.
CÔNG TÁC DS - KHHGĐ

Lùng bùng tổ chức bộ máy

.

Sau gần một năm giải thể Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em và sáp nhập hệ thống Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGÐ) vào ngành Y tế, đến nay, hệ thống công tác DS - KHHGÐ vẫn chưa thực sự ổn định, nhất là ở tuyến huyện và cơ sở. Một số địa phương đã buông lỏng, không còn mặn mà với các chỉ tiêu DS-KHHGD được giao. Trong khi đó, bộ máy làm công tác này từ thành phố đến cơ sở luôn bị biến động, thiếu và yếu… Đây là trở ngại lớn cho việc triển khai kế hoạch hoạt động DS-KHHGĐ và hoàn thành các mục tiêu đề ra.

 Hoạt động tư vấn sức khỏe sinh sản luôn được tổ chức thường xuyên tại các vùng dân cư trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. 

Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có Chi cục DS - KHHGÐ thuộc Sở Y tế. Thế nhưng, tại tuyến huyện mới có 54/63 tỉnh, thành phố có quyết định thành lập Trung tâm DS- KHHGÐ và mới có 8 đề án công tác DS - KHHGÐ được trình Chi cục DS - KHHGÐ tỉnh. Ðáng chú ý, hiện nay mới có 29,59% số cán bộ xã đủ điều kiện tuyển dụng vào viên chức DS - KHHGÐ xã.
 
Vì theo Thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế quy định: Đối với cán bộ chuyên trách, trình độ chuyên môn ít nhất phải là trung cấp... Nếu theo đúng thông tư này, tỷ lệ cán bộ chuyên trách dân số của thành phố Đà Nẵng đủ yêu cầu chỉ đạt khoảng hơn 50%. Điều này dẫn đến việc tổ chức bộ máy hoạt động DS-KHHGĐ đang gặp nhiều “lùng bùng”... Như vậy, vô hình trung, nhiều địa phương sẽ không đủ cán bộ làm công tác DS - KHHGÐ.

Đối với thành phố Đà Nẵng, sau khi có Quyết định số 1957/QĐ-UBND ngày 6-3-2008 của UBND thành phố về việc chuyển các chức năng về dân số, gia đình và trẻ em sang các cơ quan chuyên môn có liên quan, Sở Y tế đã tiếp nhận 18 cán bộ, công chức, lao động từ Ủy ban Dân số-Gia đình và Trẻ em, và chỉ đạo thành lập Tổ DS-KHHGĐ. Ngày 19-5-2008, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 3917/QĐ-UBND về việc thành lập Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình.
 
Ngay sau khi được thành lập, Chi cục DS-KHHGĐ đã tham mưu xây dựng các đề án ổn định cơ bản về tổ chức bộ máy các cấp và tiếp tục triển khai các hoạt động DS-KHHGĐ nhằm hoàn thành các mục tiêu năm 2008.

Theo bà Nguyễn Thị Hoa, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ thành phố Đà Nẵng: Bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ luôn bị biến động, thiếu và yếu. Cấp thành phố còn 17 người (trước giải thể là 46 cán bộ), cấp quận, huyện từ 37 còn 18 cán bộ, hơn 1/3 số cán bộ chuyên trách cấp xã, phường thay mới và hơn 50% cộng tác viên (CTV) thôn, tổ dân phố thay mới, chưa qua đào tạo. Đó là những trở ngại lớn cho việc triển khai thực hiện các mục tiêu DS-KHHGĐ đã đề ra.
 
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho rằng: Cần nhanh chóng hoàn thiện bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ từ cấp thành phố đến cơ sở. Nếu chậm trễ, những xáo trộn, thay đổi trong hệ thống sẽ ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo thực hiện chương trình này. Từ đó, dẫn đến công tác chỉ đạo, phối hợp sẽ gặp nhiều khó khăn, và tất nhiên sẽ hạn chế về hiệu quả thực hiện…

Mặc dù công tác DS - KHHGÐ đang đứng trước những khó khăn, biến động lớn về tổ chức bộ máy từ thành phố đến quận, huyện, xã, phường, nhưng các hoạt động Chương trình mục tiêu quốc gia về DS-KHHGĐ của thành phố vẫn được chú trọng.
 
Công tác truyền thông giáo dục thay đổi hành vi DS-SKSS-KHHGĐ, chiến dịch tăng cường truyền thông lồng ghép với dịch vụ, nâng cao năng lực quản lý, bảo đảm hậu cần và đẩy mạnh tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai vẫn được tiếp tục duy trì và các chỉ tiêu về các biện pháp tránh thai cơ bản hoàn thành đạt kế hoạch thành phố giao. Năm 2008, kết quả thực hiện tổng các biện pháp tránh thai của Đà Nẵng đạt 105,5% so với kế hoạch năm; trong đó, hai biện pháp tránh thai cơ bản là đình sản đạt 111,1% và đặt vòng đạt 106%. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên của thành phố là 9,02%, giảm 0,3% so với năm 2007.

Có thể nói cho đến nay, công tác DS-KHHGĐ của Đà Nẵng vẫn còn nhiều việc phải làm. Trước hết, cần tổ chức công tác truyền thông, vận động, tư vấn thật phong phú, sâu rộng, đi vào từng nhóm đối tượng đặc thù; truyền thông thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng, cung cấp đầy đủ tài liệu để phục vụ truyền thông trực tiếp. Điều quan trọng hơn cả là bảo đảm đủ nguồn nhân lực và kinh phí để thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ.

Bài và ảnh: CÔNG THÁI

;
.
.
.
.
.