Thông tin từ chính quyền quận Hải Châu được chuyển tải đến tất cả các cư dân vạn đò đang tạm cư tại ven biển phường Thuận Phước với nội dung: Chậm nhất đến ngày 15-12-2008, tất cả những cư dân vạn đò đang tạm cư tại đây buộc phải di dời về quê cũ. Nghe tin, nhiều cư dân có vẻ nuối tiếc, nhưng họ đều có chung một suy nghĩ: Đã là chủ trương thì phải chấp hành.
Một góc “xóm” vạn đò Thuận Phước. |
Theo lời kể của anh Quyền, ở “khu” vạn đò này, anh được các cư dân đặt cho cái tên “già làng” của “xóm” vạn đò Thuận Phước, bởi ngay cả thời gian rời đất liền lên đò sống kiếp lênh đênh, anh Quyền cũng không nhớ rõ. Anh chỉ nhớ đến thời điểm này, vợ chồng, con cái đã tạm cư ở “xóm” vạn đò này được gần 5 năm rồi. Khi chúng tôi hỏi: “Gia đình anh đã nhận được thông báo từ chính quyền địa phương về việc di dời “xóm” vạn đò này chưa?”. Anh nói: “Nhận từ mấy bữa trước rồi”. “Vậy anh tính sao?”.
“Tính chi cho mệt. Đã là chủ trương thì phải chấp hành. Chính quyền cho ở thì tốt, bảo đi thì đi”. “Vậy anh sẽ đi đâu?”. “Thì về quê rồi lại tiếp tục đi đò. Ở quê, cả gia đình tôi đã sống bằng nghề vạn đò lâu rồi, vùng biển Huế đánh bắt cũng được lắm nhưng khổ cái là khó tiêu thụ hải sản, hơn nữa giá bán lại rẻ hơn đây. Từ ngày “tạm cư” ở “xóm” vạn đò này, làm ăn kiếm sống có vẻ thuận lợi hơn. Ngày ngày tôi và các con đưa thuyền ra vịnh đánh bắt, đem cá về cho vợ ra các chợ bán. Hôm nào trời thương cũng kiếm được 400-500 nghìn đồng, còn không thu nhập cũng gấp đôi, gấp ba ở quê”.
Câu chuyện giữa chúng tôi và gia đình anh Quyền chưa kết thúc, đã thấy những người đàn ông, phụ nữ và có cả những đứa trẻ trên chiếc ghe nhỏ xúm lại gần “căn nhà” của anh Quyền. Mỗi người mang đến một câu chuyện mà trong đó chứa đựng cả niềm vui, nỗi buồn và những gian truân của nghề vạn đò sông nước. Anh Trần Dũng, người cùng quê với anh Quyền và là hàng xóm thân thiết với anh Quyền ở “xóm” vạn đò kể: Những cư dân vạn đò ở đây hầu hết quê ở Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế). Ở quê, đánh bắt cá cũng được nhưng khó tiêu thụ quá. Nghe các anh em vào trước nói ở trong này dễ kiếm sống hơn nên cả gia đình tôi đã kéo nhau vào.
Cha con anh Dũng. |
“Vậy bọn trẻ vào đây đi học ở đâu?”, “Hai cháu nhà tôi đến tuổi đi học nên chúng thích lắm, nhưng làm cái nghề này thì học hành làm chi. Cha mẹ sẽ truyền nghề”. Anh Á (một cư dân vạn đò đã có nhà ở Đà Nẵng) nói: “Xóm” vạn đò có gần 40 đứa trẻ, có đứa học, đứa không. Đứa nào học nhiều nhất mới hết cấp II, nhưng rồi lênh đênh trên nước miết, cái chữ cũng bị dần chìm xuống biển.
Trước khi rời “xóm” vạn đò, nhiều người đã nói với chúng tôi rằng: Chẳng ai muốn sống trên cái thuyền chật chội này cả.
Ai cũng muốn con em mình được ăn học đàng hoàng, đâu muốn sống cảnh lênh đênh trên sông nước mãi. Nhưng ngoài nghề này, chúng tôi đâu biết làm nghề gì khác. Nhiều người cũng khuyên chúng tôi nên chuyển nghề, nhưng cả vốn và trình độ còn hạn chế, biết làm chi đây?
Để bảo đảm tình hình an ninh trật tự, tránh ô nhiễm môi trường và những điều đáng tiếc xảy ra đối với các cư dân vạn đò, việc quận Hải Châu buộc họ phải trở về nơi ở cũ là cần thiết. Cần phải đưa ra một chế tài phù hợp, nếu không, việc buộc họ về nơi ở cũ sẽ chỉ trên giấy.
Còn nhớ từ năm 2005, thành phố đã đầu tư khoảng 16 tỷ đồng để xây dựng hơn 300 căn nhà liền kề tại phường Nại Hiên Đông (Sơn Trà) để hỗ trợ hàng trăm hộ dân sống tạm bợ trên sông nước (nhà chồ) lên bờ an cư lạc nghiệp.
Tưởng như bài toán xóa nhà tạm trên sông nước ở thành phố đã được giải quyết dứt điểm, thế nhưng do việc quản lý không chặt từ chính quyền sở tại, dẫn đến “xóm” vạn đò tiếp tục được “mọc” lên ở nhiều nơi, trong đó phải kể đến khu vực ven biển Thuận Phước, lúc đầu chỉ có mấy hộ, bây giờ đã lên đến cả trăm. Đây là điều mà các địa phương khác cần rút kinh nghiệm và phải thật chặt chẽ trong việc quản lý địa bàn, chấm dứt cảnh cho họ cư ngụ nhiều năm rồi mới nói đến chuyện buộc họ về quê cũ, gây khó cho cả chính quyền và người dân.
Bài và ảnh: TRỌNG HÙNG