết, cùng với đường Hoàng Văn Thái, trên địa bàn quận Liên Chiểu hiện có khoảng 10 tuyến đường đang xuống cấp trầm trọng nhưng không biết khi nào mới được triển khai thi công. Giải pháp nâng cấp không hiệu quả, bởi mỗi mùa mưa đến là các tuyến đường lại bị hư hỏng, lầy lội, gây khó khăn cho giao thông và đời sống nhân dân.
 
Vì thế, quận Liên Chiểu có chủ trương chi 1,5 tỷ đồng để sửa chữa cho nhân dân đi lại thuận tiện hơn trong thời gian tới; còn 1,5 tỷ đồng phải chờ xin vốn thành phố. Để bảo đảm giao thông, ĐB Dương Thành Thị đề nghị thành phố cần ghi vốn để thi công một vài tuyến đường một cách đồng bộ. Trước đề nghị này, Chủ tịch HĐND thành phố yêu cầu lãnh đạo quận Liên Chiểu thống nhất chọn  3 con đường cần thiết nhất để đầu tư xây dựng trong năm 2009.

Về ô nhiễm môi trường, ĐB Nguyễn Hoàng Sơn đặt vấn đề: Tại sao đến bây giờ vẫn còn tồn tại về tình hình ô nhiễm môi trường ở âu thuyền Thọ Quang, ở các khu công nghiệp và việc đổ nước thải trực tiếp ra biển Thanh Bình, Mỹ Khê gây bức xúc cho cử tri…, mặc dù kỳ họp trước đã chất vấn Sở Tài nguyên-Môi trường? Hướng sắp tới, Sở sẽ có biện pháp gì để giải quyết triệt để và đến bao giờ chấm dứt tình trạng này?
 
Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường Nguyễn Điểu giải trình: Xác định việc ô nhiễm tại các điểm trên là “nóng” nên thành phố và Sở đã chỉ đạo quyết liệt để giải quyết, nhưng cũng chỉ mới đáp ứng được một phần. Về ô nhiễm ở âu thuyền Thọ Quang là do hệ thống nước thải, do sản xuất từ các doanh nghiệp, thuyền đậu đỗ... nên cơ quan chức năng đã lắp đặt 4 nhà vệ sinh lưu động, 20 thùng rác; vận động nhân dân ra quân thu dọn vệ sinh; hút đẩy nước ra ngoài; kiểm tra 8 nhà máy và đình chỉ tạm thời 6 doanh nghiệp, yêu cầu xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt yêu cầu mới cho hoạt động lại.

Về bãi biển Mỹ Khê, cơ quan chức năng đã kiểm tra 8 nhà hàng ở khu vực này và yêu cầu xây dựng hệ thống cống nước thải để đưa vào hệ thống chung ở Trạm xử lý nước thải Hòa Cường; trong đó Nhà hàng 4U đã bị xử phạt do vi phạm. Ở cống Mỹ Khê, đã lắp đặt hệ thống máy bơm điện và xây dựng hệ thống cống ngầm... Trước thắc mắc của các ĐB về việc xử lý tình trạng ô nhiễm cấp thời hiện nay, ông Nguyễn Điểu cho biết sẽ tiếp tục thực hiện giải pháp bơm nước để pha loãng nhằm tránh ô nhiễm. Về ô nhiễm ở Khu công nghiệp Hòa Khánh, bãi rác Khánh Sơn, trong thời gian tới, thành phố sẽ tăng cường thu hút đầu tư vào việc giải quyết ô nhiễm môi trường, trong đó có cả giải pháp xây dựng Đài hỏa táng, lò đốt rác thải...

Cũng về tình trạng ô nhiễm môi trường, ĐB Nguyễn Quang Nga nêu chất vấn về ô nhiễm môi trường do bụi của đường vào mỏ đá Phước Thuận và Xí nghiệp Bê-tông tại thôn Thạch Nham Đông, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang. Nhân dân đã kiến nghị nhiều lần và UBND thành phố cũng đã có chỉ đạo giải quyết vấn đề này nhưng vẫn chưa hiệu quả.
 
Ông Nguyễn Điểu cho biết, tại khu vực Phước Thuận có 11 mỏ đá khai thác, huyện Hòa Vang đã chủ động vận động 2,4 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa tuyến đường này nhưng hiện nay đã hư hỏng nặng. Cơ quan chức năng tiến hành đình chỉ hoạt động một doanh nghiệp vi phạm. Cùng với việc đề nghị địa phương tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, Sở Tài nguyên-Môi trường sẽ tiến hành tổng thanh tra, kiểm tra các điểm khai thác đá trong tháng 12 này.

Liên quan đến ô nhiễm, ĐB Nguyễn Quang Nga băn khoăn về việc xây dựng 4 sân golf trên địa bàn thành phố không những ảnh hưởng đến đất sản xuất của nông dân, mà còn gây ô nhiễm nặng do sử dụng phân bón, hóa chất... trong quá trình bảo dưỡng sân golf. Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương  cho biết, hiện nay, trên địa bàn Đà Nẵng đang có 4 dự án sân golf tại phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn), Khu đô thị Đa Phước (quận Hải Châu), xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang), trong đó diện tích đất nông nghiệp rất ít, không ảnh hưởng đến sản xuất của nông dân.
 
Qua kiểm tra, các cơ quan chức năng Trung ương cũng đã kết luận, việc xây dựng sân golf ở Đà Nẵng không ảnh hưởng đến trồng trọt và an ninh lương thực; ủng hộ các dự án này để tạo cảnh quan đẹp, thu hút đầu tư, tạo điểm nhấn và thu hút thúc đẩy du lịch... Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Văn Dũng cho rằng, cần phải tính toán đến việc ô nhiễm trong việc sử dụng nước ngầm ở phường Hòa Hải sau khi xây dựng sân golf...

Bên cạnh đó, các ĐB cũng nêu nhiều ý kiến chất vấn liên quan đến chất lượng, hiệu quả của các công trình trọng điểm; việc sử dụng các nguồn thu ngân sách; tình trạng ngập úng tại các khu chỉnh trang đô thị...

NGUYỄN THÀNH

;
.
.
.
.
.