.

Con đường và những mùa quả ngọt

.

Mươi năm trước, đường nông thôn Hòa Vang chỉ là những con đường đất gập ghềnh, đầy đá sỏi, nắng bụi, mưa bùn. Mùa mưa lũ, mọi chuyện trở nên khó khăn bội phần, có khi một đoạn đường ngắn thôi cũng trở nên xa ngái. Nhiều thôn xóm không có điện. Học sinh muốn đến trường phải vượt qua nhiều con đường lầy lội... Thế rồi, mọi chuyện bỗng khác…

Mười năm cho một chặng đường

Con đường đất ngày nào đã được bê-tông hóa vững chắc, tạo nên mạch thông suốt cho giao thông

Một ngày giữa tháng 12, tôi theo chân anh Nguyễn Văn Bửu, chuyên viên Phòng Công thương huyện Hòa Vang làm một vòng quanh huyện. Những con đường khang trang kéo dài vào tận thôn xóm, nhà cửa hai bên dựa vào “mặt tiền” đã trở nên bề thế hơn.
 
Đến nay, 1.200km đường giao thông nông thôn Hòa Vang đã được bê-tông hóa, xe hai bánh đã đi được cả hai mùa mưa nắng. Đây là kết quả của cuộc vận động “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, có hộ góp hơn mức quy định, bởi họ nhận ra rằng việc phát triển hệ thống giao thông nông thôn cũng gắn với việc phát triển kinh tế, xã hội.

Trong nhiều tuyến đường giao thông nông thôn, có nhiều hộ dân đã hiến đất để con đường sớm được hoàn thành. Trên đường đi, chúng tôi gặp bà Phạm Thị Lập (76 tuổi) ở thôn Túy Loan Đông, xã Hòa Phong, bà hồ hởi: “Ngày xưa huyện mình nghèo lắm, đường sá đến mùa mưa là lầy lội, con em đi học phải đi một quãng xa hàng cây số đường đất. Nay làng xóm đổi thay, nhà cửa kiên cố. Đường sá lại thoáng đãng, xe chạy ào ào, muốn đi thăm bà con ở xa cũng dễ…”.

Để có một bộ mặt nông thôn đổi thay như hiện nay, những năm gần đây, lãnh đạo huyện Hòa Vang đã tập trung vào các ngành mũi nhọn góp phần thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế phát triển. Về giao thông các tuyến ĐT 602, 604, 605, 601 do thành phố đầu tư xây dựng cơ bản đã hoàn thành, nối liền Hòa Vang với các vùng lân cận, tạo nên mạng lưới giao thông thông suốt.

Trường THCS Phạm Văn Đồng – một trong những điểm sáng giáo dục ở Hòa Vang.

Đặc biệt, tuyến đường tránh Nam Hải Vân qua địa phận huyện Hòa Vang và Liên Chiểu thông xe vào cuối tháng 3 đã mang lại diện mạo mới cho Hòa Vang. Điển hình nhất là đoạn từ km6+050 đến km6+150 thuộc xã Hòa Liên, đoạn từ km17 đến km17+400 thuộc xã Hòa Nhơn, nhà cửa nằm cạnh con đường cũng khang trang hơn trước.

Sự “thông đường” đã giúp cho Hòa Vang có điều kiện phát triển kinh tế-xã hội. Hiện nay, trên toàn huyện có đến 45 trường học các cấp, 58 điểm giữ trẻ… Con đường từ nhà đến trường đã trở nên dễ dàng và tạo điều kiện tốt cho học sinh tham gia đầy đủ các chương trình ngoại khóa của nhà trường như thể thao, giao lưu văn hóa, văn nghệ. Nhiều năm qua, Trường THCS Phạm Văn Đồng thuộc xã Hòa Nhơn đã được các cấp, ngành quan tâm, xây dựng 24 phòng kiên cố.

Thầy giáo Lê Văn Hoàng, Phó hiệu trưởng nhà trường hồ hởi: “Với kinh phí 1,78 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ bản, thầy và trò nhà trường đã có một cơ ngơi khang trang, tạo điều kiện tốt cho thầy, cô giáo phát huy hết khả năng sư phạm trong giảng dạy”. Từ những ngôi trường này, nhân dân Hòa Vang đang mong ước một điều, con em mình sẽ được học dưới mái trường có đầy đủ điều kiện và không gian để chắp cánh cho các em mơ về những chân trời tri thức.

Hy vọng mùa quả ngọt

Chợ Túy Loan được xem là trung tâm mua sắm của toàn huyện Hòa Vang trong giai đoạn hiện nay.

Vùng đất Hòa Vang bao đời nay chịu cảnh nắng hạn, mưa lụt, cây trồng khô héo, vụ mùa thất bát. Giờ đây, nhờ có công trình thủy lợi đưa nước về tận ruộng đồng nên mùa màng tươi tốt, mùa nối mùa bội thu. Nông dân phấn khởi, hăng say chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện “đổi thửa, dồn điền”, thủy lợi hóa đất màu. Nhờ có điện về, nông dân thôn Túy Loan Tây, xã Hòa Phong kéo điện ra đồng Hồ Bún, đóng giếng bơm tưới nước cho cây trồng.

Hàng trăm máy bơm được đặt khắp đồng ruộng, nông dân chủ động nguồn nước tưới, mạnh dạn xây dựng vùng chuyên canh, thâm canh tăng năng suất cây trồng. Đồng ruộng, xóm làng bừng lên sức sống mới. Năm 2008, toàn huyện đạt được 37.000 tấn thóc, mang lại niềm vui cho người nông dân. Nhờ đó, toàn huyện đã có 5.816 hộ thoát nghèo.

Ngoài làm tốt công tác giao thông nông thôn, đưa điện đến khắp thôn xóm, Hòa Vang còn chú trọng đến sức khỏe người dân qua việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các trạm y tế trên địa bàn huyện. Điển hình là Trạm Y tế xã Hòa Phong nay đã có máy siêu âm, máy điện tim phục vụ cho bà con. Đây là 2 trong 64 xã, phường thuộc Đà Nẵng có trang thiết bị y tế hiện đại. Năm 2007, Sở Y tế đã đầu tư 500 triệu đồng xây dựng khu khám và chữa bệnh. Điều kiện bảo đảm nên hằng ngày Trạm đón từ 100 đến 120 bệnh nhân đến đây khám sức khỏe…

Giờ đây, con đường lầy lội ngày xưa đã không còn, xe bốn bánh có thể chạy đến tận ruộng đồng. Khu chợ Túy Loan vốn được xem là trung tâm mua sắm của toàn huyện cũng hứa hẹn sẽ sầm uất khi khu Trung tâm Hành chính Hòa Vang chuyển về Hòa Phong trong ngày 22-12 tới đây. Với thành tựu đạt được cùng những định hướng phát triển trong tương lai, tin rằng Hòa Vang hội đủ nhiều yếu tố thuận lợi để đưa nền kinh tế-xã hội phát triển lên một bước mới. Con đường thi đua của Hòa Vang đang vươn dài, trải rộng hứa hẹn những mùa quả ngọt phía trước.

 

Năm 2009, dự án ADB5 do Sở Giao thông Vận tải đầu tư với tổng kinh phí 56,6 tỷ đồng nhằm xây dựng hoàn chỉnh các tuyến đường nối xã Hòa Phong-Hòa Phú với 4,76km đường, Hòa Phú nối Hòa Ninh với 5,7km đường, đường Bắc Thủy Tú đến Phò Nam dài 12,78km. Cũng trong năm 2009 sẽ đầu tư xây dựng cầu Diêu Phong nối xã Hòa Nhơn với Hòa Phú với tổng kinh phí 19 tỷ đồng.

 

Tiểu Yến

;
.
.
.
.
.