Người ta đi chợ là để mua sắm. Tôi thì, chỉ đi... chơi chợ, nên sẽ không nói làm chi chuyện mua bán, chuyện giá cả; mà, chỉ để vừa đi vừa... ngẫm ngợi đôi điều, về chuyện mừng Chúa Giáng sinh.
Chợ vẫn đông, mà sao...
Chưa có những cây “thông thật” điểm sắc xanh hai bên vỉa hè, nhưng từ đầu tháng 12, đã có những cây thông nhựa y như thật đã thêm màu tươi cho nhà phố. Vẫn những dây ngũ sắc lấp lánh, những bộ áo quần của ông già Santa Claus, những chiếc lồng đèn ngôi sao, những hang đá (bằng giấy, tất nhiên rồi).
Và không ít những món “truyền thống” khác đang chờ khách trong mùa đón mừng Chúa. Tôi “không dám” và “không cần” hỏi giá các mặt hàng. Bởi, hơi “hãi” những cái lườm nguýt của mấy cô bán hàng khó tính (tuy xinh như hoa nhưng dễ dàng nhíu - mày - chẩu - môi khi khách cứ hỏi tới hỏi lui mà chẳng “xách lên” món nào cả). Còn nói “không cần” là bởi, “chẳng dại gì” mà cung cấp thông tin... sai sự thật về giá cả (cứ ghi ghi chép chép, rồi bê nguyên xi cái giá mà người bán “hét” lên).
Việc ấy, xin dành cho các bà nội tướng đảm đang. Còn chí ít, thì đấy cũng là phần việc của các phóng viên rành rẽ thị trường chứ chẳng phải lớ ngớ... “như tui đây”! Ấy tuy nhiên, không biết có đúng không, khi chỉ nghe câu trả lời không mấy “tươi” của bà chủ sạp: “Mưa lụt, rồi lại thêm khủng hoảng đủ thứ, nên ế nhễ !” (nghe rứa, răng mà chán òm, hỉ?).
Đảo qua vài khu phố, thì, trừ một số không nhiều những cửa hàng có treo Merry Chrístmas, Happy New Year, không khí mua sắm dịp Giáng sinh, trên bề nổi, rõ ràng ràng là ít nhộn nhịp hơn một vài năm trước. Ít nhất là cho đến lúc viết bài này, hai tuần lễ trước Giáng sinh. Thay vào những lời chào mừng Giáng sinh, trên nhiều cửa hàng, phất phơ các dòng khuyến mãi cố gắng “đập” vào mắt người qua lại: “Giảm giá 20%”, “Giảm giá 50%”, giảm giá... giảm giá...
Lướt qua vài siêu thị, khu chợ thì thấy, các mặt hàng Noel quả có phong phú thật, nhưng khi được hỏi về sức mua, thì vẫn cứ nghe “thống nhất” một lời: Bán chậm lắm! Thử ghé chợ Hàn, một chợ lớn, để hỏi chuyện mua bán “nói chung” (chứ chẳng riêng gì chuyện hàng Noel), thì một chị tiểu thương quen biết bật mí: “Mọi năm, em bán được khá nhiều thiệp chúc mừng Giáng sinh, nhưng năm nay, khách mua vơi hẳn. Không hiểu do họ chê thiệp; để mua những quà tặng khác, hay là chê cả quà tặng lẫn thiệp?!”.
Đành phải ra về!
Vui... thăm
Thâm nhập thực tế ở... ngay bên cạnh nhà, thì cô Linh – người hàng xóm của tôi, một tín đồ Thiên chúa giáo – bình tĩnh cho biết: “Nhà em năm nay không sắm sửa gì nhiều như mọi năm. Đón Chúa, cốt ở tấm lòng thành kính thôi”. Cô nói thêm, trong xứ đạo của cô, nhiều tín hữu cũng có cùng tâm thế ấy. Họ, những giáo dân có thu nhập ổn định, đã dành khoản tiền chuẩn bị mừng Giáng sinh năm nay cho việc giúp đỡ những bà con phải chịu đựng quá nhiều mất mát trong một đời sống còn nhiều khó khăn. Có thể là, trong những ngày sát cận Noel, “mặt nổi” của mùa Giáng sinh vẫn sẽ nhộn nhịp như mọi năm chăng? Bởi, đó là thói quen của một sinh hoạt đô thị? Bởi, vẫn có những gia đình thừa khả năng tài chính vẫn “bung ra”? Nhưng, trong lòng những con chiên thành tín, có thể tin rằng, họ đã đón Chúa bằng những việc làm thiết thực. Như lời dạy của Người: “Chớ dồn chứa của báu ở dưới đất… vì chưng, của báu ngươi ở đâu, thì ngươi cũng ở đó” (Tin Lành, theo Thánh Mathieu ).
Cũng đón Giáng sinh một cách êm đềm, cô bạn T.L của tôi, ở Sài Gòn, cũng email ra, cho biết: Sẽ giản đơn ra cửa hiệu sách, mua một băng CD hát mừng Giáng sinh, gồm các ca khúc trong và ngoài nước. Đêm Noel, cô sẽ đón Chúa bên tách trà thơm, đĩa bánh ngọt “nhẹ nhàng”, trong tiếng nhạc thánh thót, bình an. Điều đáng nói, là cô cảm thấy an vui. Bởi, cô nhớ lại thời sinh viên tranh đấu những năm trước 1975, chưa bao giờ cô thực sự cảm thấy bình yên. Thậm chí, trong lần Noel năm 1969, cô đã bị cảnh sát chế độ cũ bắt giam, lúc đang chuẩn bị xuống đường, ở trước Nhà thờ Đức Bà, tại trung tâm thành phố.
Yêu giữa lòng người
Rõ ràng (tuy không phải là với tất cả mọi người), tình hình khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã có tác động đến cả những người bình thường, chẳng có làm... kinh tế gì cả. Rõ ràng, sự lo lắng về một triển vọng không có gì “tươi” lắm của năm 2009 đã bắt đầu “in” dấu lên đời sống của đa số bà con ta. Có thể là, trong những ngày cận lễ Giáng sinh, “bộ mặt” của ngày lễ – hội này sẽ khởi sắc hơn lúc bài viết này... đang được viết.
Bởi, đó là một tập quán tốt đẹp, đồng thời đó cũng là quy luật của cuộc sống: Con Người chẳng thể tồn tại, nếu cứ để cho những đau thương nhận chìm mình xuống. Nhưng, dẫu cho Noel năm nay có ít nhộn nhịp hơn mọi năm, thì điều ấy, có khi lại là một tín hiệu đáng mừng: Niềm vui riêng cũng phải nên được chia sẻ với nỗi khổ của đồng loại. Điều này, tôi đã thấy, ít nhất là nơi một vài xứ đạo tôi đã đến. Một vài vị, trong hàng giáo phẩm đều cho thấy, họ đã dành nhiều thời gian và công – của, cùng với các giáo dân, gửi đến chia sẻ với đồng bào ở những vùng gặp lũ lụt, tai nạn...
Đêm mừng Chúa Giáng sinh, trên nóc nhà thờ, những lời chuông ngân nga sẽ vang lên giữa lòng những con chiên ngoan đạo. Dù giữa những nhà hàng sang trọng, dù trong những con hẻm tối còn eo sèo chuyện áo cơm, sự khác biệt về vật chất vẫn không che được một sự thật: Hạnh phúc của mọi công dân trong một đất nước đã đứng lên sau chiến tranh, xây dựng đời sống của chính mình, hòa trong bước đi của nhân loại.
Sự bình an ấy không thể có được trong một đất nước bị chia cắt, như trước đây. Sự bình an ấy đã có và đang lên xanh cây đời, hôm nay, giữa vận hội mới, thử thách nhưng hứa hẹn. Chính sự bình an ấy sẽ đưa con người đến với lời răn lớn nhất mà Đức Jesus Chríst đã gửi đến các môn đồ của mình: “Hãy thương yêu kẻ lân cận như chính mình” (Tân ước – theo Thánh Marx ).
NGUYỄN ĐÔNG NHẬT