Chuyện dưỡng liêm là không mới, thế nhưng khi tin Đà Nẵng bàn việc lập quỹ dưỡng liêm lại khiến dư luận cả nước chú ý đặc biệt. Ngay ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy khi đề nghị lập quỹ hỗ trợ công chức cũng nói là chuyện này ở xứ người, họ đã làm rồi và rất hiệu quả.
Thời xưa thì càng không hiếm, sự liêm khiết là tiêu chuẩn lớn của nhà nho, thế nhưng sự tham nhũng cũng không thiếu. Cuộc sống là muôn hình vạn trạng thì sự hối lộ, tham nhũng cũng muôn hình vạn trạng; liệu vài triệu đồng thêm vào khoản lương vốn đã thấp có ngăn cản được lòng tham vô đáy của con người?
Tác giả Đặng Huy Trứ trong sách “Từ thụ yếu quy” (Những nguyên tắc chủ yếu để nhận hay không nhận) cũng nói rằng “Quan lại nhà Thanh bổng to lộc lớn lại có thêm khoản tiền dưỡng liêm, trong khi ở ta chức quan nhất phẩm không bằng quan huyện xứ người” để nói rằng để dưỡng liêm cũng cần phải đạt được mức độ nào đó chứ không phải dễ.
Năm 1815, khoản dưỡng liêm của tri phủ gồm 25 quan tiền, tri huyện thì 20 quan tiền, cao hơn cả tiền lương. Từ năm 1831, vua Minh Mạng chia các phủ, huyện, châu cả nước làm 4 hạng, tùy theo 4 hạng trên mà mức độ tiền dưỡng liêm khác nhau.
Giá trị thực tế của khoản tiền dưỡng liêm dưới triều Gia Long, Minh Mạng rất lớn, tương đương với số lương bổng họ được nhận thực hằng tháng. Điều này có ý nghĩa rất lớn về vật chất vì quan lại có thể dựa vào tiền dưỡng liêm để bảo vệ tính thanh liêm cần thiết cho mình. Tiền dưỡng liêm thật sự là một biện pháp tương đối hữu hiệu trong việc ngăn ngừa tệ nạn tham nhũng trong hàng ngũ quan lại triều Nguyễn.
Nhiều người bàn, tại sao không tăng lương đến mức ai cũng sợ mất việc, sợ hạ cấp lương có hơn là “bỏ tiết kiệm” đến về hưu mới nhận?
Đề xuất của Đà Nẵng cho thấy tác giả của ý tưởng đã đầu tư suy nghĩ nhiều. Theo đó, hằng tháng công chức sẽ được hỗ trợ một số tiền cụ thể ngoài lương nhưng chỉ được nhận 1/3. Số còn lại chuyển vào sổ tiết kiệm, chỉ đến khi nhận quyết định nghỉ hưu mới được nhận toàn bộ số tiền. Nếu khoản hỗ trợ này kha khá thì đến khi nghỉ hưu công chức sẽ có một khoản tiền lớn có thể yên tâm an dưỡng tuổi già, hoặc sử dụng số tiền đó vào những việc hệ trọng của gia đình.
Tuy nhiên, có điều kiện ràng buộc: Trong suốt những năm đương chức phục vụ dân, công chức ấy không vi phạm kỷ luật, không nhũng nhiễu, vòi vĩnh dân, không có hành vi tham nhũng mới được hưởng trọn số tiền ấy.
Nếu lúc nghỉ hưu nhận được 100 triệu đã là con số mơ ước của nhiều người, đủ để dưỡng liêm ở mức độ nào đó, thế nhưng nói giữa cuộc họp HĐND thành phố, ông Nguyễn Bá Thanh đã đưa ra con số hình dung ban đầu (ông nhấn mạnh là chưa chính thức), mỗi tháng bỏ vào quỹ 5-6 triệu đồng thì mỗi cán bộ, công chức công tác 30 năm sẽ có trên 1 tỷ đồng. Một số tiền thật ấn tượng để có thể nói là dưỡng liêm!
Đã một thời chúng ta biết một cây thuốc lá, thậm chí một gói thuốc cũng có thể là vật không thể thiếu để đến cửa quan. Bây giờ thì chuyện đó đâm buồn cười, nhưng cái phong bì tiền triệu lại được xem là sự bôi trơn cần thiết. Quả thật, trước khoản lợi tức hàng tỷ đồng lúc về hưu thì khoản phong bì dăm ba triệu trở thành chuyện nhỏ.
Thực lòng, nhiều người hy vọng đề xuất này của Đà Nẵng đi vào thí điểm rồi nhanh chóng trở thành chính sách chung của cả nước.
HỒ TRUNG TÚ